Yên Định (Thanh Hóa): Biến đất nông nghiệp thành trạm đúc bê tông

(Xây dựng) – Trong nhiều năm, một hộ dân tại xã Yên Thái, huyện Yên Định (Thanh Hóa) ngang nhiên sử dụng hàng nghìn m2 đất nông nghiệp để xây dựng nhà xưởng, bãi đúc cọc bê tông, gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền địa phương đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhưng đến nay vi phạm chưa được xử lý dứt điểm.

Yên Định (Thanh Hóa): Biến đất nông nghiệp thành trạm đúc bê tông
Ngang nhiên sử dụng hàng nghìn m2 đất nông nghiệp xây dựng nhà xưởng, bãi đúc cọc bê tông, gây ô nhiễm môi trường.

Vi phạm kéo dài

Theo tìm hiểu, năm 2020, UBND xã Yên Thái cho hộ gia đình ông Lê Văn Thành thuê 7.549m2 đất thuộc hành lang an toàn đê tại thôn Lê Xá với giá 100kg lúa/500m2/năm. Mục đích cho gia đình ông Lê Văn Thành thuê để chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà…

Tuy nhiên, đầu năm 2021, diện tích đất nông nghiệp ông Lê Văn Thành thuê bỗng chốc được chuyển đổi thành nơi sản xuất cọc bê tông. Tại Biên bản số 01/BB-VPHC ngày 20/10/2022 của UBND huyện Yên Định xác định: Ông Lê Văn Thành đã có hành vi chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn, diện tích vi phạm 920m2, thời gian vi phạm – tháng 4/2022.

Tới ngày 27/10/2022, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định Lê Văn Bình ký Văn bản 3952/QĐ-XPHC đối với ông Lê Văn Thành vì vi phạm điểm c, Khoản 2, Điều 11, Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với số tiền 11,5 triệu đồng. Buộc ông Lê Văn Thành phải khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu đất sản xuất nông nghiệp trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt. Tuy nhiên, ông Lê Văn Thành không thực hiện quyết định.

Tiếp đó, UBND xã Yên Thái đã ra thông báo nhiều lần trong năm 2023, yêu cầu ông Lê Văn Thành khẩn trương tháo dỡ, di chuyển toàn bộ các cột bê tông, máy móc thiết bị và vật liệu xây dựng đi nơi khác, đưa đất vào sản xuất nông nghiệp đúng mục đích thuê đất. Nghiêm cấm các hành vi cơi nới, xây dựng trái phép làm ảnh hưởng đến quá trình sử dụng đất và các quy định về quản lý đất đai tại địa phương, nhưng đến nay ông Lê Văn Thành vẫn không chấp hành.

Gần đây nhất, ngày 26/3/2024, Chủ tịch UBND xã Yên Thái tiếp tục ra Thông báo số 06/TB-UBND. Nội dung nêu rõ: “Ông Lê Văn Thành tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp” tại khu bãi ngoại đê thôn Lê Xá; yêu cầu ông Lê Văn Thành chấp hành tháo dỡ, di dời toàn bộ các cột bê tông, máy móc thiết bị và vật liệu xây dựng trên hoàn thành trước ngày 25/4/2024.

“Phớt lờ” chỉ đạo của chính quyền

Có mặt tại khu vực trên ngày 22/5, qua quan sát cho thấy, trên khu vực vi phạm có 2 dãy nhà xưởng xây dựng kiên cố bằng tôn, cùng dây chuyền sản xuất cọc bê tông. Quanh khuôn viên, nhiều cọc bê tông thành phẩm đang chờ xuất xưởng, nhiều thiết bị, máy móc vẫn tồn tại như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Yên Định (Thanh Hóa): Biến đất nông nghiệp thành trạm đúc bê tông
Xe tải ra vào trạm đúc bê tông gây giảm tầm nhìn, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Một người dân di chuyển qua khu vực này bức xúc: “Bãi đúc bê tông có lâu rồi. Hằng ngày, xe chở vật liệu từ bãi đi ra khiến bụi bay khắp nơi, nhất là những này nắng gió, gây cản trở, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người tham gia thông khi di chuyển qua cung đường này. Người dân chúng tôi đi qua khu vực này rất bức xúc, nhiều khi bụi bị xe tải cuốn bay vào mắt, gây giảm tầm nhìn, rất nguy hiểm. Tôi nghe nói khu này là đất nông nghiệp, được biến thành bãi đúc cọc bê tông trái phép, gần đây hoạt động thấy dừng lại nhưng máy móc thiết bị và cột bê tông vẫn còn nhiều tại bãi, những sai phạm trên tồn tại suốt nhiều năm chưa bị xử lý dứt điểm?”.

Về việc này, một lãnh đạo xã Yên Thái thừa nhận: “Đến thời điểm này, dù đã có nhiều lần đôn đốc nhưng ông Lê Văn Thành vẫn chưa khắc phục hậu quả như trong quyết định xử phạt. Cá nhân ông Lê Văn Thành đã có đơn xin gia hạn tới tháng 6/2024, theo ông Lê Văn Thành cho biết hiện tại đã tìm được địa điểm sản xuất mới sẽ di dời toàn bộ máy móc, nhà xưởng, trả lại nguyên trạng mặt bằng trong thời gian sớm nhất”.

Như vậy, có thể thấy, sai phạm trên đã kéo dài trên địa bàn xã Yên Thái, huyện Yên Định nhiều năm nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm. Vì thế, vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, phạt tiền chưa đủ tính chất răn đe khiến dư luận bức xúc, kỷ cương hành chính bị “nhờn luật”. Điều này khiến người dân, cử tri không khỏi băn khoăn về kỷ cương, pháp luật quy định trong lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn huyện Yên Định.

Để đảm bảo an toàn đê điều, nhất là đang mùa bão lũ, các cơ quan chức năng cần sớm chỉ đạo chính quyền địa phương quyết liệt xử lý dứt điểm vi phạm đất đai tại xã Yên Thái. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của chính quyền xã Yên Thái, huyện Yên Định trong việc quản lý đất đai.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích