Yên Bái yêu cầu tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Yên Bái yêu cầu tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2024 nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nền nhiệt cao hơn năm 2023.

UBND tỉnh Yên Bái vừa có Công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ cháy rừng tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên và thị xã Nghĩa Lộ gây thiệt hại về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản và đời sống của người dân.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2024 nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nền nhiệt cao hơn năm 2023. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, tình hình khô hạn kéo dài trên diện rộng, nguy cơ cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao, nhiều khu rừng đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm).

Để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác PCCCR tại địa phương theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch PCCCR của các đơn vị, chủ rừng, kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác PCCCR.

UBND tỉnh tiếp tục yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm về cháy rừng; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; duy trì chế độ trực công tác PCCCR theo quy định.

Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tổ chức theo dõi chặt chẽ, cung cấp thông tin kịp thời diễn biến thời tiết, nhất là các vùng, khu vực trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng cho các địa phương để chủ động thực hiện các phương án PCCCR; phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng, UBND cấp huyện, cấp xã triển khai đồng bộ các biện pháp PCCCR; phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về PCCCR.

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra các phương án PCCCR của chủ rừng đã xây dựng, hướng dẫn xử lý thực bì, làm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng có nguy cơ cao; phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xác định cụ thể vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để khuyến cáo tới các chủ rừng; đồng thời bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ngăn chặn và xử lý kịp thời khi có cháy rừng xảy ra; chủ động phối hợp với các ngành có liên quan khẩn trương xác minh, điều tra xử lý nghiêm các đối tượng gây ra cháy rừng.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích