Yêu cầu trong quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Trong đó, nhấn mạnh 3 mục tiêu: Thứ nhất là đảm bảo cho mọi người đều có thể tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại; Thứ hai là tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng toàn cầu; Thứ ba là tăng gấp đôi tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng của thế giới.
Bên cạnh đó, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) đang đóng vai trò lớn trong việc bình ổn thị trường năng lượng thế giới, tư vấn chính sách cho các quốc gia nhằm hài hòa hóa an ninh năng lượng, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Các diễn đàn đa phương như G20, APEC, ASEAN cũng xác định vấn đề an ninh năng lượng chung là yếu tố then chốt đối với tăng trưởng của cả khối và cũng triển khai nhiều cuộc đối thoại, dự án hợp tác với trọng tâm là phát triển năng lượng bền vững.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) – Glasgow (Vương quốc Anh) tháng 11/2021 Việt Nam đã đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. (Ảnh minh họa)
Song song với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng, Việt Nam cũng đã xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng tới năm 2050 – Quyết định số 893/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tiết kiệm năng lượng được đặt ra là khoảng 8 – 10% vào năm 2030 và khoảng 15 – 20% vào năm 2050 so với kịch bản phát triển bình thường.
Nội dung chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ: Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; Giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025; Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.
Về cách tiếp cận tiết kiệm năng lượng, khảo sát của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp có thể đạt từ 20%-30%. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Về hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam liên quan sử dụng năng lượng hiện nay có Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12 ngày 17/6/2010; Dự thảo sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2020; Nghị định 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 hướng dẫn thi hành Luật; Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính; Quyết định số 280/QĐ-TTg – Phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả giai đoạn 2019-2030; Thông tư số 25/2020/TT-BCT quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng; Quyết định ban hành Danh mục các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm; Các văn bản (thông tư) quy định về định mức tiêu hao năng lượng;
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, danh mục các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm, về tiêu chí xác định cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm: Cơ sở sản xuất công nghiệp/nông nghiệp, đơn vị vận tải… tiêu thụ 1000 TOE/năm trở lên; Công trình xây dựng (trụ sở, văn phòng, khách sạn, TTTM …) tiêu thụ 500 TOE trở lên.
Về quyết định ban hành Danh mục các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm: Quyết định 1480/QĐ-TTg (29/11/2022) Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021, tính đến hết năm 2021, trên phạm vi cả nước có 3068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, trong đó có 2596 cơ sở sản xuất công nghiệp, 10 cơ sở sản xuất nông nghiệp, 55 đơn vị vận tải và 407 công trình xây dựng.
Ngoài ra có các Thông tư quy định về định mức tiêu hao năng lượng như Thông tư số 02/2014/TT-BCT (16/1/2024): quy định các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các ngành công nghiệp Hóa chất; Thông tư số 19/2016/TT-BCT (14/9/2016) Quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát;
Thông tư 20/2016/TT-BCT (20/09/2016) quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp thép; Thông tư 38/2016/TT-BCT Thông tư quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa; Thông tư số 24/2017/TT-BCT (23-11-2017) Quy định định mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất giấy; Thông tư số 39/2019/TT-BCT (29-11-2019) Quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất đường mía; Thông tư số 52/2018/TT-BCT Quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản.
Hà My