Hà Nội luôn đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không đứng ngoài cuộc
Cộng đồng doanh nghiệp có đóng góp to lớn vào sự phát triển của thành phố
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, mới đây, HĐND thành phố đánh giá, năm 2022, Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực khi đạt 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Trong thành công đó có sự đóng góp to lớn của các doanh nghiệp Hà Nội, các tập đoàn lớn đóng trên địa bàn.
“Hà Nội may mắn vì trong đại dịch Covid-19 đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời và có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp; doanh nghiệp lớn thì ủng hộ nhiều, doanh nghiệp nhỏ hơn ủng hộ ít và Hà Nội gần như không phải mua thêm thứ gì để phục vụ Nhân dân. Thay mặt Ban Cán sự Đảng thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và người dân Thủ đô, tôi ghi nhận, biểu dương, cảm ơn những nỗ lực đóng góp không mệt mỏi của các chủ doanh nghiệp, lãnh đạo các tập đoàn…”, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố mong muốn tại hội nghị sẽ được lắng nghe nhiều nhất có thể những phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố, các sở, ngành, lãnh đạo UBND thành phố sẽ cùng lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ. Những việc vượt thẩm quyền, thành phố sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ để có các giải pháp phù hợp, kịp thời hơn giúp doanh nghiệp đi qua mùa đông này và nhiều thuận lợi cho mùa xuân 2023.
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vượt qua khó khăn, kinh tế Thủ đô năm 2022 đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 8.922 (tăng 2,4%); có khoảng 30.000 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 25%); lũy kế số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn đạt 351.000 doanh nghiệp…
Năm qua, Hà Nội cũng triển khai nhiều hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp với 9 sở, ngành, trung tâm xúc tiến đầu tư; Ngân hàng Nhà nước; hải quan; Ban quản lý các khu công nghiệp, chế xuất. Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh rà soát cải cách thủ tục hành chính trong 10 lĩnh vực.
Ước đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi phục vụ sản xuất dự kiến đạt 4.610.721 tỷ đồng (tăng 8,46%) so với năm 2021; Quỹ đầu tư phát triển thành phố đảng bộ, chính quyền, đã chấp thuận cho vay khoảng 668,18 tỷ đồng cho các lĩnh vực: nhà ở, cụm công nghiệp, năng lượng, giáo dục…
Hà Nội cũng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; kết nối doanh nghiệp công nghiệp chủ lực với các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính; kích cầu trên các sàn thương mại điện tử; ưu đãi doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ; hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp lữ hành; đẩy nhanh thẩm định phê duyệt hồ sơ các dự án xây dựng; thực hiện giảm thuế, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp…
Trong năm 2023, Hà Nội đặt ra loạt giải pháp trong tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, các hiệp hội doanh nghiệp, các sở, ngành, quận, huyện sẽ tăng cường đối thoại với doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố, tháo gỡ về thủ tục nhất là với các dự án đầu tư có sử dụng đất, các dự án chậm triển khai. Tiếp tục chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính để doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí thực hiện, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Thành phố cũng sẽ tiếp tục đề xuất giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế; tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi; tăng cường xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường. Cùng với đó, sẽ xây dựng hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới sáng tạo.
Nhiều kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp tới lãnh đạo thành phố
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải đã điều hành phần đối thoại, lắng nghe 12 ý kiến của các hiệp hội và doanh nghiệp với bức tranh toàn cảnh về khó khăn và các vướng mắc, bức xúc hiện nay. Bối cảnh chung, các doanh nghiệp cho biết đều đang phải gặp nhiều khó khăn về vốn, lãi suất, thị trường, tình trạng dư thừa lao động…
Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội Nguyễn Phúc Long chia sẻ: “doanh nghiệp hiện đang thực sự khát vốn nhưng hầu như không có nguồn vốn giá rẻ, nhiều doanh nghiệp phải kinh doanh với nguồn vốn lãi suất lên tới 15 – 16%/năm, thậm chí cao hơn! Trong khi đó, chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, nhân công… đều tăng cao và còn đứt gãy, dẫn đến hàng hóa sản phẩm khó tiêu thụ, dòng tiền mất cân đối… việc cắt giảm chi phí, cắt giảm lao động đang diễn ra. Trong đó, một doanh nghiệp trong Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã phải cắt giảm tới 80% lao động”.
Các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng cần phải có giải pháp cấp bách, trong tháng 12 và đầu tháng 1/2023 đưa nguồn tín dụng mới mà Ngân hàng Nhà nước nới room đến trúng và đúng đối tượng; ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và ngành nghề thiết yếu, doanh nghiệp có mối liên kết chuỗi cung ứng rộng, để tránh “nước chảy chỗ trũng”, nguồn vốn chảy hết vào các “ông lớn”.
Ngoài ra, cần điều tiết hoạt động tín dụng ngân hàng một cách phù hợp, tránh để lãi suất leo cao; hỗ trợ khơi thông dòng vốn cho các dự án bất động sản dang dở, hoàn thành tiến độ xây dựng, giải quyết nhu cầu nhà ở và bức xúc của người dân, tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản, thúc đẩy lưu thông cho các ngành nghề kinh kể khác trong giai đoạn cấp bách cuối năm.
Bên cạnh đó, hỗ trợ thúc đẩy tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho các dự án treo, dự án chậm tiến độ, đình trệ về thủ tục pháp lý. Trong đó linh động đẩy nhanh các thủ tục pháp lý cho phép gia hạn dự án, chuyển nhượng các dự án dang dở từ chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính cho chủ đầu tư mới có năng lực; tái cấu trúc thị trường, làm sống dậy các dự án đang gặp khó khăn triển khai, tạo quỹ nhà mới, tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư; thúc đẩy nhanh quá trình phê duyệt thủ tục pháp lý các dự án sử dụng đất trên địa bàn, đưa các dự án thuộc diện đấu thầu, đấu giá sớm tổ chức chọn nhà đầu tư.
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI) đề xuất thành phố có giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường mới; đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động; giãn thuế, giảm thuế… đặc biệt, đại diện các doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng các thủ tục hành chính còn có chỗ chưa thông, kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Liên quan đến các cụm công nghiệp làng nghề, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề đề nghị, thành phố nên xem xét lại quy định về chiều cao được xây dựng của các doanh nghiệp ở cụm công nghiệp làng nghề bát tràng để tận dụng chiều cao, ứng dụng thêm khoa học công nghệ; thí điểm triển khai trung tâm đổi mới sáng tạo cho làng Bát Tràng.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng mong muốn điều chỉnh, quy hoạch các khu cụm công nghiệp, làng nghề; hướng dẫn quyết toán đầu tư cho đội phòng cháy chữa cháy cơ sở các khu công nghiệp…
Tại buổi đối thoại, một số doanh nghiệp cũng phản ánh khó khăn của đơn vị mình trong việc tiếp cận vốn vay; đề xuất sớm phê duyệt quy hoạch hạ tầng viễn thông; bất cập trong thu tiền sử dụng đất ở khu công nghiệp Sài Đồng B; mở thêm các cụm công nghiệp làng nghề ở Thường Tín.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tâm huyết, trăn trở, hiến kế cho thành phố một số cách làm hay trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải…
Thành phố sẽ luôn chia sẻ, sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp
Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị: Sở Tài Nguyên và Môi trường, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã trực tiếp trả lời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cũng như cam kết cùng các đơn vị liên quan tháo gỡ ngay.
Trong đó, đáng chú ý, Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình doanh nghiệp ngay từ chi phí đầu vào để sớm báo cáo thành phố trình Chính phủ tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiếp tục giãn, giảm thuế…
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, quy hoạch hạ tầng cho thương mại và sản xuất là rất quan trọng và mong các doanh nghiệp tham gia cùng góp ý chung vào quy hoạch hạ tầng sản xuất kinh doanh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết thêm, Văn phòng UBND thành phố đang xây dựng kênh thông tin tiếp nhận ý kiến người dân theo thời gian thực và sẽ thêm một nhánh ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp để lãnh đạo UBND thành phố kịp thời nắm bắt.
Thành phố cũng sẽ xây dựng quy trình rõ ràng từng thủ tục hành chính ở các sở, ngành, chủ trì xây dựng quy trình số hóa, liên thông giữa các sở để doanh nghiệp có thể theo dõi, giám sát.
Kết luận buổi đối thoại, làm rõ thêm một số vấn đề trọng điểm, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết: “dự kiến ra Tết, Quốc hội sẽ họp phiên bất thường. Đây là dịp tốt để Hà Nội có kiến nghị kịp thời lên Chính phủ, Quốc hội những giải pháp và nếu tháo gỡ được ngay sẽ tạo tiền đề tốt cho cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2023”.
Từ đó, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp có kiến nghị đề xuất, cụ thể, phân loại theo các nhóm chính sách; các sở, ngành tập hợp lại tất cả các ý kiến của doanh nghiệp và trả lời bằng văn bản với tất cả các ý kiến của doanh nghiệp trong ngày mai (15/12).
Về các việc cụ thể, theo Chủ tịch UBND thành phố, mong mỏi lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thành phố phải quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính, đặc biệt là việc phối hợp giữa các sở, ngành. Đây là vấn đề tồn tại mà chính quyền thành phố đang nỗ lực giải quyết bằng nhiều cách trên tinh thần, phải nỗ lực đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp và người dân.
Đối với việc giải ngân để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn này, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành phố Hà Nội cần bám sát các ngân hàng thương mại trên địa bàn, phải nỗ lực giải ngân hết room tín dụng được cấp.
Kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, thành phố sẽ luôn chia sẻ, sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không đứng ngoài cuộc. Trên cơ sở lắng nghe, thấu hiểu lẫn nhau và những giải pháp kịp thời, khả thi hơn để hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu