Lời giải cho nhà ở xã hội: Bố trí quỹ đất sạch, gỡ khó về cơ chế
Đưa ra giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp đạt mục tiêu đề ra, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) – ông Đàm Đức Biên cho rằng bên cạnh việc đẩy nhanh việc giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, thì vấn đề quan trọng là cần bố trí được quỹ đất với mặt bằng “sạch.”
Gặp khó vì quỹ đất, thủ tục đầu tư
Theo thống kê mới nhất của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), trên cả nước hiện có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng thuộc đối tượng cho vay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Hiện nay, có 14/63 Sở Xây dựng rà soát hồ sơ, lập danh mục các dự án đủ điều kiện trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, công bố danh mục, với tổng số 39 dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.406 tỷ đồng; trong đó nhu cầu vay vốn hơn 17.869 tỷ đồng.
Trong số trên, đã có 9 ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố danh mục 17 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với tổng vốn đầu tư hơn 16.839 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vay vốn của các dự án hơn 8.920 tỷ đồng.
Cụ thể, số dự án của các địa phương này bao gồm: Bình Dương 4 dự án, Đà Nẵng 3; An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh cùng có 2 dự án; các tỉnh còn lại là Tây Ninh, Hà Tĩnh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bắc Giang cùng có 1 dự án.
Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, dù nhà ở xã hội là phân khúc có lực cầu lớn trên thị trường nhưng nguồn cung lại hạn chế. Các dự án nhà ở xã hội đang gặp khó về quỹ đất và các thủ tục đầu tư.
“Hiện trong luật, trình tự làm nhà ở xã hội giống như nhà ở thương mại, thậm chí còn phức tạp hơn ở một số khâu, một số bước, dẫn đến trình tự thủ tục đầu tư còn kéo dài,” ông Hưng nhìn nhận.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội cũng là “điểm nghẽn” của phân khúc này.
Theo quy định, các chủ đầu tư tham gia làm nhà ở xã hội được miễn giảm thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền sử dụng đất, các ưu đãi tiếp cận vốn… Tuy nhiên, các ưu đãi lại không được tính vào giá bán khiến phân khúc này không thu hút được các chủ đầu tư.
Trong khi đó, về giải ngân vốn vay ưu đãi, mặc dù đã được 4 ngân hàng quốc doanh triển khai từ tháng 4/2023, nhưng đến nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội mới giải ngân được khoảng 95 tỷ đồng và cam kết cho vay 950 tỷ đồng.
Cụ thể, đến nay BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ một dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng. Agribank cam kết cho vay một dự án tại Quảng Ninh với số tiền 950 tỷ đồng và đang tiếp cận gần 10 dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quy Nhơn (Bình Định), Hà Nam, Lâm Đồng,…
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản cho biết để thúc đẩy tiến độ triển khai, Bộ Xây dựng đã yêu cầu 22 địa phương trọng điểm báo cáo nhu cầu vay vốn và các khó khăn, vướng mắc khi triển khai gói vay ưu đãi.
Theo đó, vướng mắc trong giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng được các địa phương phản ánh là chưa có dự án để cho vay. Bởi vậy, Bộ Xây dựng cũng đã rà soát, liên hệ trực tiếp với các địa phương và chủ đầu tư để tìm hiểu nguyên nhân.
“Mặc dù có 108 dự án đã được công bố nhưng các địa phương còn đang trong quá trình tổng hợp, công bố; đang trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư. Đến nay, Bộ Xây dựng cũng chưa nhận được phản ánh từ chủ đầu tư về khó khăn liên quan đến thủ tục, hồ sơ vay vốn,” ông Hoàng Hải thông tin.
Lời giải “khơi thông” các dự án nhà ở xã hội
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Đàm Đức Biên – Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng cho rằng để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, tới đây, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, sửa chữa chung cư, việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp các vướng mắc của địa phương phản ánh, cũng như tổng hợp, báo cáo các nội dung đánh giá về diễn biến giá vật liệu xây dựng, giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; đánh giá và dự báo thị trường bất động sản.
Song song với cơ chế, chính sách về vốn vay, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng giải pháp quan trọng hiện nay để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội là cần phải bố trí được quỹ đất với mặt bằng sạch. Thứ hai là vị trí dự án cần được bố trí ở những khu vực thuận lợi, để tránh phát sinh những khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng…
Trong khi đó, ông Lê Văn Nghĩa – Trưởng ban Quản lý các thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng để hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ cho công nhân, về phía chính quyền địa phương cần bố trí đủ nguồn vốn để “giải phóng” mặt bằng khu đất quy hoạch thiết chế công đoàn; xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài phạm vi khu đất xây dựng nhà ở xã hội.
Về phía Bộ Xây dựng, ông Nghĩa cho rằng cơ quan này cần phải xây dựng được quy trình triển khai dự án nhà ở xã hội một cách cụ thể để doanh nghiệp và cơ quan quản lý thực hiện đồng thời tham mưu cho Chính phủ ban hành một số nội dung liên quan đến tiêu chí, tiêu chuẩn mua, thuê nhà ở theo hướng cắt giảm một số thủ tục.
Ngoài ra, ông Nghĩa cũng đề xuất bên cạnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Chính phủ cần xem xét ban hành thêm gói tín dụng dành riêng cho công nhân, người lao động mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với mức lãi suất vay ưu đãi không quá 4%/năm, thời gian vay không thấp hơn 25 năm để đảm bảo với mức thu nhập./.
Theo TTXVN
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu