Yên Bái: Sẽ đầu tư 13 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt
(TN&MT) – Trong thời gian qua, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chủ yếu xử lý bằng phương pháp thủ công, chôn lấp gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và cuộc sống của người dân. Tỉnh Yên Bái đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Xung quanh nội dung này PV Báo TN&MT đã trao đổi với ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái về vấn đề.
Ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái |
PV: Thưa ông! Hiện nay rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xử lý bằng phương pháp thủ công chôn lấp gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và người dân sống quanh khu vực. Vậy trong thời gian tới tỉnh Yên Bái sẽ có giải pháp ra sao để xử lý vấn đề này?
Ông Nguyễn Thế Phước: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, hằng ngày có khoảng 82/152,8 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được thu gom, xử lý tập trung được xử lý bằng công nghệ sản xuất phân vi sinh tại Nhà máy xử lý rác thải xã Văn Phú, thành phố Yên Bái của Công ty Cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái (53,7%). Khối lượng CTRSH được thu gom, xử lý tập trung còn lại được chôn lấp thông thường tại 27 bãi chôn lấp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố (trong đó có 19 bãi chôn lấp quy mô cấp xã; 2 bãi chôn lấp quy mô cấp huyện.
Để đẩy mạnh việc thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn, năm 2020, tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030. Theo Đề án, trong giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh Yên Bái sẽ đầu tư mới 13 lò đốt CTRSH để thay thế toàn bộ các bãi chôn lấp hiện tại.
PV: Được biết trong tháng 10/2020 tỉnh Yên Bái đã ban hành QĐ số 2311 về việc ban hành đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh. Hiện đề án này đã được tỉnh triển khai tới đâu? Thưa ông!
Ông Nguyễn Thế Phước: Ngay sau khi Đề án được ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT với chức năng là cơ quan chủ trì thực hiện đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương trên cơ sở nhiệm vụ và trách nhiệm được phân công chủ động, tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện đồng loạt các nhiệm vụ, giải pháp đưa ra trong Đề án.
Về các giải pháp liên quan đến các cơ chế, chính sách, sau khi Đề án được ban hành, để giúp các hộ gia đình tại các khu vực chưa có hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH tập trung có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường, Sở TN&MT đã ban hành hướng dẫn thu gom, phân loại và xử lý CTRSH tại hộ gia đình. Hiện nay, tỉnh Yên Bái đang xây dựng dự thảo quy định chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút đầu tư xã hội hóa cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, dự thảo quy định về quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn tại thành phố Yên Bái để làm cơ sở triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Về việc đầu tư mới các khu xử lý: Ngày 24/5/2021, UBND tỉnh Yên Bái đã giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước để thực hiện dự án “Xây dựng công trình lò đốt rác thải sinh hoạt cụm xã Đông Cuông, Mậu Đông và thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đồng thời, Thường trực Tỉnh ủy đã nhất trí về chủ trương cho Công ty Cổ phần Bảo Minh thực hiện nghiên cứu, khảo sát, đề xuất đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn tại thị xã Nghĩa Lộ và lắp đặt lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên.
Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cũng đã bố trí kinh phí đối ứng để tiến hành xử lý triệt để, đóng cửa các bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường như bãi rác thải thị trấn Yên Bình, bãi rác thải thị xã Nghĩa Lộ,…; bố trí kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của tỉnh, đồng thời yêu cầu, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí ngân sách cấp huyện để nâng cấp, cải tạo, có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm từ các bãi chôn lấp còn lại.
PV: Thưa ông! Hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn một số bãi rác cấp huyện được xếp vào cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vậy tỉnh có giải pháp gì để xử lý các bãi chôn lấp này? Đồng thời, toàn tỉnh có 19 bãi chôn lấp cấp xã nếu để lâu dài các bãi rác này sẽ trở thành các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tỉnh sẽ xử lý các bãi rác này ra sao?
Ông Nguyễn Thế Phước: Hiện nay, toàn tỉnh có 4 bãi chôn lấp rác thải cấp huyện nằm trong danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Bãi rác thải thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình; bãi rác thải xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ; bãi rác thải xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên và bãi rác thải thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên.
Theo Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đến năm 2025, 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh sẽ phải hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để theo quy định.
Hiện nay bãi rác thải thị trấn Yên Bình đã dừng tiếp nhận rác, đang thực hiện xử lý ô nhiễm để đóng cửa và dự kiến sẽ hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để trong năm 2021; bãi rác thải thị xã Nghĩa Lộ cũng được khởi công, xử lý ô nhiễm trong năm 2021 và dự kiến sẽ hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để trong năm 2022.
Đối với bãi rác thải thị trấn Mậu A, đã hoàn thành Giai đoạn I của dự án xử lý, cải tạo, nâng cấp, toàn bộ rác thải đã được đưa về các ô chôn lấp, có lót đáy, thành và phủ kín bề mặt bằng bạt HDPE, bãi rác đã tạm dừng tiếp nhận rác từ năm 2018 và dự kiến tỉnh sẽ chỉ đạo tập trung thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường triệt để, đóng cửa luôn bãi rác này do đã đầu tư lò đốt CTRSH tại xã Đông Cuông để xử lý CTRSH của thị trấn Mậu A. Đối với bãi rác thải xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, đã hoàn thành Giai đoạn I của dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo, hiện nay vẫn đang tiếp nhận rác của thị trấn Cổ Phúc, thị trấn Mậu A và một số xã lân cận của huyện Trấn Yên. Dự kiến, sau khi lò đốt CTRSH tại huyện Trấn Yên được đầu tư, sẽ tiến hành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để, đóng cửa bãi rác này.
Đối với các bãi chôn lấp cấp xã, như đã nêu ở trên, sau khi hoàn thành việc đầu tư các lò đốt CTRSH theo đề án, sẽ tiến hành xử lý, đóng cửa theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!