Yên Dũng (Bắc Giang): Vững bước đi lên trở thành đô thị loại I
Quy hoạch toàn huyện theo tiêu chí đô thị loại I
Theo Nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng hiện hữu. Diện tích lập quy hoạch khoảng 25.830ha. Trong đó thành phố Bắc Giang 6.656 ha; huyện Yên Dũng 19.174 ha.
Ngay sau khi được phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch, huyện Yên Dũng xác định đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Đồng chí Thạch Văn Chung – Bí thư Huyện ủy Yên Dũng cho biết: Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành việc lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2040; phối hợp tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Bắc Giang mở rộng, trong đó bao gồm toàn bộ diện tích huyện Yên Dũng. Đồng thời, phối hợp với thành phố Bắc Giang lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành việc sáp nhập huyện Yên Dũng, đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí bảo đảm có 7 xã, thị trấn lên phường. Yên Dũng cũng sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc, nút thắt về giải phóng mặt bằng. Ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên sớm hoàn thành các tuyến giao thông trọng điểm; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ.
Mở rộng quy mô các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn, sạch bệnh; nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số. Định hướng không gian phát triển của Yên Dũng trong những năm tới trọng tâm là phát triển công nghiệp ở khu vực phía Tây Nam (Yên Lư, Đức Giang, Đồng Phúc). Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp an toàn ở các xã khu vực phía đông và một phần phía nam (Tiến Dũng, Đồng Việt, Đồng Phúc, Đức Giang, Lạng Sơn, Trí Yên). Khai thác cảnh quan dãy núi Nham Biền và các di tích lịch sử văn hóa để phát triển du lịch và phát triển các khu đô thị, khu dân cư mới.
Tập trung xây dựng hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư
Xác định hệ thống giao thông có vai trò “đi trước một bước” để thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển KT-XH, huyện Yên Dũng đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại.
Được bao quanh bởi 3 con sông lớn là: Sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam, huyện Yên Dũng từ lâu vốn được biết đến là “vùng chiêm trũng”, giao thông cách trở, khó khăn. Để phá thế cô lập, huyện đã chú trọng xây dựng mới nhiều tuyến đường, cầu nhằm tăng cường kết nối, giúp phát triển KT-XH, thu hút đầu tư.
Quy hoạch giao thông huyện Yên Dũng được thể hiện trong bản đồ quy hoạch sử dụng đất huyện Yên Dũng đến năm 2030. Theo quy hoạch huyện Yên Dũng được phát triển theo tính chất: Là vùng phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái lịch sử, văn hóa, lễ hội. Là khu vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, có tiềm năng phát triển, hình thành đô thị vệ tinh cửa ngõ phía Nam của thành phố Bắc Giang. Là đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy quan trọng có vị trí trung gian kết nối trung tâm phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Giang với tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương, có ý nghĩa quan trọng về Quốc phòng, An ninh của tỉnh Bắc Giang và vùng Thủ đô.
Theo đó, từ nguồn ngân sách các cấp, trên địa bàn huyện Yên Dũng đã và đang thực hiện 12 dự án giao thông. Một số dự án lớn như: Cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu; dự án mở rộng đường tỉnh (ĐT) 398 (đoạn từ cống Kem đi Tiền Phong; đoạn từ Đồng Việt đi thị trấn Nham Biền); dự án đường ĐH5B; đường nối từ ĐT 299 đi ĐT 293 (đoạn qua Trạm Y tế thị trấn Tân Dân cũ); nâng cấp, mở rộng đường nối từ ĐT 293 đến quốc lộ (QL) 17 (đường cầu Đồng Sơn)…
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện đối với từng dự án cụ thể, rõ lộ trình, thời gian, rõ người thực hiện. Đặc biệt, nhằm khắc phục mặt yếu trong công tác giải phóng mặt bằng, BTV Huyện ủy yêu cầu cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; các ban, cơ quan, tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội huyện chủ động vào cuộc, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận ủng hộ các dự án. Kiên quyết thanh lý hợp đồng đối với những nhà thầu phụ trách công tác giải phóng mặt bằng năng lực yếu, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Nhờ vậy, việc thực hiện các dự án đạt kết quả khả quan. Đầu tháng 4, dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng ĐT 398 từ xã Đồng Việt đi thị trấn Nham Biền và QL 17 đoạn cống Kem, thị trấn Nham Biền đi xã Tiền Phong, tổng kinh phí 496 tỷ đồng đã được khởi công. Trước đó, giữa tháng 3, huyện tổ chức khởi công tuyến đường nối ĐT 299 với ĐT 293 đoạn qua Trạm y tế Tân Dân (cũ) chiều dài 1,7 km, kinh phí gần 52,4 tỷ đồng.
Bên cạnh các dự án trên, dự án đường ĐH8 đoạn từ xã Đức Giang sang xã Trí Yên dài 5,9 km (trong đó bao gồm 1 cầu vượt sông), tổng mức đầu tư 780 tỷ đồng và đường ĐH5b kéo dài, đoạn từ xã Tiến Dũng sang Lãng Sơn – Quỳnh Sơn – Tân An dài 9,7 km (gồm 1 cầu vượt sông), tổng mức đầu tư 980 tỷ đồng đã được phê duyệt và từng bước triển khai đấu thầu, lựa chọn đơn vị thiết kế, thi công.
Đáng chú ý, dự án cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu đã được khởi công vào tháng 6/2022. Đây là công trình quan trọng, kết nối 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh, đi qua quy hoạch Khu công nghiệp (KCN) đô thị, dịch vụ Đức Giang và KCN đô thị, dịch vụ Đồng Phúc (trùng hướng tuyến đường huyện theo quy hoạch huyện Yên Dũng). Tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
Cùng với chỉ đạo trực tiếp từng dự án, Thường trực Huyện ủy yêu cầu Văn phòng Huyện ủy làm đầu mối, thường xuyên theo dõi, nắm bắt, tổng hợp, định kỳ báo cáo. Quá trình thực hiện, cơ quan chuyên môn, các địa phương chủ động phản ánh những khó khăn, vướng mắc phát sinh để Thường trực Huyện ủy kịp thời chỉ đạo tháo gỡ. Khâu nào chậm thì kiểm điểm trách nhiệm cá nhân phụ trách khâu đó.
Nhờ tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tiến độ thực hiện các dự án đường giao thông ở huyện Yên Dũng có chuyển biến tích cực. Những kết quả đó sẽ là nền tảng quan trọng, góp phần để huyện hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, từng bước tạo sự đột phá về giao thông trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Thông qua đó góp phần chuẩn bị tốt nhất về diện mạo đô thị của huyện Yên Dũng, đợi ngày sát nhập vào thành phố Bắc Giang.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu