Quốc gia, dân tộc muốn phát triển phải dựa vào yếu tố con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực

Tham dự cuộc gặp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, và 60 nhà giáo tiêu biểu.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu - Ảnh 2.
Toàn cảnh buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu.

40 năm qua các thế hệ nhà giáo Việt Nam đã tận tâm, tận lực, tâm huyết, cống hiến cho sự nghiệp vinh quang “trồng người”, có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu - Ảnh 1.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng.

Báo cáo tại cuộc gặp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, ngành giáo dục hiện có gần 27 triệu học sinh, sinh viên; khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó, Giáo dục Mầm non có 14.969 trường, với 4.349.667 trẻ và 456.155 giáo viên, cán bộ quản lý; Giáo dục Phổ thông có 26.208 trường, với 17.908.236 học sinh và 957.341 giáo viên, cán bộ quản lý; Giáo dục Đại học có 244 cơ sở đào tạo, với 2.021.901 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và 76.576 giảng viên, cán bộ quản lý; Giáo dục nghề nghiệp có 1.911 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 2.751.324 học sinh, sinh viên và 83.959 giáo viên, cán bộ quản lý. Nhìn chung, đội ngũ nhà giáo cơ bản đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hiện nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 đối với cấp Mầm non là 82,0%; Tiểu học là 75,3%; Trung học cơ sở là 86,4%; Trung học phổ thông là 99,9%.

Thời gian qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không ngừng lớn mạnh, chất lượng không ngừng được nâng cao. Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục và đào tạo đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với nghề; luôn giữ vững đạo đức, tác phong nhà giáo. Nhiều thầy cô giáo không ngại khó khăn, thậm chí hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình, hằng ngày bám bản, bám làng để gieo con chữ cho các học trò vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Các thầy cô với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết đã tích cực, chủ động, tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng đổi mới sáng tạo trong dạy học, góp phần quan trọng vào đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, tồn tại trong công tác phát triển đội ngũ nhà giáo cần tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ. Đời sống của nhà giáo, nhất là các thầy cô ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để; còn có một số giáo viên có biểu hiện vi phạm đạo đức nhà giáo gây ảnh hưởng xấu trong dư luận; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều, một bộ phận nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục, đào tạo trong giai đoạn hiện nay. Ngành Giáo dục nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế này và đang ra sức khắc phục và đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, chung tay giải quyết.

Trong những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo các cấp học. Nhờ đó, quy mô và chất lượng đội ngũ nhà giáo nói riêng, chất lượng giáo dục và đào tạo nói chung ngày càng được nâng cao, có những mặt tiến bộ vượt bậc.

Trong 2 năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã có nhiều buổi làm việc với ngành Giáo dục để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành; trình Quốc hội quyết định tăng lương cơ bản cho đội ngũ công chức, viên chức trong đó có công chức, viên chức ngành Giáo dục; đồng thời đang chỉ đạo sát sao để có thể tăng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trong thời gian sớm nhất.

Được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, dành thời gian gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc hôm nay là vinh dự, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền cả nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, say mê học hỏi, đổi mới, sáng tạo thực hiện tốt hơn nhiệm vụ “trồng người” cao quý.

Nhân dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa, lãnh đạo chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị chung tay với ngành Giáo dục để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đội ngũ giáo viên nói riêng, về lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung đúng theo tinh thần giáo dục là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa cho thành công, là tương lai của đất nước.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu - Ảnh 1.
Cô Phạm Thị Tâm (giáo viên lớp mẫu giáo thôn Phú Đồng – trường Mầm non Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên).

Tại buổi gặp mặt, cô Phạm Thị Tâm (giáo viên lớp mẫu giáo thôn Phú Đồng – trường Mầm non Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) chia sẻ: tôi sinh ra và lớn lên tại Thái Bình, lập gia đình tại Phú Yên, sinh đôi hai con gái, cuộc sống tự lập khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng học lên đại học rồi cao học. Tôi trở thành thạc sĩ đầu tiên của ngành Mầm non trong huyện với bằng xuất sắc, chuyên ngành giáo dục học – ĐHSP 1 Hà Nội. “Tôi yêu nghề và nhiệt huyết trong tất cả mọi công việc, từ chuyên môn cho đến các phong trào đều ghi được dấu ấn trong tâm trí đồng nghiệp và các cấp lãnh đạo”.

Cô Tâm hiện đang dạy học tại thôn Phú Đồng xã Phú Mỡ – một trong những vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn nhất của tỉnh Phú Yên. Cô luôn tự nhủ “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Dù một tuần hay nửa tháng mới về nhà, dù đường xá khó đi, cuộc sống còn thiếu thốn nhưng cô vẫn yêu đời, yêu người và yêu nghề, luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và giúp đỡ bà con, đồng nghiệp.

Cô cho biết, trong thời gian dạy học tại làng Đồng, tiếp xúc gần gũi với bà con đồng bào dân tộc Ba Na, tận mắt chứng kiến nhiều gia đình khó khăn thiếu thốn, tôi lại thương họ vô cùng, lại thấy hiện lên hình ảnh cơ cực của gia đình và bản thân mình hồi thơ bé! Những ngôi nhà sập xệ trước gió mưa, những cụ già ăn cơm với muối, những đứa trẻ đầu trần chân đất khiến tôi suy nghĩ, trăn trở “mình là một đảng viên, một giáo viên, một người có trình độ, phải làm sao, làm cách nào giúp họ vượt qua nghịch cảnh và vươn lên trong cuộc sống”. Trước hết, tôi vận động kết nối giúp các cụ già neo đơn, những người bệnh tật, sau đó bày cho những người khỏe mạnh cái “cần câu” để tự câu con cá nghĩa là bày giúp họ cách làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, hợp lý hơn. Nhờ tận tâm và báo cáo rõ ràng minh bạch, tôi đã được các tổ chức, cá nhân và các nhóm từ thiện khắp nơi tin tưởng, giúp đỡ ngày càng nhiều!

Năm nay tôi gom hơn 300 trăm bao đồ chở đi trên con đường gập ghềnh, xói lở mùa nắng thì bụi mùa mưa thì lầy. Tôi hướng dẫn người dân nấu ăn, dạy phụ huynh nấu cháo dinh dưỡng, làm sữa chua, làm bánh, bày cách chữa bệnh bằng thuốc thay vì cúng bái! Tôi mở được 2 thư viện tự quản tại trường Tiểu học Phú Mỡ và trường bán trú Đinh Núp với hơn 1.000 đầu sách. Xin tài trợ 50 xe đạp cho học sinh nghèo, trao tặng rất nhiều đồ dùng, sách vở, giày dép, học bổng cho học sinh từ mẫu giáo tới cấp 2, trao tặng tiền mặt, nhu yếu phẩm cho các hộ nghèo trị giá hơn một tỷ đồng… kết nối tài trợ hệ thống điện năng lượng mặt trời, kéo nước từ núi xa xuống bản…

Thật may mắn khi tôi được chính quyền ủng hộ, được cả làng quý mến, tin tưởng và nghe theo nên một số hủ tục lạc hậu bớt dần, các em học sinh không chỉ đầy đủ hơn về vật chất mà còn được nuôi dưỡng về tinh thần. Bà con không còn phải đi xa 30 – 40 km xách từng can nước nhỏ về dùng và mỗi khi màn đêm buông xuống thì trên đường làng ngõ xóm trẻ em lại rộn rã vui đùa dưới ánh điện sáng trưng.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu - Ảnh 2.
Thầy cô giáo về dự buổi gặp mặt.

Những dịp lễ Tết, tôi kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhóm từ thiện trực tiếp lên làng Đồng trao tặng những phần quà Tết như: bánh chưng, bánh tét, kẹo mứt… để giúp các gia đình nghèo và các cụ già, cháu nhỏ đón một năm mới ý nghĩa, an vui hơn.

Tôi cũng chỉ suy nghĩ đơn giản rằng mình giúp được đến đâu thì giúp, tùy theo sức của mình, chỉ cần thêm một chiếc áo là thêm một em bé được ấm áp, thêm một tấm chăn là thêm một giấc ngủ trọn vẹn, thêm một ký gạo là thêm một ngày no… nhiều giọt nước sẽ tạo thành biển lớn, nhiều sự chia sẻ chiến thắng khổ đau, nhiều điều nhỏ bé sẽ lan tỏa khắp cộng đồng để thắp thêm ước mơ, mở dần ra tương lai tốt đẹp hơn cho các em và hướng niềm tin cho cả bản làng về một ngày mai tươi sáng!

Ba năm trở lại đây, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng đã giảm mạnh, cuộc sống của bà con đã có nhiều chuyển biến và no đủ hơn, khiến tôi vô cùng phấn khởi. Tôi cảm thấy những cố gắng của mình đã phần nào được đền đáp và cần tiếp tục phát huy.

Tuy chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, thử thách, dù công việc còn nhiều khó khăn vất vả nhưng tôi vẫn cố gắng nỗ lực hết mình để giúp đỡ học sinh và bà con vùng núi! Hôm nay được vinh dự đứng đây phát biểu và vinh danh, tôi vô cùng tự hào và cảm thấy xúc động, cảm giác như một giấc mơ.

Tôi hy vọng sẽ có cơ hội thể hiện hết năng lực của mình để cống hiến nhiều hơn cho ngành Giáo dục, cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Và cũng tha thiết đề nghị Nhà nước có chế độ đãi ngộ, hỗ trợ hơn nữa cho các giáo viên và học sinh vùng cao cũng như các vùng đặc biệt khó khăn của Phú Yên và cả nước.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu - Ảnh 1.
Thầy Phạm Văn Thuận, giáo viên trường tiểu học Nguyễn Công Trứ, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

Thầy Phạm Văn Thuận, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng chia sẻ: tôi may mắn hơn các thầy cô khác khi được dạy ở trung tâm thành phố Hải Phòng. Tôi thật sự xúc động khi là 1 trong 400 giáo viên về dự hội nghị sáng nay và vinh dự hơn nữa là một trong những nhà giáo được gặp mặt các cấp lãnh đạo cấp cao.

Tôi bước vào nghề được 21 năm, là giáo viên dạy môn mỹ thuật. Đây là môn có tính đặc thù, không giống như các môn khác. Để môn này được học sinh và phụ huynh yêu quý thì rất khó khăn, để thúc đẩy môi trường học đó, tôi đã đưa ra nhiều sáng kiến cho trường và thành phố, đã bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Tôi cũng được tham gia viết sách của môn mỹ thuật của NXB Giáo dục, đây là vinh dự của nhà trường và cá nhân tôi. Để môn nghệ thuật được phụ huynh, học sinh yêu quý, bản thân các thầy cô phải như người cha, người bạn, tâm sự với các trò, khơi dậy mong muốn, đam mê học môn này. Để có những kết quả bây giờ là cả một sự nỗ lực.

Ngoài việc giảng dạy, tôi là Bí thư Chi đoàn của trường, tham gia các hoạt động từ thiện lên các vùng cao rất nhiều.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu - Ảnh 1.
Cô giáo Bùi Thị Tuyết Mai, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, Phú Thọ.

Cô giáo Bùi Thị Tuyết Mai, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, Phú Thọ: tôi có 33 năm trong ngành Giáo dục, 22 năm trực tiếp đứng trên bục giảng, nhưng dù ở cương vị nào tôi cũng luôn cố gắng, vì đam mê của tôi là dạy học. Đặc biệt trong, 2 năm dịch COVID-19, với điện thoại và dụng cụ dạy online tôi vẫn có thể duy trì dạy học sinh nhiều khối lớp trong toàn trường…

Tôi xin chia sẻ dù thời đại công nghệ  4.0, để nâng cao giáo dục toàn diện yêu nghề mến trẻ, người thầy cần tâm huyết tận tụy hết lòng vì học sinh thân yêu.

Dù ở vùng sâu, vùng xa hay thành phố, các thầy cô cũng luôn gặp những khó khăn khác nhau, đặc biệt trong cơ chế thị trường, thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Nhân dân và xã hội. Các bậc phụ huynh nhìn nhận đầy đủ, tích cực, tránh tổn thương thầy cô. Chúng tôi cũng luôn mong các em học sinh được hạnh phúc đủ đầy, là con ngoan trò giỏi.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu - Ảnh 1.
Thầy Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh.

Thầy Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ quan tâm đết phát tiển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đã phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các cơ sở GDNN, giúp các cơ sở có điều kiện phát triển tốt. Từ đó, GDNN có chuyển biến lớn, nhận thức về GDNN có thay đổi tích cực. Học sinh sau khi tốt nghiệp THPT vào học nghề ngày càng tăng. Ngày 17/10, Việt Nam đã giành được 2 Huy chương Bạc tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới năm 2022. Tính tới thời điểm hiện tại, đây là thành tích tốt nhất của đoàn Việt Nam trong các lần tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới.

GDNN có đặc thù riêng, gắn chặt với doanh nghiệp, từ khâu xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, bố trí việc làm sau tốt nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp GDNN đa phần đều có việc làm ngay. Tại Bắc Ninh, thu nhập trung bình của sinh viên GDNN sau tốt nghiệp trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng, có em kỹ năng nghề tốt có thể thu nhập 20 triệu đồng/tháng.

Thầy Nguyễn Quốc Huy bày tỏ mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, hỗ trợ, tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên GDNN yên tâm với nghề, tiếp tục sức mệnh đào tạo nghề, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Cùng quan điểm, thầy Lê Hoàng Ân, Trường Cao đẳng Y tế An Giang cho biết, thời gian qua, lĩnh vực GDNN có những thành công nhất định, nhất là ngành điều dưỡng.

Tuy nhiên, theo thầy Lê Hoàng Ân, ngành này còn có một số khó khăn, nhiều giáo viên chủ yếu làm trong nghề y, chưa qua đào tạo sư phạm nên các thầy cô đều phải học thêm, trau dồi thêm kỹ năng giảng dạy. Hơn 50% thời gian của các thầy cô là làm ở bệnh viện, phải hỗ trợ sinh viên, cầm tay chỉ việc cho sinh viên khám bệnh.

Trong đại dịch COVID-19, các sinh viên của trường tham gia tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ tốt cho tuyến y tế cơ sở, làm giảm bớt gánh nặng cho các bác sĩ tuyến cuối.

Tại cuộc gặp mặt, thầy Lê Hoàng Ân bày tỏ mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm về chế độ phụ cấp, hỗ trợ thêm cho 2 ngành: Giáo dục và y tế, để các đồng nghiệp có đủ nghị lực bám nghề. Miễn giảm học phí cho sinh viên các ngành trọng điểm như điều dưỡng.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu - Ảnh 3.
Thầy Nguyễn Bá Thành, Giám đốc Phân hiệu Thanh Hóa – Trường Cao đẳng Nghề số 4 (Bộ Quốc phòng).

Thầy Nguyễn Bá Thành, Giám đốc Phân hiệu Thanh Hóa – trường Cao đẳng Nghề số 4 (Bộ Quốc phòng) cho biết, trong những năm gần đây, nhà trường luôn lấy phương châm sự hài lòng của học viên, doanh nghiệp là hàng đầu, luôn quan tâm tạo điều kiện xây dựng đội ngũ giáo viên, đầu tư trang bị hiện đại.

Những năm qua, nhà trường tham gia công tác nghiên cứu, vào năm 2020, đã thực hiện đề tài giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề việc làm cho đối tượng sau phổ thông…

Thay mặt đội ngũ cán bộ, giáo viên, học viên của phân hiệu Thanh Hóa – trường Cao đẳng Nghề số 4, thầy Nguyễn Bá Thành gửi lời cảm ơn tới Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, đã quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục, đào tạo cả nước tiếp tục nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu - Ảnh 1.
Thầy Võ Văn Sen, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Thầy Võ Văn Sen, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: là người đã tham gia giảng dạy trong ngành giáo dục trên 40 năm, trong đời công tác, tôi bày tỏ rất vui mừng trước sự phát triển của đất nước và sự phát triển của ngành Giáo dục Việt Nam, trong đó có giáo dục đại học. Đặc biệt là đường lối chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học. Những thành tựu đạt được ai cũng có thể nhìn thấy.

Tôi thấy rằng, đến nay, với những thành tựu mà chúng ta đạt được trên tất cả các mặt phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, đã đến lúc chúng ta có tiềm lực để có một biện pháp đặc biệt có tính nhảy vọt trong việc phải ưu tiên phát triển giáo dục trên cơ sở phát triển kinh tế, xã hội. Làm sao thực hiện được sự ưu tiên phát triển giáo dục.

Trong sự phát triển giáo dục, ví dụ trong mảng đại học, một trong những công lao rất lớn của đất nước là do các cá nhân từng gia đình đã đầu tư rất lớn cho con em của mình ra nước ngoài học tập. Đó là đột phá lớn, làm thay đổi bộ mặt trí thức khoa học kỹ thuật của chúng ta.

Đây là sức mạnh của dân tộc, nhìn thấy sự đầu tư cho phát triển giáo dục, Tôi đề nghị, Đảng và Nhà nước cần thấy rằng lúc này là lúc bắt đầu thực hiện ưu tiên cho phát triển giáo dục trên cơ sở phát triển kinh tế, xã hội.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu - Ảnh 1.
Cô giáo Ma Thị Hồng, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Cô giáo Ma Thị Hồng, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang: Lâm Bình là huyện mới thành lập được 10 năm, có 97% dân số là đồng bào dan tộc thiểu số (60% dân tộc Tày, 30% dân tộc Dao), có hơn 70% là hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt khó khăn. Sinh kế của của bà con chủ yếu dựa vào nông nghiệp, dân trí chưa phát triển.

Tôi và các đồng nghiệp nhiều trăn trở làm sao để giúp kinh tế xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Chúng tôi xác định đào tạo những ngành nghề theo nhu cầu người học, phù hợp với thị trường lao động, lợi thế địa phương định hướng xuất khẩu lao động.

Căn cứ lợi thế địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa phong phú, chúng tôi đã tập trung đào tạo nghề du lịch, tổ chức dạy thêm tiếng Nhật vào buổi tối cho người lao động để đi xuất khẩu lao động. Chúng tôi luôn vận động, thuyết phục bà con: con đường thoát nghèo là có việc làm.

Trung tâm cũng mạnh dạn tham gia cuộc thi khởi nghiệp, hỗ trợ học sinh khởi nghiệp tại địa phương với ý tưởng thành lập hợp tác xã thổ cẩm Yên Bình, hỗ trợ thu mua thổ cẩm, ưu tiên những chị em phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, thiết kế sản phẩm phục vụ du lịch, tạo thương hiệu, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu - Ảnh 1.
Thầy giáo Nguyễn Vũ Quốc Huy, Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế.

Tại buổi gặp mặt, thầy giáo Nguyễn Vũ Quốc Huy, Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế đã nêu một số đề xuất: Thứ nhất, Chính phủ đã có những Nghị quyết, quyết sách lớn thúc đẩy, tự chủ đại học, hiện tự chủ đại học đạt nhiều thành quả, nhưng vẫn có những điểm chưa được thống nhất, hài hòa trong các văn bản pháp quy.

Chúng tôi mong muốn, Đảng, Nhà nước, đặc biệt Chính phủ có thể hài hòa hóa các văn bản pháp quy, luật, nghị định, thông tư hướng dẫn tạo điều kiện tối đa các cơ sở giáo dục đại học phát triển mạnh hơn.

Bên cạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, các trường đại học, viện nghiên cứu là môi trường tạo ra tri thức mới cho xã hội, nếu có đầu tư về chính sách, hài hòa hóa văn bản pháp quy, đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu trong trường đại học.

Thứ hai, giáo dục đại học, nhất là ngành khoa học sức khỏe rất cần được tạo điều kiện, hành lang pháp ý để tăng cường họp tác quốc tế, dựa trên thực tiễn của Việt Nam.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu - Ảnh 1.
Thầy Nguyễn Đức Chiến, Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Thầy Nguyễn Đức Chiến, Đại học Bách Khoa Hà Nội: trước hết, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị đào tạo cấp chuyên ngành, gắn bó với hầu như tất cả các ngành công nghiệp của đất nước. Thêm vào đó, trường cũng rất cập nhật các chương trình đào tạo, ví dụ trong thời gian gần đây là đào tạo về trí tuệ nhân tạo, logistics, những ngành mới,… Đại học Bách Khoa Hà Nội luôn đi đầu trong cập nhật chương trình đào tạo, đáp ứng tốt nhất yêu cầu về nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp nước nhà.

Một điểm nữa là trong tất cả chủ trương, chính sách của Nhà nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học thì Đại học Bách Khoa Hà Nội luôn đi đầu trong thực hiện.

Về chủ trương của Nhà nước về tự chủ đại học, rất vinh dự là Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những đơn vị được chọn thí điểm, đến nay, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan khác cho thấy, việc tự chủ đã bước đầu rất thành công, tạo nên một không khí phấn khởi trong nội bộ nhà trường, không những cán bộ đang làm việc mà còn thu hút được nhiều cán bộ từ nước ngoài về, do chính sách nhà trường thực hiện tự chủ tốt.

Thực hiện Luật Giáo dục đại học, Đại học Bách Khoa Hà Nội đang chuyển đổi mô hình quản lý. Đại học Bách Khoa Hà Nội hiện nay đã thành lập được 3 trường: trường Điện – Điện tử, trường Đại học Cơ khí và trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông. Dự án chuyển đổi Đại học Bách Khoa Hà Nội đã chuẩn bị xong, mong Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ để thực hiện việc chuyển đổi.

Trường cũng rất mong sớm đón Thủ tướng Chính phủ về thăm trường Đại học Bách Khoa Hà Nội để tận mắt thấy những thành quả của nhà trường.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cách đây 40 năm, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 167, lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam để thể hiện sự quan tâm, tri ân đối với đội ngũ giáo viên; để khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước nhà; để phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc. 40 năm nay, tháng 11 đã trở thành “tháng tri ân” thầy cô giáo; ngày 20/11 đã thực sự trở thành ngày “Tết” của các thầy cô.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng có dịp gặp gỡ, trực tiếp hỏi thăm, trao đổi với 60 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu, đại diện cho toàn thể hơn 1,6 triệu nhà giáo trên toàn quốc.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với tất cả tình cảm, sự tri ân sâu sắc, Thủ tướng nhiệt liệt chào mừng các thầy cô giáo có mặt tại đây ngày hôm nay và thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Qua nghe ý kiến của các thầy cô tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng cho rằng, “chúng ta được hiểu, cảm thông hơn với nghề giáo. Đây là những ý kiến hay, ngắn gọn, làm gì nói lấy, thể hiện sự chân thành, mộc mạc – những yếu tố cốt lõi của ngành Giáo dục”.

Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp, đề xuất xử lý theo thẩm quyền, nhất là về chế độ chính sách liên quan đến đời sống tinh thần, vật chất của các thầy cô giáo.

Thủ tướng nhấn mạnh, muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước, phải trọng dụng người tài. Quốc gia, dân tộc muốn phát triển phải dựa vào yếu tố con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực. Muốn phát triển con người phải dựa vào giáo dục và đào tạo. Hệ thống giáo dục và đào tạo muốn được vận hành tốt, có hiệu quả cao thì thầy cô giáo là những người đóng vai trò quyết định.

Thủ tướng cho biết, chúng ta đang xây dựng 3 trụ cột của chế độ xã hội chủ nghĩa: xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuân thủ quy luật cạnh tranh, quan hệ cung cầu, có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Chúng ta xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường thì lấy nội lực (trong đó có yếu tố con người) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

Xuyên suốt của 3 trụ cột này là yếu tố con người. Muốn phát huy yếu tố con người thì phải dựa vào giáo dục và đào tạo. “Yếu tố con người càng quan trọng bao nhiêu thì sự nghiệp giáo dục và đào tạo càng quan trọng bấy nhiêu. Vì vậy chúng ta xem Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo đã trở thành tài sản quý báu của dân tộc, của mỗi con người Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao và quan tâm đến giáo dục. Người từng nói: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết…”; “…mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà…”.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều chủ trương, chính sách phát triển Giáo dục và Đào tạo đã được ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả, đóng góp hết sức quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, gây dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta ngày nay.

Nếu như năm 1945, hơn 95% dân số không biết chữ, thì ngày nay, Việt Nam được Ngân hàng thế giới đánh giá là một trong hai quốc gia (Việt Nam và Trung Quốc) có sự phát triển thực sự ấn tượng và tiên phong trong đổi mới giáo dục.

Đặc biệt, trong hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo, toàn thể đội ngũ nhà giáo đã có nhiều cố gắng vượt bậc để việc dạy và học không bị ngắt quãng, “dừng đến trường, không dừng việc học”.

Thủ tướng bày tỏ xúc động khi đọc và lắng nghe về thành tích, sự tâm huyết, cống hiến, lòng yêu nghề, những nỗ lực, bền bỉ, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách của 60 thầy cô giáo tiêu biểu tham dự buổi gặp mặt hôm nay.

Có nhiều người không những làm tốt công tác chuyên môn, quản lý, mà còn tích cực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, áp dụng vào thực tiễn để nâng cao chất lượng dạy và học, công bố nhiều bài báo khoa học và đạt được nhiều giải thưởng quốc tế; tích cực tham gia hoạt động xã hội, thiện nguyện, vì cộng đồng như cô giáo Phạm Thị Tâm, GS.TS. Nhà giáo Nguyễn Minh Thủy, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Sĩ Thủy, GS.TS. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Vũ Quốc Huy…

“Có nhiều thầy cô leo ghềnh, vượt thác, gác lại niềm riêng, chấp nhận ở những nơi khó khăn, heo hút với cơ sở vật chất thiếu thốn để gùi con chữ lên vùng cao, mang kiến thức đến với đồng bào như vợ chồng nhà giáo Mai Đức Tiệp và Vi Thị Dinh, cô giáo Hoàng Thị Thanh Chỉ…”, Thủ tướng nói.

Nhân dịp này, Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, thách thức của ngành Giáo dục và Đào tạo nói chung và các thầy cô nói riêng, đặc biệt là những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo Thủ tướng, hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt; lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 đã được tổ chức thành công đã mang lại niềm vui trọn vẹn cho thầy và trò cả nước.

Tuy vậy, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay; tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng mang lại cho chúng ta những cơ hội, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức mới, nhất là đối với đội ngũ nhà giáo – những hạt nhân trong sự nghiệp “trồng người”.

Trong bối cảnh đó, để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm lớn:

Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp chung của toàn xã hội. Gia đình, nhà trường và xã hội phải được coi là 3 trụ cột chính,  quan trọng để phát triển giáo dục, để học sinh phát triển toàn diện.

Cần tiếp tục quán triệt phương châm “nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực”; chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh; giúp học sinh hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường…

Phát triển giáo dục – đào tạo phải bám sát nguyên tắc chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến…, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của mỗi học sinh.

TỔNG THUẬT: Bám sát nguyên tắc chấp nhận khác biệt, tôn trọng đa dạng, khuyến khích sáng tạo - Ảnh 5.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tặng hoa chúc mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính, người từng có thời gian công tác trong ngành Giáo dục.

Với những quan điểm đó, Thủ tướng cho rằng phải trả lời một số câu hỏi. Đó là phải làm gì để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo một cách hiệu quả hơn, thực chất hơn, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh?

Phải làm gì để giáo dục – đào tạo gắn kết chặt chẽ với nhu cầu, lợi ích, đời sống? Người học nắm được gì, phát triển nhận thức như thế nào? Ứng dụng và thực hành trong công việc và cuộc sống ra sao?

Giải pháp nào để tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất cho công tác dạy và học? Cơ chế, chính sách gì để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, cống hiến?

TỔNG THUẬT: Bám sát nguyên tắc chấp nhận khác biệt, tôn trọng đa dạng, khuyến khích sáng tạo - Ảnh 6.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho các nhà giáo tiêu biểu.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục giành cho giáo dục sự quan tâm và đầu tư, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Tập trung nguồn lực hiện có và tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh của nhà trường.

Có giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo.

Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức tương xứng với công sức của mình.

Tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các nhà giáo giảng dạy các ngành nghề nặng nhọc, độc hại…

TỔNG THUẬT: Bám sát nguyên tắc chấp nhận khác biệt, tôn trọng đa dạng, khuyến khích sáng tạo - Ảnh 7.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Công đoàn Giáo dục Việt nam và các nhà giáo tiêu biểu chụp ảnh lưu niệm.

Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế cùng các thầy cô giáo vận động tiêm vaccine cho các em học sinh để các em đến trường an toàn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, như của 60 thầy cô có mặt hôm nay để lan toả những điều tốt đẹp, tạo sức mạnh tổng hợp, xung lực mới cho sự phát triển đất nước.

Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, mọi người, mọi nhà, mọi bậc cha mẹ… cùng chung tay sát cánh với ngành giáo dục và đào tạo, với các thầy cô giáo trong “sự nghiệp trồng người”.

 

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích