Xúc động những câu chuyện của “Hà Nội 12 ngày đêm”
Trưng bày “Máu và Hoa – Hà Nội 12 ngày đêm” gồm 3 phần. 2 phần đầu tập trung giới thiệu những tài liệu, hình ảnh, hiện vật, những câu chuyện kể về cuộc sống sinh hoạt, lao động trong chiến tranh khốc liệt, về tinh thần chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quân và dân Hà Nội cuối năm 1972.
Những hình ảnh, tư liệu tại trưng bày. |
Người dân sống ở các huyện Gia Lâm, Yên Viên, Đông Anh, khu phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai… chắc chắn không bao giờ quên những hình ảnh tang thương mà bom đạn của kẻ thù đã trút xuống. Trưng bày đã chia sẻ câu chuyện của bác sĩ Nguyễn Văn Luân, sinh năm 1937 – cán bộ giảng dạy Đại học Y, Phó trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai: “…Tôi ra khỏi hầm thì thấy đã tan tành rồi. Khối nhà thuộc khoa Da Liễu và Tai Mũi Họng bị sập. Nhiều đội cứu hộ các nơi mang máy móc đến để cùng đào bới. Trên đầu, tàu bay vẫn lượn. Chỉ nghe thấy tiếng la, khóc, kêu cứu của những người bị kẹt dưới hầm bị sập. Ba mươi mấy người nằm trong cái hầm ấy… Đến khi đục bức tường từ phòng này sang phòng khác, đi từ trên xuống dưới, đục theo hầm để đi vào thì thấy hai mẹ con ôm lấy nhau chết rồi. Có cô y tá mất mà không thể lấy nguyên xác ra được…”
Trong thời gian đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Hà Nội có hơn 40 vạn hố cá nhân và 90.000 hầm tập thể, đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người. Mỗi người dân Hà Nội “sở hữu” ít nhất ba hầm trú ẩn: Trong nhà, cơ quan và trên đường phố. Bà Nguyễn Thị Cẩm Phương, sinh năm 1962, khi đó là học sinh hồi tưởng lại: “Nhà tôi ở Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội nên không phải đi sơ tán. Đó là những ngày đông lạnh giá năm 1972, cứ đêm đến, đang ngủ say lại bị gọi dậy, lôi xuống hầm trú ẩn. Hầm thì hôm khô, hôm ướt, hôm có nước thì lạnh run. Ban ngày khi trú dưới hầm, cứ nghe tiếng máy bay đến gần là mấy chị em tôi lại ngoi lên xem, chủ yếu chỉ nghe tiếng rít chứ ít khi nhìn thấy máy bay và thấy rất nhiều mảnh nhiễu trên trời rơi xuống. Bố tôi khi đó đang công tác tại Hòa Bình, nghe tin Hà Nội bị đánh phá ác liệt đã về đón mẹ con tôi lên nơi sơ tán. Tôi nhớ khi đi qua thành phố, đường phố Hà Nội vắng vẻ, im lìm. Khoảng nửa tháng trở về, Hà Nội đã đông vui nhộn nhịp. Xe ô tô đi qua phà sang Gia Lâm, dòng xe comăngca đỗ thành đoàn dài chờ qua sông. Đó là những ký ức của tôi về 12 ngày đêm chiến thắng B-52.
Bom B-52 rải thảm Hà Nội, máu rơi, nhà đổ, phố phường tan hoang… nhưng ở đó luôn hằn lên ý chí của người dân Thủ đô “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. “Có một chuyện mà tôi không thể nào quên trong 12 ngày đêm. Trên đường đi kiểm tra tình hình vận tải phục vụ tên lửa về đến làng Ngọc Hà, chính mắt tôi và anh Huỳnh Thanh Liêm, người miền Nam, là Tiểu đoàn phó chính trị, nhìn thấy khúc thân máy bay B-52 khi ấy vừa rơi ở làng Ngọc Hà. Thấy chúng tôi đeo quân hàm xanh, một bà cụ khoảng 80 tuổi, nói với chúng tôi như thế này: “Các anh bắn rơi được B-52, là có Bác Hồ phù hộ các anh… nó rơi xuống ao, không rơi xuống dân. Bác Hồ thiêng như thế!”. Sau đó về, tôi mới nghĩ, đây cũng như là mệnh lệnh của Tổ quốc trao cho”, hồi ức của ông Phan Lâu, sinh năm 1933, Tiểu đoàn trưởng vận tải, Quân chủng Phòng không – Không quân.
Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Lựu, sinh năm 1948, nhân viên tổng đài thông tin Ga Hà Nội lúc bấy giờ cho biết: “Tôi làm ở tổng đài thông tin thuộc bộ phận điều độ chạy tàu ở 128 đường Lê Duẩn bây giờ. Thời chiến, việc bảo đảm cho tàu chạy thông suốt rất quan trọng, chúng tôi thay nhau làm ngày, làm đêm, vừa công việc chuyên môn, vừa làm tự vệ, theo dõi nếu đường dây thông tin hỏng thì báo cho anh em đi sửa. Các anh bên sửa chữa vất vả, có khi vừa làm vừa ăn, có khi cơm cứ để nguội tanh nguội ngắt vì phải lo nối đường dây. Lúc đó, tàu quân sự, tàu hàng vẫn chạy đi về qua Hà Nội, thành ra có lúc ở cơ quan 24/24 giờ”.
Trước sự tấn công ác liệt của kẻ thù, Hà Nội đã biến đau thương thành hành động cách mạng, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi cuối cùng. Với sự chủ động, sáng tạo, các lực lượng vũ trang mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không-Không quân, quân dân Thủ đô Hà Nội đã phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân vững chắc, hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng, quyết đánh và quyết thắng, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Trưng bày phần 3, “Hoa chiến thắng” với nhóm hình ảnh, tư liệu thể hiện nhân dân Hà Nội chuẩn bị đón Tết Quý Sửu trong niềm vui chiến thắng, gia đình sum họp; sự kiện ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam; Hà Nội – thành phố vì hòa bình sau 50 đã chuyển mình vươn lên.
Thông qua các tư liệu, hình ảnh, hiện vật, câu chuyện của nhân chứng lịch sử, trưng bày “Máu và Hoa – Hà Nội 12 ngày đêm” đã góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay thêm tự hào về truyền thống cách mạng, quyết tâm học tập, rèn luyện để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô