Khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi quyền sao chép tại Việt Nam

Tại hội thảo, các đơn vị tham gia cùng đưa ra các ý kiến đánh giá quan trọng về việc vi phạm bản quyền nói chung, vi phạm quyền sao chép nói riêng tại Việt Nam hiện nay cũng như vai trò bảo hộ Quyền tác giả, quyền liên quan của các Hiệp hội quản lý tập thể quyền tác giả (Collective Management Organization hay “CMO”), cùng với đó là việc phối hợp giữa các CMO với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

anh a
Hội thảo “Quyền sao chép tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”

Phát biểu tại hội thảo, luật sư Phạm Anh Tuấn cho biết: “Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) được biết đến là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đại diện theo ủy quyền cho các cá nhân, tổ chức trong việc quản lí tập thể quyền sao chép theo quy định của pháp luật. Hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực quản lí tập thể quyền sao chép tác phẩm – một quyền tài sản quan trọng thuộc quyền tác giả nhằm khai thác giá trị kinh tế của tác phẩm trên cơ sở ủy quyền của chủ sở hữu quyền tác giả”.

Mỗi CMO đều có lĩnh vực hoạt động đặc thù tương ứng với Điều lệ và phạm vi quyền tác giả mà các chủ sở hữu ủy thác cho Hiệp hội. Đối với VIETRRO, hoạt động quản lí quyền sao chép tác phẩm, cụ thể là sao chép dưới hình thức sao chụp và sử dụng số, sau khi tác phẩm đã được xuất bản dưới hình thức ấn phẩm hoặc số hóa là mảng hoạt động quan trọng nhất. Cũng như các CMO khác, việc tham gia và hợp tác đa phương với các CMO khác, đặc biệt là các tổ chức quốc tế về quyền sao chép là rất cần thiết trong việc phát huy hiệu quả hoạt động của Hiệp hội.

Tại Việt Nam, mặc dù ý thức pháp luật đối với lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đã cải thiện đáng kể trong khoảng một thập kỷ gần đây, vấn nạn sao chép, sao chụp và phân phối trái phép bản sao tác phẩm vẫn là một vấn đề nhức nhối. Đối mặt với thực tế như vậy, hoạt động của VIETRRO vẫn gặp phải những khó khăn, thách thức rất lớn, xét cả về góc độ pháp lý và khả năng thực thi, bảo vệ quyền tác giả của chủ thể quyền, thông qua hoạt động quản lý tập thể của các CMOs.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, Thiếu tá Lê Hồng Giang, Phòng PA03 – CATP Hà Nội cho hay: “Hoạt động thực thi sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan trên địa bàn Hà Nội được tiến hành mọi mặt với sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó các viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân hoạt động sáng tạo, các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ, từ đó phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Tuy nhiên Thiếu tá Lê Hồng Giang cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Theo ông, các văn bản, quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan (SHTT, QTG, QLQ) tại Việt Nam còn thiếu tính đồng bộ với thế giới. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ ở một số đơn vị còn gặp khó khăn, chưa tập trung nhiều vào các kỹ năng giải quyết vụ việc cũng như các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa cao, việc phổ biến, tuyên truyền ở một số địa bàn vùng xa chưa được quan tâm đúng mức.

Ngoài ra, đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT, QTG, QLQ có tính tổ chức, thủ đoạn tinh vi. Trong những năm gần đây các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển dịch từ tiếp thị, phân phối theo phương thức truyền thống sang hình thức thương mại điện tử (thông qua các trang bán hàng trực tuyến, website bán hàng và đặc biệt là các trang mạng xã hội Facebook, zalo…).

Quá trình xác minh các vụ việc xâm phạm SHTT, QTG, QLQ trên không gian mạng, CATP ghi nhận các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực SHTT, QTG, QLQ ngày càng tinh vi, hoạt động có tổ chức, phân công cụ thể từng cá nhân, nhóm chịu trách nhiệm từng công đoạn như: vận hành website, chuẩn bị các loại tiền ảo, tài khoản ví điện tử quổc tế như Netteler, Paypal, Payeer, Webmoney… và chuyển hóa nguồn tiền phạm pháp sang tài khoản ngân hàng thông qua các hợp đồng kinh tế “ma” hoặc bán lại trên các diễn đàn, cộng đồng người dùng trên mạng internet nhằm hợp thức hóa (cash-out) số tiền phạm pháp.

Các đối tượng thay đổi tên miền thường xuyên, sử dụng các biện pháp kỹ thuật như đường dẫn gián tiếp (redirect), thay đổi máy chủ hoặc sử dụng máy chủ ảo có cơ chế thay đổi địa chỉ IP (cloudflare), chặn IP truy cập đối với quốc gia Việt Nam để tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng. Cụ thể, nhiều đối tượng tại Việt Nam đã từng bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hành vi xâm phạm SHTT, QTG, QLQ vẫn có xu hướng tái phạm trên các website, ứng dụng di động tại thị trường quốc tế nhưng chủ động chặn IP truy cập từ người dùng ViệtNam.

anh b
Các thành viên tham gia hội thảo

Cũng theo Thiếu tá Lê Hồng Giang, thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng Công an còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào các đoàn kiểm tra liên ngành. Bên cạnh đó, cán bộ Công an cấp cơ sở phải kiêm nhiệm nhiều địa bàn, lĩnh vực, chuyên đề nên khó khăn trong việc nghiên cứu chuyên sâu và quản lý địa bàn.

Số lượng các vụ vi phạm SHTT, QTG, QLQ bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn rất ít, khung hình phạt còn chưa đủ sức răn đe dẫn đến tình trạng vi phạm diễn ra càng nhiều. Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc xử lý hình sự đối với việc xâm phạm SHTT gặp nhiều vướng mắc, như việc có luật điều chỉnh nhưng không có văn bản hướng dẫn; việc giám định sản phẩm thiếu sự đồng bộ giữa các lực lượng.

Không chỉ vậy, nhận thức chung của xã hội về vấn đề sở hữu trí tuệ còn hạn chế, nhiều người chưa hiểu quy định pháp luật, không biết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Khi phát hiện vi phạm cũng không có nhu cầu giải quyết triệt để, phần lớn tự làm, không thông qua các tổ chức hoặc cơ quan chức năng dẫn tới tình trạng vi phạm, khiếu kiện kéo dài nhưng không hiệu quả.

Người sử dụng dịch vụ trên Internet hầu như chưa có thói quen trả tiền, phần lớn là sử dụng miễn phí, do vậy đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian không thu được phí từ người dùng, họ phải tìm cách bù đắp chi phí từ các nguồn thu khác như quảng cáo. Điều này đã tạo ra áp lực với họ nhất là khi hầu hết người cung cấp dịch vụ đều chưa có lãi, khiến họ tìm mọi cách có thể để giảm chi phí trong đó có việc trốn tránh nghĩa vụ trả phí bản quyền cho chủ sở hữu.

Có thể thấy, thực trạng xâm phạm quyền sao chép tác phẩm hiện nay đang là một vấn đề hết sức nhức nhối. Hiện nay, mặc dù pháp luật Việt Nam đã có các bộ luật để bảo vệ quyền lợi cho tác giả, tuy nhiên hiện tượng các cá nhân, tập thể vô tình hoặc cố ý lợi dụng những kẽ hở trong luật để chuộc lợi vẫn diễn ra phổ biến.

Trong lĩnh vực in ấn, xuất bản, dễ nhận thấy nhất là hiện tượng photocopy các ấn phẩm, tác phẩm, sách in một cách tràn lan mà không được sự đồng ý của tác giả, rồi sử dụng vào mục đích kinh doanh. Từ trước đến nay, chúng ta hầu như chỉ để tâm đến người sao chép tác phẩm để sử dụng mà quên đi rằng chính những cửa hàng kinh doanh dịch vụ photocopy cũng là những người vi phạm bản quyền tác giả một cách chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, xâm phạm quyền sao chép tác phẩm còn được thấy trong việc đạo văn, sao chép luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, của các học sinh, sinh viên và mọi người sử dụng internet. Hiện nay, phần lớn học sinh có thể hoàn thành bài tập của mình trong thời gian ngắn, nhờ vào việc học sinh có thể lên mạng, sao chép các tác phẩm có sẵn trên mạng. Thực trạng này diễn ra rất phổ biến và sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Nhìn trên bình diện cả nước, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng xâm phạm quyền tác giả tràn lan mà trong đó hành vi xâm phạm phổ biến nhất là sao chép tác phẩm bằng công nghệ số (sao chép số) và sử dụng trái phép tác phẩm trên mạng. Tham khảo số liệu thống kê của liên minh quốc tế về sở hữu trí tuệ, mức độ vi phạm tác phẩm ngôn ngữ (sách, báo) và băng đĩa ở nước ta chiếm tới 85-90% và Việt Nam được xếp vào một trong những nước có mức vi phạm cao nhất thế giới.

Tình trạng xâm phạm quyền tác giả trực tuyến gây ra một số hệ lụy khiến các tác giả, nhà sản xuất, nhà xuất bản và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật nói chung phải chịu thiệt thòi, vì không được đền đáp xứng đáng.

Nền công nghiệp văn hóa, giải trí của chúng ta theo đó cũng bị kìm hãm. Mặt khác, những vi phạm này sẽ khiến Việt Nam mất đi nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài để mang đến những sản phẩm tinh thần giá trị cho người dân.

Ngoài ra, những khó khăn vướng mắc còn đến từ việc đội ngũ thực hiện SHTT, QTG, QLQ còn yếu kém, hoạt động chưa hiệu quả, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý tranh chấp. Hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các tổ chức SHTT, QTG, QLQ trên thế giới còn nhiều hạn chế vì rào cản kinh tế, ngoại giao…

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích