Yên Phong (Bắc Ninh): Nâng cao nhận thức sử dụng nước sạch cho người dân
Yên Phong (Bắc Ninh): Nâng cao nhận thức sử dụng nước sạch cho người dân
Thống kê của Trạm nước sạch tập trung Tam Giang, số hộ dân đăng ký đấu nối, lắp đặt công tơ tại 8 xã, phường do trạm cung cấp nguồn nước khoảng 20.000 hộ.
Trạm nước sạch tập trung Tam Giang (Yên Phong) có công suất thiết kế 14.500 m3/ngày, đêm; chất lượng nguồn nước đạt tiêu chuẩn QCVN 01-2009-BYT của Bộ Y tế. Sau gần 10 năm hoàn thành, vận hành cấp nước nhưng tỷ lệ người dân sử dụng mới chỉ đạt hơn 50% số hộ.
Thống kê của Trạm nước sạch tập trung Tam Giang, số hộ dân đăng ký đấu nối, lắp đặt công tơ tại 8 xã, phường do trạm cung cấp nguồn nước khoảng 20.000 hộ. Tuy nhiên, sau gần 10 năm hoàn thành, đưa vào sử dụng, đến nay mới chỉ có khoảng 12.000 hộ thường xuyên sử dụng, đạt tỷ lệ 60%. Theo ông Nguyễn Hữu Bình, Cụm trưởng Cụm Nước sạch Tam Giang, kể từ khi hoàn thành, đưa vào vận hành đến nay, nhà máy cấp nước tập trung góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sống, khắc phục tình trạng dùng nước kém chất lượng của người dân tại 8 địa phương: Tam Giang, Đông Thọ, Hòa Tiến, Yên Phụ, Văn Môn, Đông Tiến (Yên Phong), Hương Mạc, Phù Khê (thành phố Từ Sơn).
Cải thiện ô nhiễm môi trường nước mạch ngầm trong khu vực do các giếng khoan hộ gia đình lấy nước. Quy trình xử lý nước của nhà máy được tiến hành qua 5 giai đoạn: Nước sau xử lý cấp cho mục đích sinh hoạt, bảo đảm yêu cầu chất lượng. Kết quả xét nghiệm các chỉ số: Màu sắc, độ đục, độ PH, độ cứng, hàm lượng Fe, MN, Asen, NH4, tồn dư Clo, Coliform tổng số… đều thấp hơn giới hạn cho phép của QCVN01: 2009/BYT của Bộ Y tế. Với phương châm: “Chất lượng nguồn nước là sự quan tâm hàng đầu, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, hàng tháng, trạm đều gửi mẫu kiểm nghiệm đến Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bắc Ninh để kiểm tra chất lượng nguồn nước. Kết quả kiểm nghiệm hàng tháng cho thấy, chất lượng nước tốt, đạt các chỉ tiêu xét nghiệm về mùi, vị, màu sắc, pH, độ đục, clo dư, hàm lượng Asen, Coliform tổng số, coliform chịu nhiệt”.
Là một trong những gia đình đầu tiên sử dụng nước của Trạm nước sạch tập trung Tam Giang, ông Nguyễn Văn Hiệp, ở thôn Trung Bạn, xã Đông Thọ chia sẻ: “Trước kia gia đình thường dùng nước giếng trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, do nguồn nước không được bảo đảm nên hầu hết các thiết bị đun nấu, đồ dùng đựng nước đều bị ố vàng, hoen gỉ, nước uống có mùi tanh. Từ khi chuyển sang dùng nước của Trạm cung cấp, gia đình yên tâm vì nước trong, sạch cặn. Hàng tháng, Trạm đều gửi mẫu đi xét nghiệm và niêm yết công khai, tôi có tham khảo chất lượng và thấy rất ổn”.
Mặc dù công suất, chất lượng nguồn nước bảo đảm nhưng đến nay công suất thực tế của nhà máy nước sạch tập trung Tam Giang chỉ đạt 12.000 m3/ngày, đêm; tỷ lệ hộ sử dụng nước chỉ đạt khoảng 60%, thậm chí tỷ lệ hộ sử dụng ở 2 phường Phù Khê, Hương Mạc chỉ đạt 30% số hộ. Nguyên nhân, do nhiều hộ dân có thói quen dùng nước giếng khoan, nước mưa trong sinh hoạt hàng ngày và tiết kiệm chi phí, chưa lường hết được tác hại của việc sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh. Nước giếng khoan thường có tỷ lệ nhiễm phèn, nhiễm sắt cao. Nước sau khi được bơm đựng vào các bình, bể lắng lọc thường có các hiện tượng nổi váng màu vàng, cặn vàng, nước có mùi tanh.
Trước thực tế tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch chưa cao, cùng với nâng cao chất lượng nguồn nước, những năm gần đây Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh phối hợp các địa phương thường xuyên tổ chức các lớp phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức sử dụng nguồn nước sạch cho người dân. Thông qua tập huấn, các hộ được tuyên truyền, phổ biến các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; thực trạng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh; các kiến thức về nguồn nước sạch, nước hợp vệ sinh; nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước; ảnh hưởng của nguồn nước ô nhiễm đến sức khoẻ con người; các hình thức cung cấp nước; các biện pháp xử lý nước; các phương tiện trữ nước an toàn trong hộ gia đình. Sử dụng nguồn nước chưa qua xử lý mỗi ngày là nguyên nhân chính dẫn đến sự tích tụ các mầm bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe của mỗi người. Ở mức độ nhẹ có thể gây hiện tượng dị ứng da, nhiễm trùng đường ruột, đau mắt; mức độ nặng có thể gây ung thư…
Ngoài ra, nguồn nước ô nhiễm, không bảo đảm chất lượng cũng sẽ làm giảm tuổi thọ, độ bền của vật dụng chứa đựng tiếp xúc trực tiếp trong nhà. Việc cung cấp nước sạch không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn góp phần vào mục tiêu chung tay thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng nước sạch, để chương trình mục tiêu đưa nước sạch về nông thôn đạt hiệu quả hơn nữa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị