WHO lần đầu tiên tổ chức hội nghị cấp cao toàn cầu về y học cổ truyền
WHO lần đầu tiên tổ chức hội nghị cấp cao toàn cầu về y học cổ truyền
Trong hai ngày 17-18/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội nghị Cấp cao Y học Cổ truyền Toàn cầu đầu tiên tại thủ phủ Gandhinagar, bang Gujarat của Ấn Độ.
Hội nghị lần này do WHO và Ấn Độ – quốc gia giữ chức Chủ tịch G20 vào năm 2023 đồng tổ chức.Tham gia hội nghị có Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya cùng lãnh đạo các tập đoàn, công ty hàng đầu trong lĩnh vực y học cổ truyền trên thế giới. Hội nghị diễn ra trùng thời gian và địa điểm với cuộc họp Bộ trưởng Y tế Nhóm các Nền Kinh tế Phát triển và Mới nổi Hàng đầu Thế giới (G20).
Hội nghị có thông điệp: Các phương pháp điều trị bắt nguồn từ các sản phẩm tự nhiên chỉ có thể là phương pháp chăm sóc sức khỏe thay thế hiệu quả nếu được khoa học chứng minh.
Người đứng đầu WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, y học cổ truyền có thể tăng “khoảng cách tiếp cận” chăm sóc sức khỏe, nhưng chỉ có giá trị nếu được sử dụng “một cách thích hợp, hiệu quả và trên hết là an toàn dựa trên bằng chứng khoa học mới nhất”, trong một tuyên bố trước hội nghị.
Đồng thời ông cũng cho rằng Ấn Độ có lịch sử phong phú về y học cổ truyền thông qua hệ thống y học Ayurveda, bao gồm cả Yoga, đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm đau. Theo ông, các quốc gia đang chuyển sang sử dụng y học cổ truyền để điều trị các bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần và nhiều căn bệnh khác. Y học cổ truyền đã có những đóng góp đầy đủ cho sức khỏe con người và có tiềm năng to lớn đối với sức khỏe tổng thể.
Trong khi các loại thuốc y học cổ truyền được sử dụng rộng rãi ở một số nơi trên thế giới, chúng cũng phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt.
Cơ quan y tế của Liên hợp quốc định nghĩa y học cổ truyền là kiến thức, kỹ năng và thực hành được sử dụng theo thời gian để duy trì sức khỏe cũng như ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh về thể chất và tinh thần.
Nhưng nhiều phương pháp điều trị truyền thống không có giá trị khoa học đã được chứng minh và các nhà bảo tồn nói rằng, ngành công nghiệp này thúc đẩy việc buôn bán tràn lan các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, như hổ, tê giác và tê tê, đe dọa sự tồn tại của các loài.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc WHO nêu rõ: “Một trong những điều tuyệt vời của y học cổ truyền là sự hiểu biết về mối liên hệ giữa sức khỏe con người và môi trường của chúng ta. Đó là lý do tại sao WHO kêu gọi các tổ chức hỗ trợ các quốc gia khai phá tiềm năng của y học cổ truyền thông qua trung tâm y học cổ truyền toàn cầu ở Jamnagar (bang Gujarat). Trung tâm có sứ mệnh thúc đẩy trí tuệ cổ xưa và khoa học hiện đại vì sức khỏe và hạnh phúc của con người”.
Về phần mình, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya bày tỏ tin tưởng rằng hội nghị cấp cao toàn cầu sẽ mang đến cơ hội cho Ấn Độ để tham gia đối thoại, trao đổi ý tưởng, thúc đẩy hợp tác và thiết lập quan hệ đối tác quốc tế, thúc đẩy chương trình nghị sự về y học cổ truyền và y học thay thế, đồng thời hợp tác để thúc đẩy và tận dụng tiềm năng của các phương pháp chữa bệnh truyền thống trên thế giới.
WHO cho biết: “Tự nhiên không phải lúc nào cũng có nghĩa là an toàn và hàng thế kỷ sử dụng không đảm bảo tính hiệu quả. Do đó, phương pháp và quy trình khoa học phải được áp dụng để cung cấp bằng chứng nghiêm ngặt và cần thiết”.
Trong nhiều thế kỷ, y học cổ truyền và y học bổ sung đã là một nguồn lực không thể thiếu cho sức khỏe trong các hộ gia đình và cộng đồng.
Theo WHO, khoảng 40% dược phẩm ngày nay có cơ sở là sản phẩm tự nhiên và các loại thuốc mang tính bước ngoặt có nguồn gốc từ y học cổ truyền, bao gồm aspirin, artemisinin và các phương pháp điều trị ung thư ở trẻ em.
Các nghiên cứu mới, bao gồm cả nghiên cứu về bộ gen và trí tuệ nhân tạo đang được đưa vào lĩnh vực này, đồng thời có những ngành công nghiệp đang phát triển về thuốc thảo dược, sản phẩm tự nhiên, sức khỏe, thể chất và du lịch liên quan.
Hiện tại, 170 quốc gia thành viên đã báo cáo với WHO về việc sử dụng y học cổ truyền và đã yêu cầu bằng chứng và dữ liệu để cung cấp thông tin cho các chính sách, tiêu chuẩn và quy định về việc sử dụng y học cổ truyền một cách an toàn, tiết kiệm chi phí và công bằng.
Bộ trưởng Y tế Ấn Độ, Mandaviya nhấn mạnh y học cổ truyền và y học thay thế đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe cá nhân và cộng đồng trong nhiều thế kỷ.
Ông nói thêm: “Hội nghị cấp cao toàn cầu về y học cổ truyền này có thể là nền tảng để huy động cam kết và hành động chính trị dựa trên bằng chứng về y học cổ truyền, vốn là phương thức đầu tiên mà hàng triệu người trên toàn thế giới tìm đến nhằm giải quyết các nhu cầu về sức khỏe và hạnh phúc.”
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị