Yên Bái: Thành tựu nổi bật trong công tác đổi mới toàn diện

(Xây dựng) – Năm 2022 là bước ngoặt lớn sau khi đại dịch Covid-19 trôi qua, nhiều khó khăn cả về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, bằng sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, toàn tỉnh Yên Bái đã đạt đươc nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tạo động lực mạnh mẽ cho năm mới, hướng tới hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Yên Bái: Thành tựu nổi bật trong công tác đổi mới toàn diện
Ông Nông Việt Yên – Bí thư Huyện uỷ huyện Mù Cang Chải cùng bà con trong mùa chăm sóc lúa.

Trong năm qua, tỉnh Yên Bái vinh dự, phấn khởi được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm và làm việc với tỉnh. Đặc biệt trong hai ngày 24 và 25/9, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm, khảo sát một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn và chủ trì làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm triển khai thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh; dự Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Thủ tướng mong muốn Yên Bái cần phát huy tối đa giá trị miền di sản Xòe Thái, không gian văn hóa ruộng bậc thang Mù Cang Chải, khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà, với tư duy gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, du lịch; biến di sản thành tài sản, tiềm lực thành nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc cho nhân dân. Đồng thời nhấn mạnh “Yên Bái phải tự tin để vươn lên, sự tự tin cũng là một nguồn lực”.

Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tỉnh Yên Bái đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục được sắp xếp tỉnh gọn, hợp lý; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp được nâng lên. Công tác tổ chức xây dựng Đảng được thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả; trong năm đã kết nạp 1.892 đảng viên mới, vượt 5,1% so với chỉ tiêu; tỷ lệ cán bộ, đảng viên thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương đạt cao so với mục tiêu đề ra. Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện bài bản, nghiêm túc, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, bảo đảm về số lượng và chất lượng. Công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra dấu hiệu vi phạm được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh sớm được thành lập và đi vào hoạt động, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khẳng định quyết tâm xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh. Hoàn thành biên soạn và tổ chức Lễ ra mắt, phát hành cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh tập III, giai đoạn 2001-2020” nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh, góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử và đề cao lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng bộ tỉnh.

Yên Bái: Thành tựu nổi bật trong công tác đổi mới toàn diện
Yên Bái là đầu mối giao thông quan trọng, với rất nhiều tiềm năng, thế mạnh, đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm vùng Tây Bắc. Năm 2022, các cấp chính quyền Yên Bái đã tích cực kêu gọi, tạo điều kiện, không ngừng thay đổi để thu hút đầu tư, gia tăng năng lực cạnh tranh. Hàng loạt các công trình đã được hoàn thành và đi vào hoạt động.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế toàn tỉnh tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,62%, cao nhất kể từ năm 2015; bình quân từ đầu nhiệm kỳ đạt 7,86%/năm, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5,95%, cao nhất trong vùng; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng trưởng 14,76%, đứng thứ 6/14 tỉnh trong vùng, riêng ngành công nghiệp tăng 16,66%, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Chủ trị xuất khẩu hàng hóa tăng 31,4% so với cùng kỳ. Thu ngân sách vượt cao so với dự toán Trung ương giao, bằng 179,4% và vượt dự toán HĐND tỉnh giao.

Đối với tỉnh Yên Bái, hệ thống kết cấu hạ tầng luôn là nhiệm vụ được đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, tỉnh đã khởi công nhiều công trình giao thông trọng điểm, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông liên kết vùng, liên vùng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh như: Đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC15); các tuyến đường kết nối Quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tại IC14 và ICIS; Nút giao IC13 cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Đường nối Tỉnh lộ 163 với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Cải tạo đường nối Quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài (IC15) Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái…

Yên Bái: Thành tựu nổi bật trong công tác đổi mới toàn diện
Khu nghỉ Chuồn Chuồn Nghĩa Lộ với điểm nhấn Cầu kính trở thành điểm đến yêu thích của khách du lịch.

Để phù hợp với thời đại công nghệ số 4.0, tỉnh Yên Bái đã tích cực phát triển trong công tác chuyển đổi số. Nội dung này được triển khai quyết liệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nhiệp và nhân dân trong tỉnh và đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình chuyển đổi số hiệu quả, bao gồm: đơn vị hành chính; cơ quan Nhà nước; trường học; doanh nghiệp; tổ chuyển đổi số cộng đồng; nền tảng Sổ tay đảng viên điện tử. Yên Bái là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành kế hoạch chuyển đổi số tới cấp xã, ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số; là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng tại 100% đơn vị hành chính cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố. Năm 2022, Yên Bái đứng thứ 27/63 các tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI), tăng 13 bậc so với năm 2020.

Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới cũng đạt nhiều kết quả tích cực, tiếp tục là điểm sáng trong phong trào xây dựng Nông thôn mới của các tỉnh khu vực Tây Bắc. Trong năm đã có thêm 11 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn Nông thôn mới lên 99 xã, đạt 66% tổng số xã toàn tỉnh (trong đó có 10 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu); số tiêu chí Nông thôn mới bình quân của các xã trên địa bàn toàn tỉnh đạt 15,23 tiêu chí. Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân, chủ đề “Nông dân Yên Bái phát huy vai trò trong phát triển nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới”.

Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ và tạo được dấu ấn tích cực. Tổ chức rất thành công Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, qua đó lan tỏa mạnh mẽ những giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” và triết lý phát triển Yên Bái nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Yên Bái: Thành tựu nổi bật trong công tác đổi mới toàn diện
“Nghệ thuật xòe Thái” là hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, được hình thành và phát triển cùng với cộng đồng người Thái.

Chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được nâng lên. Dịch vụ, du lịch có bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ, với lượng khách du lịch ước đạt gần 1,6 triệu lượt khách, bằng 144,4% kế hoạch, gấp 2,0 lần so với năm 2021. Quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Giảm nghèo nhanh và bền vững; tỷ lệ hộ nghèo toàn tính giảm 5,05%, vượt 1,05% so với kế hoạch. Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 62,57%, vượt 1,37% so với mục tiêu kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Bộ Quốc phòng và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức thành công tốt đẹp Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Chiến thắng Tây Bắc 1952 – Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Hội thảo với sự tham dự của gần 500 đại biểu; là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc, là dịp để củng cố, bồi đắp thêm về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; giáo dục truyền thống lịch sử, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng cống hiến cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, nhất là thế hệ trẻ cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng; từ đó, càng thêm sắt son niềm tin với Đảng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, góp phần tiếp thêm sức mạnh, nghị lực và quyết tâm phấn đấu cho mục tiêu xây dựng, phát triển quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh hạnh phúc.

Trong năm 2022, công tác đối ngoại, tuyên truyền biển đảo của tỉnh được mở rộng và ngày càng hiệu quả. Năm qua, tỉnh đã triển khai chặt chẽ, đồng bộ giữa công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Tăng cường quảng bá hình ảnh đất và người Yên Bái đến với bạn bè quốc tế; tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với các địa phương của các nước. Đặc biệt, các chuyến thăm, làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Nhật Bản; của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại Lào đã thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa Yên Bái với các địa phương các nước bạn. Sự kiện đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 đã góp phần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền biển, đảo của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Bên cạnh đó, lĩnh vực quốc phòng – an ninh được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện tại huyện Văn Yên, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ; bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn, các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm và làm việc tại tỉnh. Mỗi trường sống, môi trường đầu tư kinh doanh luôn bảo đảm an toàn, lành mạnh; qua đó tạo động lực thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội và giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích