Yên Bái: Huy động nguồn lực phát triển trường chuẩn quốc gia tại các huyện vùng cao

(Xây dựng) – Trường chuẩn quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, việc xây dựng trường đạt chuẩn theo các tiêu chí đã quy định tại các huyện vùng sâu vùng xa vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết triệt để.

yen bai huy dong nguon luc phat trien truong chuan quoc gia tai cac huyen vung cao
Điểm trường Mầm non Bãi Chè Cao của trường Mầm non Hồng Ngọc tại thôn Làng Mảnh, xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái (Ảnh: Việt Dũng).

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tỉnh Yên Bái là tỉnh miền núi luôn chú trọng đầu tư cho cơ sở vật chất, hướng đến xây dựng mạng lưới trường học đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nhận thấy cơ sở vật chất là một trong những tiêu chí đánh giá quan trọng, xác định đạt chuẩn quốc gia cho các trường học, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh luôn nỗ lực thực hiện rà soát, thúc đẩy đầu tư, hoàn thiện tiêu chí này.

Tuy nhiên, trong công cuộc thúc đẩy các trường học đạt đủ tiêu chí về chuẩn quốc gia, tỉnh Yên Bái vẫn còn gặp nhiều trở ngại, một phần vì vướng về quy định, một phần vì thiếu nguồn lực về tài chính để đầu tư phát triển.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để được công nhận đạt chuẩn quốc gia, các trường học phải đáp ứng đủ 5 tiêu chí, gồm: Tổ chức quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội và tiêu chí hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Trong những tiêu chí trên, khó khăn lớn nhất chính là xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học đầy đủ cho các trường học.

Theo kết quả cho thấy, các điểm trường chưa đạt chuẩn quốc gia thường là những điểm trường học của học sinh dân tộc dưới các chân núi thuộc huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Yên Bái như huyện Trậm Tấu, huyện Mù Cang Chải… Vì nằm khá biệt lập so với bên ngoài, giao thông đi lại trắc trở, kinh tế của huyện khó khăn, cộng với tình hình mưa lũ hàng năm gây thiệt hại, nên việc đầu tư cho hạ tầng cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, còn nhiều phòng học, phòng ở đang có dấu hiệu xuống cấp. Diện tích mặt bằng chỉ bảo đảm mức tối thiểu, phòng chức năng và các hệ thống, trang thiết bị, đồ dùng dạy học chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, nhiều trường học vẫn duy trì các điểm trường, phân tán nên việc đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn tồn tại nhiều điểm phòng tạm, phòng mượn chưa đảm bảo theo yêu cầu do đặc trưng vùng, miền có nhiều thôn, khe bản.

Cũng theo quy định về điều kiện đạt chuẩn, trường chuẩn phải có phòng học chức năng để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới có hiệu quả. Theo đó, các trường phải có phòng tin học, phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng học theo bộ môn. Bên cạnh đó, nếu muốn đạt chuẩn, các nhà trường cần xây dựng nhà hiệu bộ, công trình nhà vệ sinh cho cán bộ, giáo viên, phòng bảo vệ… Tuy nhiên, khi xét theo những tiêu chí trên, trường học tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn vẫn chưa thể đáp ứng được toàn bộ. Nhiều trường có quỹ đất để xây dựng phòng nhưng lại thiếu kinh phí đầu tư hoặc được hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa máy tính, thiết bị dạy học nhưng lại không có đủ phòng học chức năng để chứa thiết bị khiến việc xét đạt chuẩn theo những tiêu chí trên vẫn còn là khả thi.

Nguyên nhân khiến công tác đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, xây mới các phòng học, phòng chức năng theo Thông tư 13/2020/TT-BGDDT của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn là trăn trở với ngành Giáo dục tỉnh chính là về công tác huy động nguồn lực về vốn đầu tư.

Vốn là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt, đời sống còn gặp nhiều thiếu thốn với nhiều xã, thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, tỉnh Yên Bái gặp khó khi huy động các nguồn lực xã hội hóa bằng vật chất tại chỗ cho các trường học vùng sâu vùng xa.

Trong khi ngân sách của Nhà nước dành cho giáo dục đang còn nhiều hạn chế thì nguồn lực xã hội hóa có vai trò rất lớn tham gia vào việc cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, cải tạo môi trường giáo dục của các trường học. Tuy nhiên, công tác vận động nguồn lực xã hội hóa từ nhân dân, phụ huynh học sinh trong các xã để xây dựng cơ sở vật chất tại trường học chưa thực sự đạt được kết quả cao, điều này khiến việc vận động xã hội hóa hầu như lại không thực hiện được hoặc rất ít.

Theo ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái, đa số học sinh thuộc các vùng sâu vùng xa là con hộ nghèo, hộ cận nghèo, là người dân tộc thiểu số với tỷ lệ khoảng 63%. Điều kiện gia đình còn vất vả, thiếu thốn khiến nhiều phụ huynh học sinh chưa thể chủ động, tự nguyện tham gia đóng góp để tăng nguồn lực xã hội hóa.

Các trường khi đầu tư phần nhỏ như cải tạo cảnh quan trường học hay mua sắm thêm một số trang thiết bị cần thiết cho việc dạy học như máy tính, máy chiếu… thì hầu hết đều phải huy động từ các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hoặc tiết kiệm các nguồn chi khác của trường. Còn đối với công tác nâng cấp, sửa sang, xây mới trường học, lượng kinh phí để đầu tư thường mức rất lớn, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lực của ngân sách địa phương và ở các cơ sở. Ngành Giáo dục cũng như UBND tỉnh Yên Bái luôn quyết liệt trong việc tìm nguồn, tạo nguồn, kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất, huy động nguồn xã hội hóa bên ngoài để xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia nhưng việc huy động nguồn lực kinh phí khổng lồ như vậy là không hề dễ dàng.

Cũng chính vì địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên giá nguyên vật liệu xây dựng tại các địa phương vùng cao luôn cao hơn gấp nhiều lần so với vùng thấp. Nhiều nhà cung cấp nguyên vật liệu xây dựng gặp khó khi vận chuyển hàng hóa lên tới các trường học khi khoảng cách và giao thông đi lại giữa các điểm trường rất xa, hầu hết các tuyến đường chưa được bê tông hóa, còn nhiều đoạn đường đất, không thể đi xe nếu gặp trời mưa. Chi phí vận chuyển đắt đỏ, việc đi lại không thuận lợi cũng đã ảnh hưởng đến việc tỉnh Yên Bái đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Tăng cường các giải pháp

Trước những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn vẫn luôn mong muốn được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương quan tâm, tiếp tục đầu tư thiết bị cho các trường học, mở rộng đầu tư về hạ tầng, phòng học để vừa đảm bảo chất lượng dạy và học, vừa xây dựng được thêm nhiều trường đạt chuẩn quốc gia.

Thực chất, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia không chỉ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường mà còn tạo bước chuyển biến về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, góp phần đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học. Đồng thời, xây dựng trường chuẩn quốc gia đang từng bước làm thay đổi diện mạo trường học. Các trường đạt chuẩn cơ bản có cơ sở vật chất khang trang hiện đại, là môi trường học tập tốt cho học sinh, góp phần đáng kể nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Do vậy, trong những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh Yên Bái đã rất quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chú trọng đầu tư về hạ tầng, cơ sở vật chất. Xác định được tầm quan trọng của mô hình trường chuẩn quốc gia với nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển, nâng cao chất lượng công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Tại hai huyện thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, trong 5 năm thực hiện chương trình quốc gia về đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục miền núi, Trạm Tấu đã xóa được 86 lớp học tạm, xây dựng được 111 lớp học kiên cố đưa tỷ lệ lớp học kiên cố trên toàn huyện đạt 63,2%; Mù Cang Chải đã xây dựng mới 54 phòng học; 100 phòng ở bán trú, 16 bếp ăn, 37 công trình vệ sinh, 25 công trình nước sạch, mở rộng quỹ đất được 45.815 mét vuông… Cho đến thời điểm hiện tại, các huyện vùng núi đã và đang nỗ lực khắc phục những khó khăn, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đang có để phát triển trường học đạt chuẩn, tạo ra môi trường học tập đầy đủ về cơ sở vật chất cho các em học sinh.

Theo ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái, việc huy động các nguồn vốn, quản lý và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục chính là giải pháp hàng đầu để phát triển trường chuẩn quốc gia, giúp các trường học đạt tiêu chuẩn cũng như giữ chuẩn theo quy định. Ngoài việc các địa phương tự cân đối ngân sách để đầu tư cho giáo dục, hằng năm, ngân sách tỉnh cũng có sự đầu tư đáng kể cho sự nghiệp giáo dục chi cho hoạt động xây dựng, nâng cấp, tu sửa hệ thống phòng học ở các đơn vị trường.

Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu xây dựng nhiều chương trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất, với số tiền hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, nhiều địa phương còn lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường… nhằm huy động và phát huy tối đa nguồn lực từ ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp giáo dục.

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, ngành Giáo dục và Đào tạo và chính quyền các địa phương cũng tích cực huy động các nguồn lực xã hội dưới nhiều hình thức như hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp từ các đơn vị tài trợ của các doanh nghiệp, tập đoàn… để góp phần giải quyết khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục.

Đồng thời, nhằm phát huy tối đa nguồn lực về xã hội hóa, ngành Giáo dục tỉnh cũng như các đơn vị trường học làm tốt công tác thông tin tuyên truyền vận động, đồng thời công khai minh bạch sử dụng các nguồn lực này để phụ huynh học sinh tin tưởng, cùng tham gia đóng góp xây dựng trường học.

yen bai huy dong nguon luc phat trien truong chuan quoc gia tai cac huyen vung cao
Khắc phục khó khăn cho huyện, xã vùng cao để trường học sớm đạt chuẩn quốc gia là việc mà ngành Giáo dục, chính quyền tỉnh Yên Bái luôn chú trọng thực hiện (Trong ảnh: khu phòng học xây dựng kiên cố của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Cao Phạ, Mù Cang Chải).

Trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo trên cơ sở kế thừa những kết quả của Đề án giai đoạn 2016 – 2020, gắn với kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 – 2025. Tăng cường xã hội hóa, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị… đáp ứng yêu cầu phát triển về quy mô trường, lớp, nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia… Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tới các trường học trong toàn tỉnh để các trường thực hiện.

Ngành Giáo dục sẽ tham mưu với UBND tỉnh để chỉ đạo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên các nguồn lực cho các Đề án, trường thuộc địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tăng cường chỉ đạo các nhà trường sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phù hợp với chương trình học, cũng như nhu cầu của mỗi nhà trường…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích