Yêu cầu an toàn giàn giáo xây dựng theo TCVN 13662:2023

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13662:2023 về an toàn giàn giáo do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Theo đó tiêu chuẩn hướng dẫn các yêu cầu về an toàn khi lắp đặt, sử dụng, bảo dưỡng, tháo dỡ giàn giáo xây dựng trong sửa chữa, phá dỡ, xây mới, hoàn thiện nhà và các kết cấu công trình. Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với các hệ giàn giáo treo vĩnh cửu hoặc các sàn nâng di động.

Theo hướng dẫn của TCVN 13662:2023 thì giàn giáo phải được thiết kế, lắp đặt, nghiệm thu và bảo dưỡng tuân thủ các thông số kỹ thuật của nhà sản xuất và các yêu cầu, chỉ tiêu an toàn có trong tiêu chuẩn này đảm bảo vị trí làm việc an toàn cho người lao động. Khoảng cách giữa các bộ phận giàn giáo phải được đo từ tâm của các bộ phận đó.

Các bộ phận giàn giáo phải đáp ứng các yêu cầu, chỉ tiêu an toàn có trong tiêu chuẩn này và các thông số kỹ thuật thiết kế như khả năng chịu lực, kích thước và trọng lượng. Các bộ phận giàn giáo phải được thiết kế và lắp đặt với khả năng chịu lực đủ lớn để chịu tải trọng thiết kế.

Tấm lót chân đế cột giàn giáo phải đủ cứng, liền khối, và đủ khả năng chịu tải trọng dự tính lớn nhất cùng với tải trọng bản thân giàn giáo. Không sử dụng các vật xốp như thùng rỗng hoặc xếp gạch rời để làm tấm lót chân để cột giàn giáo.

Nếu giàn giáo phải neo vào kết cấu công trình, thì kết cấu đó phải là kết cấu chính đủ cứng vững hoặc các kết cấu khác có khả năng chịu lực tương đương. Các bộ phận neo giàn giáo phải được thiết kế đủ khả năng chịu tác dụng của các tải tác dụng mà không gây quá tải lên giàn giáo.

Các mặt hở của sàn công tác có chiều cao lớn hơn 2 m so với mặt đất hoặc sàn cứng, phải lắp hệ thống lan can bảo vệ biên, ngoại trừ các trường hợp tạm thời chưa lắp trong quá trình lắp đặt và tháo dỡ giàn giáo; Khi giàn giáo đặt trong nhà, tại đó toàn bộ diện tích nền đặt giàn giáo được bao tường xung quanh, không có mặt hở hoặc trong các kết cấu như hố thang máy hay khoang thang bộ; Khi mọi công nhân sử dụng thiết bị chống rơi cá nhân và được móc vào dây cứu nạn.

Sử dụng, bảo dưỡng, tháo dỡ giàn giáo xây dựng cần tuân theo tiêu chuẩn nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn. Ảnh minh họa

Chiều cao của thanh lan can trên so mặt sàn công tác phải lớn hơn 900 mm và nhỏ hơn 1.200 mm. Khoảng cách giữa các trụ đứng lắp các thanh lan can không được lớn hơn 3m, ngoại trừ trường hợp được thiết kế đặc biệt bởi người có chuyên môn. Tấm chắn chân sàn phải có chiều cao tối thiểu 90 mm tính từ bề mặt sàn công tác. 

Vật liệu của thanh lan can trên và thanh lan can giữa được coi là đạt yêu cầu khi thử nghiệm với lực ma sát 900N tác dụng theo hai hướng từ trên xuống và từ trong ra mà không bị hư hỏng, phá hủy. Không thử nghiệm với lực tác dụng từ dưới lên. Nếu sử dụng thanh giằng chéo thay cho thanh lan can giữa thì điểm giao nhau giữa hai thanh giằng chéo phải cách mặt sàn công tác không nhỏ hơn 500 mm và không lớn hơn 750 mm.

Nếu sử dụng đồng thời cả thanh lan can giữa và thanh giằng chéo thì điểm giao nhau giữa hai thanh giằng chéo so với mặt sàn công tác phải tư 900 mm đến 1200 mm. Chiều cao của các trụ đứng phải nhỏ hơn hoặc bằng 1400 mm. Nếu phía dưới sàn công tác có người thì tất cả các mặt hở và các cạnh cuối của sàn giàn giáo phải lắp tấm chắn chân sàn.

Nếu vật liệu cao hơn tấm chắn chân sàn và phía dưới có người làm việc hoặc người qua lại thì phải lắp bổ sung lưới chắn phòng rơi. Lưới chắn phòng rơi phải được lắp bao kín giữa thanh lan can trên tới tấm chắn chân sàn và lưới chắn phòng rơi phải chạy dọc theo tất cả các mặt hở của sàn. Cho phép không lắp thanh lan can giữa tại các vị trí đã lắp lưới chắn an toàn.

Cho phép không lắp hệ thống lan can bảo vệ biên tại mặt giáp mặt tường hoặc kết cấu công trình nếu khoảng cách tới mặt tường công trình nhỏ hơn 300 mm. Đối với giàn giáo treo, cho phép không lắp hệ thống lan can bảo vệ biên tại mặt giáp mặt tường hoặc kết cấu công trình nếu khoảng cách tới mặt tường công trình nhỏ hơn 250 mm.

Hệ số an toàn khi tính toán tải trọng giàn giáo là bốn, có nghĩa là giàn giáo phải có đủ khả năng chịu tải trọng của bản thân giàn giáo và bon lần tải trọng thiết kế. Hệ số an toàn khi tính toán của hệ lan can bảo vệ và cáp treo là các trường hợp ngoại lệ phải tính toán khả năng chịu tải theo yêu cầu riêng. Giàn giáo không được di chuyển ngang hoặc thay đổi kết cấu trong khi đang sử dụng hoặc có người trên giàn giáo, ngoại trừ các giàn giáo được thiết kế đặc biệt để sử dụng cho mục đích trên.

Không được sử dụng giàn giáo có bộ phận hư hỏng hoặc mất khả năng chịu tải và chỉ được sử dụng giàn giáo đó, khi bộ phận hư hỏng hoặc mất khả năng chịu tải được sửa chữa hoặc thay thế và được người có chuyên môn xác nhận. Không được xếp tải lên giàn giáo vượt quá tải trọng thiết kế Nếu sử dụng giàn giáo chế tạo sẵn hoặc giàn giáo mô đun thì phải tuân thủ chỉ dẫn của nhà sản xuất.

Gỗ dùng cho giàn giáo gỗ phải có chất lượng phù hợp, phải ở trong tình trạng tốt. Phải được bóc vỏ hoàn toàn và không được sơn hoặc xử lý làm cho các khuyết tật gỗ khó nhận biết bằng trực quan. Khi thiết kế kết cấu và mối ghép giàn giáo gỗ, phải tuân thủ tài liệu hướng dẫn thiết kế cho các kết cấu gỗ. Không được sử dụng các kết cấu gỗ có hư hỏng, biến chất do mối mọt, mục hoặc bị ảnh hưởng chất lượng do hóa chất, bất kể kết cấu gỗ mới hoặc đã qua sử dụng. Các kết cấu gỗ không có hư hỏng có thể được sử dụng lại.

Khi neo giàn giáo vào các kết cấu cố định của công trình, phải neo bằng bu lông neo hoặc các phương án neo tương đương. Không được neo giàn giáo vào các kết cấu không đủ cứng vững. Các mối buộc được trong giàn giáo phải đủ về kích thước và đủ về số lượng để đảm bảo cường độ theo thiết kế của giàn giáo.

Tất cả các sàn công tác và chiếu nghỉ giàn giáo phải được ghép kín bởi các ván sàn đáp ứng các yêu cầu sau: Các ván sàn phải được ghép với nhau càng khít càng tốt. Khe hở giữa các ván sàn không được vượt quá 10 mm. Cho phép sử dụng ván sàn có kích thước tiêu chuẩn kết hợp với ván sàn có kích thước phi tiêu chuẩn để lát kín sàn. Các ván sàn phẳng phải gối vượt đường tâm thanh gióng ngang tối thiểu là 150 mm và tối đa là 300 mm, hoặc phải cố định đầu các ván lát vào các thanh gióng ngang.

Khi lát ván sàn phẳng, nếu ván sàn gối vượt đường tâm thanh gióng ngang quá 300 mm thì phải lắp bổ sung thanh gióng ngang phụ vào vị trí sao cho đầu các ván sàn gối vượt đường tâm thanh gióng ngang phụ tối thiểu là 150 mm và cố định để chống xê dịch.

Giàn giáo phải có lối lên xuống sàn công tác bằng một trong các phương tiện bằng thang cầm tay gỗ, thang kim loại, hoặc thang nhựa có gia cường. Bằng các bậc leo trên các giàn giáo khung thép chế tạo sẵn với khoảng cách giữa hai bậc liên tiếp không vượt quá 400 mm và chiều rộng của các bậc leo không nhỏ hơn 200 mm. Không gian bậc leo phải đủ lớn cho tay bám và cho chân đứng. Bằng thang kim loại có móc được thiết kế cùng chủng loại giàn giáo chế tạo sẵn. Bằng cầu thang bộ được thiết kế cùng chủng loại giàn giáo. Bằng lối lên xuống từ các công trình liền kề hoặc bằng vận thăng lồng chở người. Khoảng cách từ nền tới bậc thứ nhất của thang hoặc của khung leo phải nhỏ hơn 400 mm. Thang phải được dựng không gây lật cho giàn giáo.

Không khuyến khích sử dụng thang lồng lắp bên ngoài biên của giàn giáo để vận chuyển người vì có thể gây ra mô men lật giàn giáo. Khi leo lên và xuống giàn giáo bằng thang hoặc khung leo, người leo phải dùng cả hai tay để leo, giày và tay phải sạch không dính dầu, bùn đất để tránh trượt ngã. Nếu thang có thiết bị an toàn thì sau khi lắp thang, phải thử nghiệm đảm bảo các thiết bị an toàn không hư hỏng và không gây lật giàn giáo.

Nếu lối lên xuống giàn giáo gồm thang leo và sàn di chuyển hoặc chiếu nghỉ thì phải bố trí như sau: Sàn di chuyển hoặc chiếu nghỉ phải bố trí bên trong giàn giáo; Khoảng cách theo phương thẳng đứng giữa hai sàn di chuyển hoặc chiếu nghỉ liền kề không vượt quá 4 m hoặc 2 tầng giáo; Sàn di chuyển hoặc chiếu nghỉ phải được lát kín; Phải lắp hệ lan can dọc cạnh hở sàn di chuyển hoặc chiếu nghỉ; Hoặc người lên xuống phải dùng thiết bị chống rơi cá nhân. Không sử dụng các thanh giằng chéo để leo lên xuống giàn giáo.

Các chân đế và cột đứng của giàn giáo phải thẳng đứng, giằng cố định chống xoay và di chuyển. Phải trang bị mái che cản vật rơi, chiều cao mái che cản vật rơi không được vượt quá 2,75 m so với mặt sàn công tác. Công nhân không được làm việc trên giàn giáo khi thời tiết xấu gió mạnh, giông và bão có sức gió từ cấp 5 trở lên.

Sàn công tác và sàn di chuyển trên giàn giáo phải có nhám chống trượt, không làm việc trên mặt sàn giàn giáo trơn trượt. Không xếp dụng cụ, vật liệu, mảnh vỡ hoặc phế thải quá nhiều trên sàn giàn giáo có thể gây mất an toàn. Dây cáp, dây chão và các dây buộc khác phải được xử lý nhằm chống ăn mòn khi chúng được sử dụng trên giàn giáo có vật liệu ăn mòn, hóa chất hoặc tại vùng có thành phần không khí ăn mòn. Cáp, chão sử dụng trong giàn giáo treo phải chịu được 6 lần tải trọng dự kiến lớn nhất.

Khi lắp đặt giàn giáo ở nơi có hóa chất ăn mòn phải có các biện pháp bảo vệ chống ăn mòn thích hợp tuân thủ chỉ dẫn của nhà sản xuất. Phải có giải pháp bảo vệ các bộ phận của giàn giáo khi sử dụng gần nguồn nhiệt, đặc biệt lưu ý cáp treo, dây treo và các dây neo buộc. Không tái sử dụng cáp treo, dây treo và các dây neo buộc đã tiếp xúc nguồn nhiệt. Không kê thang, ghế để tăng chiều cao trên các sàn công tác, ngoại trừ trường hợp được tính toán thiết kế bởi người có chuyên môn.

Người có chuyên môn phải xác định khi nào phải sử dụng các hệ thống chống rơi cá nhân trong quá trình lắp đặt, tháo dỡ và sử dụng giàn giáo và người làm việc trên giàn giáo phải chấp hành nghiêm các quy định này. Hệ thống chống rơi cá nhân phải tuân thủ các tiêu chuẩn TCVN 7802-1:2007 (ISO 1033-1), TCVN 7802-2:2007 (ISO 1033-2) và TCVN 7802-3: 2007 (ISO 1033-3).

Các cạnh của mặt hở giàn giáo không được nhọn, sắc để phòng ngừa tai nạn do cắt. Không được sử dụng kết cấu kim loại giàn giáo để làm dây dẫn điện. Khi lắp đặt, sử dụng hay tháo dỡ giàn giáo ở gần đường dây tải điện (dưới 5 m, kể cả đường dây hạ thế) cần phải có biện pháp đảm bảo an toàn điện cho công nhân như dùng lưới ngăn và phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý điện và đường dây tải điện.

Quy trình tháo dỡ giàn giáo chống phải bắt đầu từ đỉnh của giàn giáo. Không được tháo các kết cấu giằng vào kết cấu công trình hoặc dây neo cho tới khi giàn giáo được tháo dỡ tới điểm neo đó. Các bộ phận và phụ kiện giàn giáo sau khi tháo dỡ phải hạ xuống từ từ, không được thả, ném rơi tự do. Trong suốt quá trình tháo dỡ, phần còn lại của giàn giáo phải đảm bảo ổn định cho đến khi tháo dỡ hoàn toàn.

Công nhân lắp đặt và tháo dỡ giàn giáo phải qua đào tạo, phải tuân thủ các yêu cầu an toàn và phải được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động. Trước khi làm việc, công nhân phải được giới thiệu vị trí lắp đặt, cách nhận biết các nguy cơ mất an toàn và cách đảm bảo an toàn đối với loại giàn giáo mà họ sẽ làm việc. Đào tạo lại công nhân nếu cần thiết. Công nhân lắp đặt và tháo dỡ giàn giáo phải có chứng chỉ hành nghề. Phải có cán bộ giám sát trong quá trình lắp đặt, sử dụng và tháo dỡ giàn giáo.

Người có thẩm quyền phải kiểm tra trực quan tất các kết cấu giàn giáo trước mỗi lần đưa vào sử dụng và sau mọi sự cố có thể ảnh hưởng tới chất lượng giàn giáo. Giàn giáo sau khi kiểm định, tại cổng ra vào, phải lắp bảng thông báo với nội dung về tình trạng giàn giáo với thông tin tối thiểu như sau:  Giàn giáo kiểm định đạt yêu cầu, bảng thông báo với nội dung thông tin tối thiểu: “Giàn giáo đã được người có thẩm quyền kiểm định và cho phép sử dụng, thời gian kiểm định/tên người có thẩm quyền kiểm định”; Giàn giáo kiểm định đạt yêu cầu, bảng thông báo với nội dung thông tin tối thiểu: “Giàn giáo không hoàn chỉnh, chưa sẵn sàng sử dụng (lý do, thời gian kiểm định/tên người có thẩm quyền kiểm định)”; hoặc Giàn giáo kiểm định đạt yêu cầu, bảng thông báo với nội dung thông tin tối thiểu: “Giàn giáo này không an toàn, không đủ điều kiện sử dụng. Không sử dụng giàn giáo khi chưa có sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền”.

Nhà sản xuất hoặc đại lý phải cung cấp hướng dẫn sử dụng và ghi nhãn cho giàn giáo di động chế tạo nguyên chiếc do mình sản xuất hoặc cung cấp. Mỗi giàn giáo di động chế tạo nguyên chiếc phải được đi kèm với một hướng dẫn sử dụng. Mỗi giàn giáo di động chế tạo nguyên chiếc phải có nhãn riêng và không dùng nhãn của giàn giáo này cho loại giàn giáo khác. Nhãn và hướng dẫn sử dụng phải chỉ rõ tải trọng thiết kế hoặc tải trọng dự kiến lớn nhất.

Nhãn của giàn giáo di động chế tạo nguyên chiếc phải chỉ rõ tên nhà sản xuất hoặc tên nhà cung cấp hoặc ký hiệu nhận dạng của nhà sản xuất. Các nhãn phải được dập trên các bộ phận bằng kim loại của giàn giáo hoặc dập trên một tấm kim loại đủ bền hoặc vật liệu tương đương và bắt cố định chặt vào sản phẩm.

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích