Thủ tướng chủ trì hội nghị toàn quốc về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thủ tướng chủ trì hội nghị toàn quốc về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

MTĐT –  Chủ nhật, 21/08/2022 15:47 (GMT+7)

Sáng 21/8, tại Bộ Y tế Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”.

Hội nghị kết nối đến hàng trăm điểm cầu trên toàn quốc. Cùng dự Hội nghị quan trọng này có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; bà Nguyễn Thuý Anh – Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội…

[LIVE] Hội nghị trực tuyến: Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân - Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự Hội nghị trực tuyến Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững. 
[LIVE] Hội nghị trực tuyến: Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân - Ảnh 1.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững. 

Thay mặt ngành y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói: Bộ Y tế rất vui mừng được đón đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; cùng đoàn công tác Chính phủ đến thăm và làm việc với ngành Y tế. Ngành Y tế rất vinh dự và tự hào với sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Đồng chí Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ: Cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngành Y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách do đại dịch COVID-19 để thực hiện kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đạt được những kết quả tích cực và quan trọng. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Theo Quyền Bộ trưởng, về cơ bản, ngành Y tế đạt được các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; đồng thời đạt được một số kết quả chủ yếu như: Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021 (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm). Ước vượt chỉ tiêu giao năm 2022 của Quốc hội và Chính phủ về số bác sĩ trên 10.000 dân, và số giường bệnh trên 10.000 dân.

[LIVE] Hội nghị trực tuyến: Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân - Ảnh 2.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tại hội nghị. 

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ lĩnh vực y tế. Trong giai đoạn 2000-2021: Tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống đã giảm 3,75 lần; tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi giảm xấp xỉ 3 lần.

Tầm vóc người dân được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình cao hơn trung bình thế giới và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. 

Sản xuất vaccine trong nước bảo đảm 11/12 loại vaccine tiêm chủng; làm chủ các công nghệ và kỹ thuật quan trọng trong sàng lọc, phát hiện tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm (Sởi, Sốt xuất huyết, SARS, Cúm A,…).

“Việt Nam là quốc gia có số liều vaccine phòng COVID-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới; hiệu suất sử dụng vaccine cao và tốc độ tiêm nhanh; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như: Mỹ, Đức, Ý, Pháp…” – Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ y tế, ngành y tế đã tiếp cận với các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới, chú trọng đổi mới một số chương trình đào tạo chủ chốt theo hướng hình thành năng lực nhằm tạo ra nguồn nhân lực y tế đáp ứng với mô hình bệnh tật và thực tế của Việt Nam; gắn đào tạo với sử dụng nhân lực y tế.  

Đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19, thuốc, trang thiết bị y tế trong nước; sản xuất vaccine trong nước. Triển khai nghiên cứu trên lâm sàng 7 loại vaccine phòng COVID-19 các giai đoạn, các công nghệ khác nhau, đường dùng khác nhau. 

Cùng đó, Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu. Một số kỹ thuật cao đã được quốc tế công nhận và trao đổi kinh nghiệm.

Ngành y tế đã đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Sắp xếp và kiện toàn các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố; các đơn vị tuyến cơ sở. Tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị quyết về chế độ đặc thù trong phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt, xây dựng, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011, trong đó nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40%-70% lên 100%. 

Những bất cập hiện hữu cần sớm tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng thẳng thắn nhìn nhận trong công tác của ngành vẫn còn bộc lộ tồn tại, hạn chế cần tập trung xử lý sớm, cụ thể: Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hệ thống thể chế còn nhiều bất cập, quy định cho phép việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư còn nhiều hạn chế mà chúng ta đã thấy rõ trong phòng, chống dịch giai đoạn vừa qua; 

Các vấn đề về tài chính y tế còn nhiều bất cập như mệnh giá bảo hiểm y tế, tự chủ bệnh viện, thanh toán bảo hiểm y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, hợp tác công tư…

“Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế, gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện thực hiện theo cơ chế tự chủ. Đổi mới phương thức chi trả theo nhóm chẩn đoán, theo định suất chậm được thực hiện”- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

[LIVE] Hội nghị trực tuyến: Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân - Ảnh 4.
Các điểm cầu dự Hội nghị trực tuyến. Ảnh: Trần Minh.

Cùng với đó là những thách thức do mô hình bệnh tật thay đổi; tỷ lệ người cao tuổi tăng cao; toàn cầu hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân. Nhu cầu, kỳ vọng của người dân cao hơn vào việc cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, kịp thời.

Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập; Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc. Trong khi đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 46/NQ-TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm: “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.

Trong công tác tiêm vaccine COVID-19, bên cạnh các địa phương tiêm nhanh, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết vẫn có một số địa phương không đạt tiến độ tiêm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc tiêm chủng ở các cấp, các ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt.   

Cùng đó, hệ thống y tế dự phòng còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở. Hình thái lây truyền HIV/AIDS có sự thay đổi trong những năm gần đây, nguồn lực đầu tư hạn chế. Hoạt động quản lý môi trường y tế có những khó khó khăn trong phối hợp tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ và phân bổ nguồn lực. Tình trạng công bố và khi sản xuất thực tế các sản phẩm thực phẩm có sự khác biệt dẫn đến nguy cơ gây ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe người tiêu dùng; quảng cáo sai sự thật về thực phẩm đặc biệt quảng cáo trên môi trường mạng vẫn diễn biến phức tạp.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho hay, tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến cuối….

Tồn đọng hồ sơ, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của doanh nghiệp; còn nhiều khó khăn trong công tác tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký (thiếu chuyên gia, chất lượng hồ sơ nộp thấp, mức thu phí thấp,…).

Ngân sách nhà nước cho y tế và BHYT có tăng nhưng tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân theo đầu người vẫn thấp. Tỷ lệ chi tiền túi từ hộ gia đình vẫn ở mức cao ( trên 40% tổng chi). Độ bao phủ BHYT rộng nhưng chưa bền vững.

Đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng chưa bảo đảm theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội.

An Na (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích