Yên Phong (Bắc Ninh): Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai

Yên Phong (Bắc Ninh): Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai

Hiện nay trên địa bàn huyện Yên Phong đang tiến hành nhiều dự án quan trọng của tỉnh (đi qua), của huyện sử dụng đến tài nguyên đất đai.

Chính vì vậy, đòi hỏi công tác quản lý Nhà nước về đất đai phải được nâng cao để việc khai thác, sử dụng đất đạt hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí và xung đột xảy ra.

Yên Phong đang tập trung thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng để triển khai nhiều dự án trọng điểm về khu, cụm công nghiệp và các tuyến đường tỉnh đi qua địa bàn huyện. Trong năm 2023, huyện ra quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 18 dự án, tổng diện tích đất thu hồi 74,7 ha và tổng diện tích bồi thường là 66,2 ha. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh giao đất cho Tổng Công ty Viglacera – Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh thuê để thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng KCN thương mại và dịch vụ VSIP Bắc Ninh; cho UBND xã Yên Trung để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mở rộng, cải tạo nghĩa trang nhân dân thôn Vọng Đông, xã Yên Trung (đợt 2); cho Công ty cổ phần hạ tầng Western Paciffic thuê để thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Yên Phong II-A.

tm-img-alt
Khu công nghiệp Yên Phong. Ảnh: Tư liệu

Thực hiện điều chỉnh ranh giới, cơ cấu sử dụng đất dự án xây dựng hạ tầng khu nhà ở và điều chỉnh các quyết định về thu hồi đất và thu hồi kinh phí bồi thường ở một số xã, thị trấn của huyện. Trước thực tế khối lượng dự án sử dụng đất lớn, Yên Phong chỉ đạo các phòng chức năng hoàn thành công tác lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của huyện. Thành lập và xây dựng kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo thực hiện các dự án giao đất dân cư dịch vụ; Ban chỉ đạo xử lý các trường hợp giao đất không đúng, sử dụng đất lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện theo Kết luận 739 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, kế hoạch 219 của UBND tỉnh. Tiếp tục đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 83-NQ/HU của Huyện ủy, Kế hoạch số 205/KH-UBND của UBND huyện, Chỉ thị 05/CT-UBND của Chủ tịch UBND huyện về việc giải quyết tình trạng lấn, chiếm đất đai, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, quản lý đất nông nghiệp…, tạo hành lang pháp lý quan trọng để tài nguyên đất đai thực sự làm nền tảng của sự phát triển.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn huyện có 3.555 trường hợp vi phạm đất đai, trong đó, đất lấn chiếm 2.091 trường hợp; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất 1.464 trường hợp. Huyện đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ 803/1.149 trường hợp không phù hợp quy hoạch. Yêu cầu các xã, thị trấn tiến hành rà soát, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sử dụng đất đai, vận động nhân dân hoàn trả lại phần diện tích đất sai phạm. Tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lần đầu cho 139 trường hợp; chuyển mục đích sử dụng đất 12 trường hợp… Nói như Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Cường tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt, động viên công nhân, lao động trên công trường giao thông qua địa bàn huyện ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua: Địa bàn huyện Yên Phong có rất nhiều dự án sử dụng đến nguồn lực đất đai. Trong quá trình triển khai thực hiện, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện luôn phối hợp chặt chẽ với sở, ngành chức năng, chủ đầu tư, nỗ lực, quyết tâm trong triển khai bồi thường, bàn giao mặt bằng cho các dự án.

Tuy nhiên, do tồn tại của lịch sử để lại, diện tích đất không rõ nguồn gốc, đất dồn điền đổi thửa chưa hoàn thiện hồ sơ, đất xen kẹp, đất lấn chiếm khó xác định giá đất nên dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, làm chậm tiến độ triển khai. Đơn cử như dự án giao thông trọng điểm xây dựng các tuyến đường tỉnh ĐT.295C, ĐT.285B, ĐT.277B, qua địa bàn huyện Yên Phong, có diện tích đất thu hồi 33,943ha. Đến nay, một số thửa đất có mồ mả, cây trồng, vật kiến trúc trên đất chưa được thống kê, kiểm đếm, lập phương án, trình thẩm định, phê duyệt; nhiều diện tích thực hiện dồn điền đổi thửa nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ nên chưa đủ căn cứ để quy chủ, lập hồ sơ thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ. Yên Phong cũng đã có báo cáo gửi các sở, ngành tỉnh cùng phối hợp giải quyết, nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho dự án được triển khai thi công đồng loạt.

Công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Yên Phong hết sức phức tạp, bởi sự phát triển sôi động của nền kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Là “điểm nóng” của tỉnh về vi phạm, tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai. Chính vì vậy, ngoài việc dồn lực giải phóng mặt bằng cho các dự án xây dựng quan trọng, huyện còn chú trọng đặc biệt đến công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất đai; kiên quyết xử lý đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật về các trường hợp sai phạm trong lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các quyết định, kết luận sau thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, góp phần làm tốt công tác thu hồi đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của huyện, của tỉnh.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích