Quản trị khủng hoảng truyền thông trong lĩnh vực chính trị – xã hội ở Việt Nam

Lĩnh vực chính trị – xã hội là một lĩnh vực đặc thù, có quan hệ rất mật thiết với truyền thông, nói cách khác, truyền thông luôn đồng hành và góp phần không nhỏ vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị – xã hội của đất nước. Khủng hoảng truyền thông trong lĩnh vực này là nguy cơ thường xuyên xảy ra và có những nét khác biệt, tác động khó lường đến sự ổn định và phát triển bền vững của mỗi quốc gia, nếu thiếu sự quản lý, giám sát hoặc xử lý khủng hoảng truyền thông không hiệu quả.

Khủng hoảng truyền thông có thể mang tới rủi ro về an ninh chính trị ở nhiều cấp độ: làm suy giảm uy tín, danh dự của cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước; thúc đẩy tự suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; kích động bạo loạn, lật đổ, can thiệp nội bộ quốc gia; chiến tranh thông tin…

Vì vậy, quản trị và xử lý khủng hoảng truyền thông phải trở thành kỹ năng thiết yếu và thường xuyên được bồi dưỡng, cập nhật đối với các cấp quản lý, lãnh đạo và những người hoạt động, làm việc trong lĩnh vực chính trị – xã hội.

TT2
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh, truyền thông đóng vai trò quan trọng đối với vấn đề quản trị quốc gia, tổ chức, nhất là đối với việc ban hành chính sách để quản trị xã hội hoặc đơn vị. Nhận thức rõ hơn về đặc điểm, vai trò, những tác động đa chiều và xu hướng phát triển của hoạt động quản trị truyền thông và xử lý khủng hoảng trong trong lĩnh vực chính trị – xã hội hiện nay là vấn đề có ý nghĩa chiến lược.

Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự đã cùng trao đổi, làm rõ nội hàm và mối nguy hại cả hữu hình và vô hình của khủng hoảng truyền thông; những dấu hiệu đặc trưng, bài học của các quốc gia và những yêu cầu đặt ra trong xử lý, kiểm soát khủng hoảng truyền thông trong lĩnh vực chính trị – xã hội ở Việt Nam; từ đó đề xuất, tư vấn cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương những giải pháp quản trị hiệu quả vấn đề này trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đóng góp vào việc triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

TT1
Thượng tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Thượng tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định, từ nhiều góc nhìn, các tham luận đã góp thêm những đánh giá cụ thể về nội hàm, mối nguy hại, những dấu hiệu đặc trưng của khủng hoảng truyền thông trong lĩnh vực chính trị – xã hội; kinh nghiệm xử lý cũng như những vấn đề đặt ra trong quản trị khủng hoảng truyền thông lĩnh vực chính trị – xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ mới, đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số và truyền thông mạng xã hội, với những diễn biến tác động đa chiều, phức tạp của tiến trình toàn cầu hóa. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, qua tọa đàm, Ban tổ chức tổng hợp, biên soạn và xuất bản thành sách chuyên khảo, cung cấp nguồn tài liệu tham khảo cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị, địa phương trong nhận diện và quản trị khủng hoảng truyền thông trong lĩnh vực chính trị – xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích