Gỡ vướng trong hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quá trình thực hiện Nghị định số 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã phát sinh một số nội dung vướng mắc gồm:
Về hoạt động cho vay và tài trợ vốn: Thực tế trong quá trình triển khai hoạt động cho vay của Quỹ theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP phát sinh trường hợp 01 doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh đã được vay vốn tại Quỹ nhưng tiếp tục đề xuất nhận vốn cho vay để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh mới khi chưa trả hết nợ gốc và lãi tiền vay của dự án cũ.
Về nội dung này, Nghị định số 39/2019/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể nên Quỹ chưa đủ cơ sở để xem xét quyết định chuyển vốn cho doanh nghiệp vay đối với những trường hợp nêu trên.
Vì vậy, trong dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 39/2019/NĐ-CP có bổ sung quy định về việc cho vay, tài trợ vốn cho 01 doanh nghiệp có nhiều dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vay vốn, nhận tài trợ vốn từ Quỹ, đảm bảo rõ ràng, chặt chẽ, minh bạch hơn trong hoạt động cho vay.
Bên cạnh đó, việc bổ sung quy định nêu trên nhằm hạn chế tập trung hỗ trợ cho một doanh nghiệp nhiều lần trong cùng một giai đoạn, hạn chế rủi ro nợ xấu, bảo đảm nguyên tắc an toàn vốn của Quỹ; sau khi doanh nghiệp hoàn trả hết vốn sẽ đủ cơ sở đánh giá kết quả, hiệu quả, khả năng và nhu cầu thực sự, Quỹ sẽ xem xét khả năng hỗ trợ lần tiếp theo.
Về trích lập dự phòng rủi ro: Nghị định số 39/2019/NĐ-CP có quy định về nội dung trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động cho vay. Tuy nhiên, cần sửa đổi trích dẫn đến quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật đối với nội dung trích lập dự phòng rủi ro.
Do vậy, mục đích xây dựng Nghị định nhằm đảm bảo tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật, hoàn thiện các nội dung về cơ cấu tổ chức, về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của Quỹ, Hội đồng thành viên, Giám đốc và Ban kiểm soát phù hợp với các quy định hiện hành và tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định tại Nghị định số 39/2019/NĐ-CP.
Quy định mới về cho vay, tài trợ vốn
Đối với cho vay trực tiếp, dự thảo bổ sung khoản 4 Điều 15 về nguyên tắc cho vay trực tiếp là: “4. Doanh nghiệp đã được vay vốn của Quỹ được xem xét cho vay đối với dự án, phương án sản xuất, kinh doanh mới từ nguồn vốn của Quỹ nếu doanh nghiệp đã hoàn trả hết nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn.”
Mục tiêu của Quỹ là hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần đưa nguồn vốn tới nhiều doanh nghiệp để phát triển. Hạn chế một doanh nghiệp trong cùng một giai đoạn vay vốn dàn trải cho nhiều dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Đồng thời, sau khi doanh nghiệp hoàn trả hết sẽ đủ cơ sở đánh giá kết quả, hiệu quả, khả năng và nhu cầu thực sự hỗ trợ lần tiếp theo.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung về điều kiện vay vốn như sau: Đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành; có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và đảm bảo phù hợp với tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Về tài trợ vốn, dự thảo bổ sung quy định: Mỗi doanh nghiệp có thể được tài trợ vốn không quá 01 dự án, phương án sản xuất kinh doanh..
Việc bổ sung quy định này nhằm mục tiêu hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần đưa nguồn vốn tới nhiều doanh nghiệp để phát triển. Để hạn chế tập trung tài trợ vốn nhiều lần đối với 01 doanh nghiệp, tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn tài trợ của Quỹ. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp nhận tài trợ và hoạt động hiệu quả có thể được nhận hình thức hỗ trợ thông qua hoạt động cho vay của Quỹ.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo Báo Chính Phủ
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu