Yên Bái: Gỡ khó các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19

(Xây dựng) – Ngày 21/8, UBND tỉnh Yên Bái hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

yen bai go kho cac doanh nghiep hop tac xa tren dia ban tinh trong boi canh dai dich covid 19
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh CTTĐT Yên Bái).

Tại hội nghị, ông Đoàn Hữu Phung – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái thông tin, trong năm 2021 dịch bệnh COVID -19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng.

Mặc dù là địa phương chưa có lây nhiệm dịch Covid-19 trong cộng đồng, xong trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn.

Trong 8 tháng năm 2021 số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện đang ngừng hoạt động là 418 doanh nghiệp, tăng 79% so với cùng kỳ, số doanh nghiệp giải thể là 28 doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ.

Cũng trong 8 tháng năm 2021 toàn tỉnh có 2 hợp tác xã giải thể, hiện có 523 hợp tác xã hoạt động theo Luật, 41 hợp tác xã ngừng hoạt động, chưa tổ chức hoạt động theo Luật, chưa giải thể theo quy định. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã nộp thuế vào ngân sách Nhà nước ước đạt trên 823 tỷ đồng, chiếm khoảng 62% tổng thu cân đối trên địa bàn, tăng gần 15% so với cùng kỳ.

Hiện toàn tỉnh có trên 42.000 người lao động trong các doanh nghiệp và 28.000 thành viên trong các hợp tác xã. Số người bị mất việc làm giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tháng 8 là 2.360 người, tăng 9,5% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân do dịch COVID -19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu. Việc thông thương hàng hóa bị hạn chế dẫn đến nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào doanh nghiệp bị thiếu, nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp đầu ra cho sản phẩm. Việc vận chuyển giao thương hàng hóa giữa các địa phương cũng bị hạn chế do dịch bệnh bùng phát.

Cùng với đó, các đại biểu đã thảo luận nêu lên khó khăn mà các doanh nghiệp, hợp tác xã đang gặp phải. Từ đó, đưa ra các đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã để duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua đại dịch và hoành thành các chỉ tiêu đề ra.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Trần Huy Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã ghi nhận những cố gắng, nỗ lực cũng như kết quả mà các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đạt được trong thời gian vừa qua. Mặc dù đại dịch COVID -19 đã và đang diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, song 8 tháng năm 2021 toàn tỉnh đã thành lập mới được 209 doanh nghiệp và 63 hợp tác xã, tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, du lịch, thương mại, vận tải…

Chủ tịch UBND tỉnh cam kết UBND tỉnh sẽ luôn đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, doanh nhân và các thành phần kinh tế; nỗ lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên tinh thần an toàn trước dịch bệnh. Triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp thu đầy đủ, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả các kiến nghị, đề nghị cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Sở Công Thương tiếp tục tham mưu thực hiện tốt các giải pháp về lưu thông hàng hóa, bảo đảm cung cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối tiêu thụ hàng hóa và mở rộng thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu…

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp khẩn trương tiêm vắc xin cho các đối tượng ngay khi được Bộ Y tế cấp vắc xin theo Kế hoạch của UBND tỉnh. Triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, thực hiện miễn, giảm lãi suất cho vay, kéo dài thời hạn cho vay, giãn kỳ hạn trả nợ và triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo quy định.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích