Yếu tố nào giúp kinh tế Việt Nam bứt tốc tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á?
Theo TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam dù được đánh giá sẽ là nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023, song vẫn còn nhiều lực cản rất cần Chính phủ xem xét, trợ giúp để doanh nghiệp (DN) vượt khó, tìm cơ hội cho mình, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Những lực cản cần tháo gỡ
Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam với tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023. Lạm phát tương ứng 3,8% và 4%. Với mức dự báo tăng trưởng như vậy, Việt Nam sẽ là nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương. |
TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – cho rằng, hiện nay, kinh tế thế giới đang biến động và tăng trưởng rất thấp, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã 5 lần điều chỉnh dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới và lần nào cũng là điều chỉnh xuống. Tại Việt Nam, dù đã kiểm soát được dịch bệnh, song vẫn cần phòng ngừa tái phát, nền kinh tế hồi phục, tái cơ cấu nền kinh tế. Việt Nam đang cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7%/năm, còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo có thể đạt 7,5%.
“Các Bộ, ngành cần trợ giúp DN để chuyển sang kinh tế số, năng động thích nghi với biến động trong và ngoài nước. Dịch COVID-19 thúc đẩy vận dụng kinh tế số hóa trong kinh tế và xã hội, không còn là phong trào mà đã trở thành xu hướng và yêu cầu tất yếu. Nếu không chuyển đổi số, DN sẽ gặp khó khăn trong kết nối theo chuỗi giá trị với các đối tác trong nước và quốc tế cũng như khách hàng” – TS Lê Đăng Doanh nhận định. |
Theo ông Doanh, sự thay đổi của tình hình thế giới và trong nước sẽ tác động lớn tới DN. Đó là mở ra cơ hội cũng như yêu cầu thay đổi sản phẩm, công nghệ, kết nối theo chuỗi giá trị và thực hiện chuyển đổi số, kết nối với khách hàng trong và ngoài nước; nâng cao tính năng động, kết nối quốc tế và trong nước, từ bỏ cách kinh doanh theo kinh nghiệm và truyền thống, sẵn sàng chấp nhận cái mới; nâng cao tính công khai minh bạch trong quy trình sản xuất và kinh doanh… Từ đó, yêu cầu các DN phải tái cơ cấu sản xuất, điều chỉnh chiến lược, linh hoạt và năng động hơn trước những biến động của thị trường thế giới và cách mạng công nghiệp 4.0.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ là nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023. |
Về phía DN, kinh tế Việt Nam 2022 đang tiếp tục phục hồi với những triển vọng tích cực, nhưng những rủi ro thách thức mới cũng xuất hiện. DN Việt cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vượt qua thách thức, để có thể trụ vững và hoạch định chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh của mình.
“Tình hình kinh tế của Việt Nam trong 4 tháng cuối năm sẽ tiếp tục biến động và chưa ổn định, vì vậy các DN cần phải theo sát tình hình, liên hệ chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu dự báo trước biến động để tìm ra cơ hội cho DN mình” – ông Doanh nói và cho biết, Chính phủ có nhiều gói hỗ trợ DN, người lao động như: Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng giải ngân trong hai năm 2022-2023, giảm thuế GTGT 2%, giảm lãi suất cho vay 2%/năm…
Tuy nhiên, DN Việt Nam vẫn khát vốn khi sau 2 năm hậu COVID-19, nhiều DN gặp khó khăn tài chính, nợ lòng vòng trong khi lãi suất cho vay tăng cao (15%-16%/năm); giải ngân gói cứu trợ chậm đến công nhân ở nhiều tỉnh; thủ tục hành chính còn phiền hà, chồng chéo, chi phí về thời gian và tiền bạc khiến cho DN giảm năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, bất động sản đóng góp trực tiếp khoảng 10% GDP và gián tiếp thông qua các ngành kinh tế khác khoảng 20% GDP. Tuy nhiên, những diễn biến vừa qua đã “báo động đỏ” cho lĩnh vực này. Các vấn đề về pháp lý về bất động sản chưa được đồng bộ và bộc lộ nhiều bất cập chưa được bổ sung sửa đổi; ngân hàng siết tín dụng dẫn tới lượng cung mới và giao dịch bất động sản giảm.
Cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, kinh tế hộ gia đình hiện nay tại Việt Nam chiếm tỷ trọng cao 32%. Ông cho rằng, các cơ quan địa phương, các hiệp hội phải hợp tác với nhau giúp liên kết các kinh tế hộ gia đình trở thành DN. Những DN này sẽ phát triển có hiệu quả nhờ khoa học công nghệ, tuân thủ các quy định về hạch toán, biên lai, chứng từ chứ không phải nộp thuế khoán và “thương lượng” với cán bộ thu thuế như hiện nay. Cụ thể, đó là cải cách các thủ tục, khuyến khích thêm nhiều DN, nâng cấp hộ kinh doanh lên DN có đăng ký, hoạt động theo luật DN. Có như vậy mới huy động được nguồn lực trong dân.
“Sức khỏe” nền kinh tế Việt Nam được dự báo tích cực trong năm 2022 và 2023 (Ảnh: Báo Đầu tư). |
Cũng theo ông Doanh, cần khuyến khích các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư vào khoa học – công nghệ như vận dụng kinh tế số trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản… Ông Doanh cho rằng, nhiều sản phẩm thủy hải sản còn xuất khẩu dạng thô nên giá trị gia tăng còn hạn chế; trong khi nếu chế biến sâu sẽ mang hiệu quả cao hơn rất nhiều. Do đó, rất cần thiết các doanh nghiệp lớn của Việt Nam phải kết nối thành chuỗi giá trị với những DN khác ở châu Âu để nâng cao giá trị.
“Nông nghiệp sẽ phải tiếp tục tăng trưởng ổn định 1,75%/năm, là bệ đỡ an toàn cho nền kinh tế Việt Nam” – TS Lê Đăng Doanh phân tích. Theo ông, để nông nghiệp phát triển, điều quan trọng nhất là phải sửa Luật Đất đai, tạo điều kiện để chuyển sang nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn, có thể cơ giới hóa và sử dụng các công nghệ tưới tiêu hiện đại.
Trước những biến động của thị trường, Mỹ đánh thuế cao vào hàng hóa từ Trung Quốc, TS Lê Đăng Doanh nhận định đây có thể cơ hội mở ra cho Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với 52 nền kinh tế, mở ra cơ hội to lớn cho các DN Việt Nam; các DN cần phải phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để xác định rõ xu hướng thị trường, tìm thấy các cơ hội mới để phát triển doanh nghiệp. Khi có cơ hội phải tranh thủ tận dụng, vì các nước khác cũng đang cạnh tranh với các sản phẩm của Việt Nam.
Nguồn: Báo xây dựng