Yêu cầu ngân hàng quan tâm đến khách hàng có khoản vay nhỏ đang khó khăn do Covid-19
Tại Nghị quyết số 88/NQ-CP về phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021 do Chính phủ mới ban hành, cùng với các Bộ, Ngành, địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Chính phủ giao triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong những tháng còn lại của năm 2021.
Cụ thể, theo Nghị quyết của Chính phủ, trong tháng 7, mặc dù đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta lây lan nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm hơn đã bùng phát tại nhiều địa phương, nhất là tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phố phía nam, nhưng với quyết tâm, đồng lòng, quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục phát triển và đạt những kết quả quan trọng.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước đạt 68% dự toán năm, tăng 15,6%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối tương đối ổn định, lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm, tăng trưởng tín dụng phục hồi tích cực. Dịch vụ tài chính, thanh toán không dùng tiền mặt được thúc đẩy. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là phục vụ công tác phòng, chống dịch được đẩy mạnh… Việt Nam tiếp tục được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về khả năng phục hồi kinh tế, tính cạnh tranh, sự hấp dẫn về môi trường đầu tư kinh doanh.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân được chú trọng; Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật, nhất là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, đặc biệt là ngoại giao vaccine được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả.
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các Bộ, Ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”; Hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng, thực hiện kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh; kịp thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, không để ùn ứ; tập trung triển khai các giải pháp công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục tập trung thực hiện “ngoại giao vaccine”; hướng dẫn tổ chức học tập năm học 2021 – 2022 phù hợp tình hình dịch bệnh Covid-19; không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, nhu yếu phẩm…
Riêng đối với ngành ngân hàng, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như cơ cấu lại các khoản nợ, khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động tại các địa bàn có dịch đang diễn biến phức tạp, ngân hàng cần quan tâm hỗ trợ các đối tượng khách hàng có khoản vay nhỏ đang rất khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay; tiếp tục thực hiện các chương trình miễn, giảm phí giao dịch thanh toán; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, tại Nghị Quyết, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 39/2019/NĐ-CP theo hướng xem xét, mở rộng đối tượng hỗ trợ, giảm lãi suất, thúc đẩy hoạt động cho vay của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.
Đồng thời, Bộ tài Chính phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh triển khai các giải pháp chính sách để bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn vốn vay, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ngân hàng.