Nâng cao năng lực của nhà báo nữ trong điều tra, xây dựng tin bài về buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã
Buổi tập huấn diễn ra trong hai ngày 21-22/10, có sự tham gia của GS.TS Đinh Thị Thu Hằng – Khoa PTTH; Th.S.Đinh Ngọc Sơn – Khoa PTTH; nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – Báo Dân Việt, nhà báo Hoàng Chiên – Báo Dân Việt; nhà báo Hồ Vĩnh Phú – VTV2, Đài THVN; nhà hoạt động môi trường Hoàng Bích Thủy – Giám đốc tổ chức Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) chương trình Việt Nam cùng các giảng viên khoa PTTH và 20 nhà báo nữ từ Quảng Bình trở ra.
Chương trình tập huấn nhằm nhấn mạnh về thực trạng của nạn buôn bán ĐVHD hiện nay. Các nhà báo nữ phần lớn là những người giàu cảm xúc, có thể mang ngòi bút để tuyên truyền, lên án tình trạng săn bắt và có dấu hiệu tuyệt chủng ở những loài động vật hoang dã quý hiếm.
Bên cạnh đó, 20 nhà báo nữ cũng được các chuyên gia chia sẻ về kỹ năng điều tra, xây dựng tin bài, nắm bắt được tâm lý đối tượng để thêm kiến thức làm nghề. Các nhà báo, phóng viên nữ từ các cơ quan khác nhau, không quen biết nhau nhưng họ là những đồng nghiệp, coi nhau như người thân và cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn thầm kín khi tác nghiệp mảng điều tra.
Tại buổi tập huấn, nhà báo Hồ Vĩnh Phú chia sẻ về phóng sự “Trả giá”: “Đôi khi là một hành động vô ý, do thiếu hiểu biết về pháp luật mà 3 công dân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, mua vài chiếc vòng bằng ngà voi để tặng người thân khi về nước, ấy vậy mà lại phải vào vòng lao lý tại Kenya khi ra sân bay”. Cho thấy ở nước ta còn quá lỏng lẻo trong việc bảo vệ ĐVHD và vẫn ngang nhiên sử dụng, săn bắt buôn bán công khai các loài động vật này ở khắp mọi nơi, còn phía Kenya nước bạn thì ngược lại hoàn toàn.
Theo dữ liệu từ nguồn báo chí, từ năm 2018 – T9/2022 tại Việt Nam, số vụ vi phạm về ĐVHD có ít nhất là 630 vụ, ngoài ra có 14.775 cá thể ĐVHD và sản phẩm từ chúng như xương, da, sản phẩm chế tác – tổng khối lượng lên tới 89.561,95kg.
Bên cạnh đó, có ít nhất 30 loài bị buôn bán phổ biến bao gồm: tê tê, voi, hổ, tê giác, rùa và các loài khác như cầy, rắn, khỉ,… Các vi phạm tập trung nhiều tại Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, TP.Hồ Chí Minh và hiện nay ở Việt Nam có 891 loài ĐVHD đang bị đe dọa tuyệt chủng…
Cũng trong khuôn khổ chương trình, các nhà báo nữ được đến tham quan Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy – Nam Định), đây là khu rừng ngập nước quan trọng của Việt Nam và quốc tế, là điểm “dừng chân” của nhiều loài chim di cư quý hiếm.
Những nữ nhà báo trải qua hai ngày tập huấn cũng đã phần nào hiểu rõ hơn về điều tra, xây dụng tin bài về buôn bán trái pháp luật về động vật hoang dã, nhằm thúc đẩy công tác điều tra về một đề tài không quá mới mẻ nhưng ít ai dám mạo hiểm và hành động.
Để ngăn chặn hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, không chỉ dừng ở việc nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật mà cần phải thúc đẩy hoạt động phòng ngừa, mà yếu tố quan trọng là sự lan tỏa nhận thức và hành vi tích cực pháp luật bảo vệ động vật hoang dã trong cộng đồng và xã hội./.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu