Yên Bái xây dựng nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
Yên Bái xây dựng nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
Sản xuất nông nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH. Bởi vậy, ngành nông nghiệp Yên Bái đã có nhiều giải pháp thích ứng với BĐKH
Phần lớn hiện nay nền nông nghiệp của tỉnh phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện tự nhiên, khí hậu nên sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Đối mặt với những khó khăn của thời tiết, nhiều năm qua, ngành đã nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất từ làm theo kinh nghiệm, thuận tự nhiên sang áp dụng khoa học kỹ thuật, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu.
Mù Cang Chải là huyện vùng cao, thường xuyên có những đợt rét đậm, rét hại, sương muối, băng giá vào mùa đông. Nhiều năm trước, vào mùa đông, người dân thường không trồng cấy; tình trạng gia súc, gia cầm chết do bệnh, do đói rét khá cao. Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chỉ đạo quyết liệt, người dân nơi đây đã thay đổi tư duy và hành động.
Ông Lương Văn Thư – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết: “Để ứng phó với BĐKH, ngành đã hướng dẫn người dân lựa chọn, đưa các giống cây trồng mới, các giống lúa, ngô chịu hạn, chịu rét tốt, cho năng suất cao vào sản xuất, vận động nhân dân sản xuất đúng khung lịch thời vụ, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật… Đồng thời, ngành cũng vận động người dân tận dụng hỗ trợ Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh để thay đổi hình thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang hàng hóa, từ chăn thả tự do sang chăn nuôi bán chăn thả; tăng cường tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, chủ động ứng phó với thời tiết khắc nghiệt”.
Nhờ đó, Mù Cang Chải hiện nay có những vườn cây ăn quả ôn đới rụng lá vào mùa đông, bật lộc đầu xuân được hỗ trợ mở rộng diện tích: hồng giòn từ 1 ha lên 30 ha; lê tai nung lên 70 ha; đào, mận khoảng trên 50 ha…
Trên những diện tích ruộng cạn không lấy được nước cũng dần được chuyển đổi sang các cây trồng khác phù hợp. Hình ảnh những thửa ruộng vẫn xanh ngát rau cải mèo, cải mầm đá, su hào vào mùa đông; những túp lều ăm ắp rơm, rạ được dự trữ, những chuồng trại dựng lên kiên cố, có mái che, bạt quây đã trở nên phổ biến.
Hiện nay, dưới tác động của BĐKH, mùa hè nắng nóng nhiều hơn làm tăng diện tích đất đai bị khô hạn, giảm năng suất cây trồng, giảm diện tích đất trồng lúa. Mùa đông có những đợt rét đậm, rét hại, sương muối, khô hạn làm cây trồng kém phát triển, nhiều vật nuôi bị chết do nhiệt độ xuống thấp. Ngoài ra, các đợt mưa lớn kéo dài cũng làm rửa trôi chất dinh dưỡng, thoái hóa đất, giảm năng suất cây trồng.
Để thích ứng với BĐKH, ngành nông nghiệp đã chủ động công tác theo dõi sát dự báo thời tiết, chủ động trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc để chống xói mòn, duy trì lớp thảm thực vật, đảm bảo khung thời vụ gieo trồng; đồng thời, tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên…
Đến nay, nhiều hợp tác xã nông nghiệp, nông dân dần thay đổi tư duy sản xuất cũ làm theo kinh nghiệm sang áp dụng khoa học như: trồng trong nhà kính, nhà lưới; tưới nước tiên tiến; canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… không phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết. Các biện pháp canh tác bền vững trên đất dốc để giữ nước, giảm xói mòn cũng được phổ biến, nhân rộng. Phần lớn diện tích sản xuất lúa khó khăn về nguồn nước đã được chuyển đổi sang các mô hình cây trồng khác chịu hạn tốt hơn.
Anh Hoàng Văn Hải ở xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: “Gia đình tôi có khoảng 2 sào ruộng ở gò cao, khó lấy nước, ít màu mỡ. Sau nhiều năm không canh tác được gì, tôi đã chuyển sang trồng bưởi da xanh. Đến nay, tôi đã bán được 2 vụ, số lượng chưa nhiều nhưng cũng thu đến đâu bán được đến đó”. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều giải pháp đã được nông dân tích cực thực hiện như: chủ động nguồn thức ăn tại chỗ; xây dựng hệ thống máng ăn, máng uống tự động, sử dụng đệm lót sinh học, men vi sinh để vệ sinh chuồng trại…
Trong xu hướng hiện nay, thích ứng tốt với BĐKH là yêu cầu cấp thiết để phát triển. Bởi vậy, cách làm của ngành nông nghiệp cùng nông dân Yên Bái không chỉ để thích ứng với BĐKH mà còn giảm thiểu rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng điện đại, bền vững.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị