Yêu cầu bảo vệ môi trường và huy động các nguồn lực bảo vệ môi trường ở Việt Nam

Yêu cầu bảo vệ môi trường và huy động các nguồn lực bảo vệ môi trường ở Việt Nam

TS. Nguyễn Minh Phong –  Thứ tư, 01/12/2021 14:25 (GMT+7)

Nguồn lực cho bảo vệ môi trường (BVMT) là nguồn nhân lực, vật lực và tri thức (công nghệ, quy trình, năng lực quản lý), cũng như thông tin để thực hiện công tác BVMT nhằm đạt mục tiêu đặt ra.

tm-img-alt
Mô hình “Cá bống xin rác” tại Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Du lịch nhân Lễ hội môi trường biển Đà Nẵng 2019. Ảnh: ST

Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường hiện nay không chỉ là vấn đề riêng của một quốc gia mà là vấn đề cấp bách của toàn cầu và là yếu tố sống còn của nhân loại. Chi phí bảo vệ môi trường là đắt đỏ nếu để xảy ra ô nhiễm, suy thoái, thậm chí sẽ lớn hơn các nguồn lợi từ phát triển kinh tế tự phát, lạc hậu (gây ô nhiễm sông, hồ, đất, không khí…).

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên. Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân. Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển; gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành. Nói cách khác, bảo về môi trường là bảo vệ hệ sinh thái cho sự tồn tại và phát triển của loài người; là điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng sống người dân.

Việt Nam đã, đang và sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt thách thức về môi trường, như ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn; ô nhiễm đất, nguồn nước tại các khu vực sản xuất công nghiệp; vấn đề biến đổi khí hậu và sự suy thoái về tài nguyên, đa dạng sinh học; Một loạt các sự cố môi trường vừa qua như Dự án thép Fomosa, Dự án phân bón DAP Lào Cai… đã mang lại những tổn hại hết sức to lớn về môi trường và kinh tế, cho thấy những vấn đề nghiêm trọng, bức xúc và những lỗ hổng trong công tác quản lý môi trường. Đây là những bài toán hết sức nan giải trong công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững tại Việt Nam…

Mức độ gia tăng lượng nước thải tại các đô thị ngày càng lớn. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý chỉ đạt khoảng 11%, chỉ có 42 đô thị trên tổng số 787 đô thị có công trình xử lý nước thải tập trung. Nước mặt ở các hồ, kênh, mương nội thành, nội thị hầu hết đã bị ô nhiễm, các kênh, mương, hồ nội thành đã trở thành nơi chứa nước thải của các khu vực xung quanh. Phần lớn các thông số đặc trưng cho ô nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng đều vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là những đô thị có mức độ ô nhiễm sông, hồ, kênh rạch nội thành nghiêm trọng nhất. Tại các đô thị nhỏ hơn, tình trạng ô nhiễm nước hồ nội thành cũng đang là vấn đề nổi cộm; chất lượng nước sông, kênh mương nội thành cũng bị suy giảm; cục bộ tại một số khu vực, mức độ ô nhiễm đã ở mức khá nghiêm trọng như sông Phú Lộc (TP. Đà Nẵng), kênh Bến Đình (TP. Vũng Tàu)…

Tình hình diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng, đặc biệt là các đô thị lớn, tập trung ở các khu vực đồng bằng, nơi có hoạt động phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ, ô nhiễm không khí có xu hướng tăng, tập trung chủ yếu là ô nhiễm bụi.. Mức độ ô nhiễm biểu hiện rõ nhất ở 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với nồng độ bụi PM10, PM2,5 vượt ngưỡng giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT chiếm tỷ lệ hơn 20% tổng số ngày trong năm.

Theo phân tích của Tổng cục Môi trường (Bộ TN và MT), nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí là do khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông, trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải; hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông do chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi; phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường; khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác, trong đó có cả chất thải không đúng quy định tại một số địa phương; sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt hàng ngày cũng như để kinh doanh. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường không khí còn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt.

Với quan điểm nhất quán “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ môi trường không khí đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Các Bộ, ngành đã xây dựng, triển khai một số quy định, quy chuẩn, lộ trình thực hiện trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng. Các địa phương cũng đã triển khai một số biện pháp để cải thiện từng bước chất lượng môi trường không khí trên địa bàn. Tuy nhiên, tình hình diễn biến ô nhiễm môi trường trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Đặc biệt, Việt Nam là một trong số các nước đang và sẽ chịu hệ quả nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, gắn với không khí nóng lên và nước biển dâng…

Yêu cầu bảo vệ môi trường và huy động các nguồn lực bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Ảnh 2
Quân và dân tỉnh Khánh Hoà phối hợp tham gia làm sạch bãi biển Nha Trang. Ảnh: Báo Khánh Hoà

Tình hình tài chính và huy động các nguồn lực cho BVMT ở Việt Nam

Nguồn lực cho bảo vệ môi trường (BVMT) là nguồn nhân lực, vật lực và tri thức (công nghệ, quy trình, năng lực quản lý), cũng như thông tin để thực hiện công tác BVMT nhằm đạt mục tiêu đặt ra.

Nguồn lực tài chính – một cấu phần quan trọng của nguồn lực BVMT được hiểu là toàn bộ nguồn tiền được sử dụng để phục vụ cho BVMT. Bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi nguồn tài chính lớn và cần huy động từ tất cả các nguồn trong nước và quốc tế.

Theo Luật Bảo vệ Môi trường số 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020, nguồn tài chính cho BVMT gồm: ngân sách nhà nước, tiền bồi thường thiệt hại, đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân, vốn các tổ chức, cá nhân tự bỏ ra để thực hiện BVMT, vốn vay (ưu đãi hay thương mại) và vốn khác theo quy định của pháp luật.

Ở Việt Nam hiện nay, nguồn lực tài chính cho BVMT vẫn chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách (ODA), trong khi huy động nguồn lực tài chính khác (nguồn tư nhân, nguồn vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nguồn của dân cư…) còn rất hạn chế và chưa được “khơi dậy” hiệu quả cho BVMT.

Hiện ngân sách nhà nước (NSNN) chi cho các hoạt động này còn hạn chế, chỉ khoảng 1% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm.

Do nguồn lực NSNN còn hạn chế, cần đa dạng hóa các nguồn lực và kênh huy động nguồn lực, trong đó nổi bật là:

– Tín dụng xanh: là việc cấp tín dụng đối với các dự án xanh. Hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro về môi trường và xã hội từ các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh được cấp tín dụng. Ngân hàng Nhà nước sẽ có trách nhiệm cấp vốn, cho vay ưu đãi đối với các dự án đầu tư bảo vệ môi trường, đáp ứng tiêu chí tín dụng xanh; không cấp tín dụng cho các dự án không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

– Trái phiếu xanh: là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu để huy động nguồn vốn cho các hoạt động bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường.

– Vốn tự nhiên: bao gồm sinh vật, các cấu phần vật chất của tự nhiên cho phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh môi trường; được đầu tư phát triển nhằm cung cấp hàng hóa, dịch vụ vật chất thiết yếu cho các ngành kinh tế, cung cấp hàng hóa, dịch vụ sinh thái về văn hóa, tinh thần, hỗ trợ ứng phó, giảm nhẹ tác hại của thiên tai, hấp thụ các-bon, kiểm soát lượng mưa, lọc không khí và nước, phân hủy các chất thải trong môi trường…

Kết cấu hạ tầng tự nhiên cần được xác định, đánh giá, ưu tiên bảo vệ, sử dụng, phát triển và chỉ thay thế bằng việc sử dụng hạ tầng nhân tạo trong trường hợp thực sự cần thiết. Nếu tổ chức, cá nhân có hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái vốn tự nhiên hoặc được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư phục hồi, nâng cao giá trị vốn tự nhiên có trách nhiệm đóng góp tài chính theo quy định của pháp luật.

Nhà nước ưu tiên nguồn lực đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, phát huy lợi thế tự nhiên, phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua các cơ chế trái phiếu xanh, tín dụng xanh, quỹ đầu tư xanh, mua sắm xanh, tín chỉ carbon rừng, chi trả dịch vụ hệ sinh thái, cơ chế hoán đổi nợ cho đầu tư vào vốn tự nhiên và các công cụ kinh tế, tài chính khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm 4% GDP. Nguồn thu từ vốn tự nhiên phải được ưu tiên bố trí để tạo nguồn lực tập trung cho tái đầu tư phục hồi, phát triển, nâng cao giá trị của vốn tự nhiên.

Đặc biệt, cần đa dạng hóa huy động các nguồn lực của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường. Theo đó:

Thành lập các quỹ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu: từ đóng góp của người dân, hội viên và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức xã hội; khuyến khích các tổ chức xã hội hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phối hợp giải quyết hậu quả ô nhiễm môi trường khi có yêu cầu; tuyên truyền vận động hội viên, cộng đồng dân cư và nhân dân thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và xây dựng hành vi sống thân thiện với môi trường; huy động hội viên phát huy trí tuệ để xây dựng các công trình khoa học, sáng kiến, cải tiến góp phần bảo vệ môi trường và sáng tác các tác phẩm nghệ thuật nhằm cổ vũ phong trào bảo vệ môi trường, lên án những hành vi vi phạm luật bảo vệ môi trường; kêu gọi các nước và các tổ chức quốc tế hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam; huy động hội viên và nhân dân tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý chất thải, cải tạo và phục hồi môi trường; hướng dẫn hội viên và người dân áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến và sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.

Nâng cao nhận thức và ý thức, quyền và trách nhiệm người dân và cộng đồng dân cư về tuân thủ các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và vệ sinh nhà ở, công sở, trường học và công trình công cộng; phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đấu tranh với những hành vi lợi dụng sự cố môi trường để gây rối, mất trật tự trị an; tham gia, hưởng ứng và vận động người khác tham gia các phong trào về bảo vệ môi trường; tham gia và giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định về pháp luật; thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, các tác phẩm về bảo vệ môi trường và các hoạt động về bảo vệ môi trường khác theo quy định của pháp luật…

Huy đông các nguồn lực từ nước ngoài, gồm: từ các tổ chức quốc tế (từ Quỹ Khí hậu 100 tỷ USD được các nước phát triển đóng góp hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu… theo tinh thần Thỏa thuận Pari về chống biến đổi khí hậu); các nguồn ODA; các khoản vay tín dụng thương mại ưu đãi; các hoạt động chuyển giao công nghệ môi trường và các nguồn lực khác từ cộng đồng Việt kiều…

Theo Cổng Thông tin điện tử, Bộ TN và MT ngày 16/6/2020, hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các đơn vị quản lý hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp của toàn ngành môi trường (tính đến cấp huyện) là 5.728 người; trong đó, ở trung ương là 613 người, ở cấp tỉnh là 2.901 người, cấp huyện là 2.214 người. So sánh với nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ số cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về BVMT của nước ta ở mức 24 người/1 triệu dân, trong khi tỷ lệ này của các nước trên thế giới cao hơn nhiều, cụ thể như: Thái Lan là 42 người, Campuchia là 55 người, Malaysia là 100 người, Singapore là 330 người, Trung Quốc là 40 người, Canada là 155 người, Anh là 204 người.

Năm 2019, ngân sách nhà nước bố trí chi sự nghiệp môi trường là 16.190 tỷ đồng (tăng 1.090 tỷ đồng so với năm 2018), trong đó kinh phí sự nghiệp BVMT trung ương là 2.290 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp BVMT địa phương là 13.900 tỷ đồng. Kết quả tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy kinh phí sự nghiệp BVMT năm 2019 được Hội đồng nhân dân các tỉnh thông qua là 18.152.741 triệu đồng (lớn hơn 4.252.741 triệu đồng so với số giao của Bộ Tài chính). Tổng kinh phí ngân sách nhà nước phân bổ cho sự nghiệp BVMT năm 2019 là 20.442 tỷ đồng, tương đương 1,25% tổng chi. Đối với chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước cho lĩnh vực BVMT: Ở trung ương, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các bộ, cơ quan trung ương được bố trí 1.715,56 tỷ đồng, năm 2019 là 296,6 tỷ đồng. Ở địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho lĩnh vực môi trường được bố trí cho: Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh: Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn vốn ODA là 15.000 tỷ đồng; đến năm 2019, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ vốn để thực hiện dự án là 9.276,49 tỷ đồng, riêng năm 2019 là 5.710,4 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích: Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 bố trí cho địa phương là 42 tỷ đồng, lũy kế bố trí đến hết năm 2019 là 16 tỷ đồng, riêng năm 2019 là 10 tỷ đồng. Ngoài ra còn có trong cân đối của ngân sách địa phương bố trí theo kế hoạch hàng năm cho các dự án của địa phương.

Trong năm 2019, các Bộ, ngành đã chủ động, vận động, huy động nguồn lực thông qua thúc đẩy các chương trình, dự án hợp tác với các đối tác phát triển trong lĩnh vực BVMT, như: vận động các quốc gia như Australia, New Zealand tăng cường cung cấp ODA về ứng phó với khô hạn, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long; EU tại trợ hơn 444.000 Euro cho các dự án thí điểm lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Đà Nẵng trong khuôn khổ Dự án Phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng (DSED), triển khai “Chương trình Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo” trị giá 108 triệu Euro. Các địa phương cũng đã chủ động, huy động sự hỗ trợ của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế trong triển khai các dự án, chương trình về BVMT.

Trong năm 2019, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ về BVMT cũng được đẩy mạnh. Bộ TN và MT đã triển khai 16 đề tài khoa học, công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức xây dựng, thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ BVMT và phòng tránh thiên tai” (mã số KC.08/16-20, thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020), trong đó 12/36 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện thuộc lĩnh vực môi trường, chiếm 33,3%; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện 3 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia khác; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ 17 dự án chuyển giao công nghệ.

Tại địa phương, các chương trình nghiên cứu khoa học về BVMT được tích cực triển khai thực hiện như Dự án nghiên cứu giải pháp xử lý nước thải chăn nuôi sau Biogas bằng phương pháp Wetland (Bình Định); đề tài “Đánh giá sức chịu tải sông Cái và phân vùng xả nước thải vào sông Cái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đề tài “Đánh giá hiện trạng, dự báo diễn biến đa dạng sinh học; chất lượng các thành phần môi trường tại Ninh Thuận phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, trọng điểm phía Nam của tỉnh” (Ninh Thuận), đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh thái học, hiện trạng phân bố và nuôi bán tự nhiên loài Ếch hương, đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững” (Lạng Sơn).

Trong năm 2019, đã chủ động, tích cực lồng ghép, đưa các vấn đề hợp tác quốc tế về BVMT vào nội dung trao đổi của lãnh đạo nước ta và tuyên bố chung giữa lãnh đạo cấp cao của nước ta với lãnh đạo các nước trong các chuyến thăm, tiếp xúc song phương, tại các hội nghị khu vực và quốc tế. Đã chủ động và tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về môi trường như Diễn đàn Bộ trưởng và Nhà chức trách môi trường Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 3, Hội nghị lần thứ 4 của Đại hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc, Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm,… Tổ chức thành công nhiều hội nghị, sự kiện lớn trong lĩnh vực BVMT. Đồng thời, trong năm 2019 đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về môi trường với Lào. Bên cạnh đó, đã chủ động, tích cực xây dựng các đề xuất dự án về nâng cao năng lực đàm phán và thực thi các cam kết quốc tế về vấn đề môi trường trong thương mại quốc tế; tiếp tục triển khai thực hiện 02 điều ước quốc tế song phương; 09 điều ước quốc tế đa phương về môi trường. (Nguồn: https://monre.gov.vn/Pages/tang-cuong-nang-luc-quan-ly,-huy-dong-nguon-luc-bao-ve-moi-truong.aspx).

Yêu cầu bảo vệ môi trường và huy động các nguồn lực bảo vệ môi trường ở Việt Nam - Ảnh 3
Ảnh minh hoạ. ITN

Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp huy động các nguồn lực bảo vệ môi trường

Theo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam, nhằm tăng cường huy động các nguồn lực và bảo vệ môi trường, cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhà nước xây dựng và triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án và chính sách ưu tiên tập trung chuyển đổi cơ cấu, mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít phát thải carbon …, hướng tới tối ưu hóa sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu và chất thải; cung ứng các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hỗ trợ, ưu đãi tổ chức, cá nhân xây dựng và thực hiện mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng; trong đó kinh tế tuần hoàn được xác định và thực hiện ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, tiêu dùng; quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng kinh tế tuần hoàn trong tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng; quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải.

Đồng thời, Nhà nước đầu tư cũng như có chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển công nghiệp môi trường. Theo đó, hàng hóa và dịch vụ môi trường được xác định là các hàng hóa, dịch vụ để đo lường, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; phục hồi, khắc phục, cải thiện môi trường; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhà nước sẽ có các chính sách phát triển thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường; thúc đẩy tự do hóa thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường theo lộ trình phù hợp; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, sản xuất, cung cấp các hàng hóa và dịch vụ môi trường phù hợp với các cam kết quốc tế mà quốc gia đã tham gia. Nhà nước cũng cần xây dựng, thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường; xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về khí thải và chất lượng môi trường không khí (trong đó có về khí thải phương tiện giao thông) tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; xây dựng, ban hành tiêu chí và chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện giao thông vận tải thân thiện môi trường; tổ chức thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định…

Hơn nữa, cần tăng cường quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, nhất là trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch; tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, như: nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản…

Đồng thời, kiểm toán môi trường là một hoạt động kiểm toán không thể thiếu của các cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trên thế giới. Cơ chế vận hành kiểm toán môi trường (KTMT), được thực hiện theo 2 hình thức: KTMT do cơ quan Nhà nước có chức năng về môi trường thực hiện và KTMT do cơ quan KTNN thực hiện. Ở phương thức thứ 2, mục đích là nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý và BVMT của các cơ quan nhà nước và các đơn vị khác liên quan trong công tác BVMT. Việc đưa hoạt động kiểm toán vào Luật Bảo vệ môi trường là tạo điều kiện thuận lợi cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện tốt hơn vai trò đã được hiến định.

Không chỉ có các tổ chức của Nhà nước cung cấp dịch vụ môi trường, các tổ chức, cá nhân cũng được khuyến khích tham gia cung cấp dịch vụ môi trường trong các lĩnh vực: thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái; phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường; công nghệ tiết kiệm năng lượng, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng; giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ; giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường.

Giá hàng hóa và dịch vụ môi trường được Nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nhà nước thực hiện việc định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ môi trường như: Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt phát sinh từ khu đô thị, khu dân cư tập trung, hộ gia đình, cá nhân và các dịch vụ khác.

Đặc biệt, cần áp dụng đồng bộ và linh hoạt các công cụ kinh tế môi trường vào kiểm soát ô nhiễm môi trường, như thuế, phí, đặt cọc hoàn trả, Quỹ môi trường,… theo nguyên tắc: Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật…

Ngoài ra, cần coi trọng hoạt động kiểm kê, đánh giá các nguồn thải; nghiên cứu, đề xuất phương án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phát triển hệ thống giao thông công cộng, thay thế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch; xây dựng và ban hành kế hoạch thu hồi, tái chế, xử lý thiết bị, ắc quy từ xe điện; loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; trong nội đô cần tăng cường sử dụng các loại xe điện; thu hồi, loại bỏ xe cũ nát không đủ tiêu chuẩn. Tổ chức trồng nhiều cây xanh; việc xây dựng các công trình giao thông trong đô thị phải có giải pháp ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, các tác động ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan khi thực hiện.

Coi trọng đầu tư các trạm quan trắc không khí, xác định rõ nguyên nhân, từ đó, đưa ra giải pháp phù hợp.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích