69 năm một chặng đường
Gần 7 thập kỷ qua, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội cũng kết tinh được những giá trị của Thăng Long – Hà Nội, phát huy hào khí của những chiến công vang danh trong lịch sử; vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để đề ra những chính sách phù hợp đưa Thủ đô ngày càng phát triển, xứng đáng với vị thế Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thủ đô Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. (Ảnh: Đại lộ Thăng Long- MP) |
Từ một Thủ đô có diện tích chỉ trên 921 km2, với cơ cấu kinh tế thiên về công nghiệp nặng, kết cấu hạ tầng lạc hậu, thu nhập của người dân không cao…đến nay diện tích của Hà Nội đã lên trên 3.358km2 (Top 10 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới), kinh tế đã dịch chuyển theo hướng công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, kết cấu hạ tầng phát triển nhanh và hiện đại nhất cả nước, thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện, tổng thu nhập thực tế tính theo sức mua, Hà Nội thuộc nhóm 5 tỉnh, thành có thu nhập đầu người cao nhất nước. Điều đáng nói, từ một đô thị chịu ảnh hưởng nhiều của tư duy kinh tế khép kín thời bao cấp, đến nay Hà Nội đã phát huy hào khí thế rồng bay, không ngừng đổi mới, phấn đấu vươn lên trở thành thành phố sáng tạo, trung tâm sáng tạo của đất nước và mang tầm khu vực; thành phố của những ý tưởng khởi nghiệp cho mục tiêu đất nước hùng cường…
Những năm qua, với trách nhiệm gương mẫu, đi đầu và tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô đã vận dụng sáng tạo nghị quyết của Đảng, cụ thể chính sách pháp luật của Nhà nước, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Theo báo cáo của UBND Thành phố, quy mô kinh tế Hà Nội đạt khoảng 1,2 triệu tỉ đồng, tương đương với khoảng 50 tỉ USD (cả nước khoảng hơn 400 tỉ USD). Mặc dù, chỉ chiếm 1% diện tích, 8,5% dân số cả nước, nhưng Hà Nội chiếm đến 43% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) và 43,8% thu ngân sách vùng đồng bằng sông Hồng; đóng góp khoảng 16,2% GDP, 19,1% thu ngân sách cả nước…
Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, Hà Nội đã chủ động đề xuất và tập trung triển khai dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô nhằm tăng cường liên kết vùng; tạo động lực phát triển nhanh và bền vững không chỉ cho Hà Nội mà cho cả vùng, cả nước. Đồng thời, Thành ủy Hà Nội là cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Văn hóa cũng là 1 trong 3 lĩnh vực được chúng tôi ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo; đến nay đã đưa vào kế hoạch đầu tư khoảng 90.000 tỉ đồng cho y tế, giáo dục, văn hóa. Hà Nội có 5.922 di tích là vốn di sản quý báu, nên bằng các chủ trương này, chúng tôi sẽ khơi dậy nguồn lực văn hóa để vừa phát triển mạnh du lịch, dịch vụ; vừa tạo sinh kế cho người dân.
…Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, song Đảng bộ, chính quyền Thành phố tự nhận thấy, trong phát triển kinh tế vẫn chưa tạo được các “đột phá lớn” và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Vì thế, trong Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII xác định, giai đoạn 2020-2025 tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo. Hà Nội cơ bản trở thành thành phố công nghiệp hóa – hiện đại hóa, GRDP/người đạt 8.100-8.300 USD. Phấn đấu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế. Hà Nội trở thành thành phố công nghiệp hóa – hiện đại hóa hoàn chỉnh, thành phố thông minh, GRDP/người đạt 12.000 – 13.000 USD.
Một góc Hà Nội về đêm (Ảnh: TTXVN) |
Để Hà Nội phát triển gắn với vùng Thủ đô trở thành trung tâm kinh tế năng động của cả nước và khu vực, ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp đó ngày 16/6, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội… Hiện tại, các cấp, ngành đang cho ý kiến hoàn thiện, bổ sung Luật Thủ đô (sửa đổi). Hy vọng đây chính là những tiền đề quan trọng để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Phát huy hào khí Thăng Long – Hà Nội, phát huy tinh thần “trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về…” trong những ngày thu tháng Mười, 68 năm trước, tự hào về lịch sử, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân lao động Thủ đô tự tin vững bước vào tương lai, quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển theo hướng “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” xứng tầm với vị thế Thủ đô của đất nước; xứng tầm khu vực.
Hiện nay, Hà Nội đang tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ lớn là lập đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), xây dựng Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ sửa đổi Luật Thủ đô 2012. Đây là việc cụ thể hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tạo bước đột phá cho Thủ đô phát triển xứng tầm. |
Hà Lê
Nguồn: Báo lao động thủ đô