Châu Phi có thể trở thành điểm đến mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Châu Phi có thể trở thành điểm đến mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu

UNCTAD nhận định, các nền kinh tế châu Phi có thể trở thành những nhân tố chính trong chuỗi cung ứng toàn cầu vì nhiều yếu tố.

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) mới đây đã  nhận định các nền kinh tế châu Phi có thể trở thành những nhân tố chính trong chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách khai thác nguồn nguyên liệu khổng lồ cần thiết cho các ngành công nghệ cao và thị trường tiêu dùng.

Trong báo cáo về phát triển kinh tế ở châu Phi năm 2023, UNCTAD nêu rõ chuỗi cung ứng bao gồm các hệ thống và nguồn lực cần thiết để phát triển, sản xuất, cũng như vận chuyển hàng hóa và dịch vụ từ nhà cung cấp đến khách hàng.

Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan đánh giá: “Đây là thời điểm để châu Phi củng cố vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh các nỗ lực đa dạng hóa vẫn đang tiếp tục. Đây cũng là cơ hội để châu lục này củng cố các ngành công nghiệp mới nổi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho hàng triệu người dân.”

Ngoài ra, nguồn khoáng sản và kim loại quan trọng dồi dào của châu Phi giúp lục địa này trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà sản xuất.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, những biến động thời gian gần đây, từ bất ổn thương mại tới các sự kiện về địa chính trị và bất ổn kinh tế, buộc các nhà sản xuất phải đa dạng hóa địa điểm hoạt động.

Châu Phi cũng có lợi thế như khả năng tiếp cận các nguồn lực nhanh chóng hơn và đơn giản hơn; lực lượng lao động trẻ hơn, hiểu biết về công nghệ, dễ thích nghi; cùng tầng lớp trung lưu đang phát triển.

Báo cáo của UNCTAD nhấn mạnh rằng việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho các ngành sử dụng nhiều công nghệ sẽ giúp mức lương ở châu lục này tăng. Hiện, mức lương tối thiểu ở châu Phi là 220 USD/tháng, thấp hơn so với mức trung bình 668 USD/tháng ở châu Mỹ.

Hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ đa dạng hóa các nền kinh tế ở châu Phi, tăng cường khả năng phục hồi của họ trước những cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Ngoài ra, mở rộng chuỗi cung ứng năng lượng sang châu Phi cũng là một cơ hội để thúc đẩy hành động về khí hậu.

Tiềm năng năng lượng tái tạo lớn của lục địa này, đặc biệt là năng lượng mặt trời, có thể giúp giảm chi phí sản xuất và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch.

Theo UNCTAD, châu Phi cần đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo để giúp thu hẹp đáng kể khoảng cách đầu tư và giải quyết những trở ngại đối với việc sản xuất các tấm pin mặt trời.

Hiện chỉ có khoảng 2% đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo là dành cho châu Phi. Sự tăng trưởng đầu tư vào năng lượng tái tạo, như UNCTAD đã nêu ra, có thể thúc đẩy việc sản xuất các tấm pin mặt trời trên lục địa này.

Bên cạnh đó, châu Phi cũng cần đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng để củng cố vị thế là điểm đến của chuỗi cung ứng.

Hiện, có 17 quốc gia châu Phi đã triển khai những quy định để hỗ trợ cho phát triển chuỗi cung ứng ở địa phương, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và các giá trị đi kèm.

UNCTAD hiện có 194 thành viên quốc gia và vùng lãnh thổ, được coi là tổ chức kinh tế thương mại lớn nhất thuộc hệ thống Liên Hợp quốc. Mục đích của UNCTAD là thúc đẩy sự phát triển kinh tế nói chung và thương mại nói riêng của tất cả các nước thành viên, nhất là các nước đang phát triển.

Vĩnh Hải (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích