Yên Bái cần ngăn chặn cháy rừng từ đốt nương tự phát

Yên Bái cần ngăn chặn cháy rừng từ đốt nương tự phát

Yên Bái hiện có trên 434.646 ha đất có rừng; tỷ lệ che phủ rừng duy trì 63%; trong đó, diện tích rừng có nguy cơ cháy cao tập trung ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh.

Thời gian qua, tuy ngành chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền và hướng dẫn người dân các phương án an toàn khi đốt thực bì nương rẫy, đốt bãi chăn thả nhưng tình trạng cháy rừng xuất phát từ nguy cơ này trên địa bàn Yên Bái vẫn diễn ra phổ biến.

tm-img-alt
Lực lượng kiểm lâm huyện Mù Cang Chải tham gia chữa cháy rừng

Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ cháy trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp. Trong đó, có 8 vụ cháy gây thiệt hại về rừng gồm: huyện Trạm Tấu 5 vụ; huyện Mù Cang Chải 5 vụ; huyện Văn Yên 2 vụ; thị xã Nghĩa Lộ 1 vụ; khu vực giáp ranh giữa Làng Mảnh, xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu và thôn Pín Pé, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn 1 vụ. Tổng diện tích rừng thiệt hại khoảng 29,65 ha; trong đó, 21,8 ha rừng tự nhiên và 7,85 ha rừng trồng.

Yên Bái hiện có trên 434.646 ha đất có rừng; tỷ lệ che phủ rừng duy trì 63%; trong đó, diện tích rừng có nguy cơ cháy cao tập trung ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh. Để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngay trước mùa khô hanh, Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng phương án PCCCR sát với tình hình thực tế địa phương; thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững từ tỉnh đến cơ sở, củng cố lại các tổ đội xung kích bảo vệ rừng, PCCCR.

Đặc biệt, để nâng cao nhận thức của người dân và chủ rừng, lực lượng kiểm lâm các địa phương trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền cơ sở, các hội, đoàn thể cấp xã thường xuyên cử cán bộ đến địa bàn hướng dẫn, tuyên truyền về công tác PCCCR; lồng ghép với các cuộc họp dân để tuyên truyền quy định, chính sách liên quan đến rừng, cách PCCCR, đốt nương, làm đường băng cản lửa; ký cam kết với các hộ dân về PCCCR. Đặc biệt, tại các địa bàn trọng điểm như: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, công tác PCCCR được triển khai rất quyết liệt.

Ông Trần Xuân Dưỡng – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải cho biết: “Toàn huyện có trên 60.152 ha rừng tự nhiên và trên 20.729 ha rừng trồng, độ che phủ đạt 67,35%. Để chủ động các biện pháp PCCCR, đơn vị chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn tăng cường bám sát cơ sở, tham mưu với chính quyền địa phương các xã làm tốt công tác PCCCR, rà soát, thống kê diện tích nương rẫy trên địa bàn có khả năng gây cháy lan cao nhằm chủ động các biện pháp phòng chống cháy rừng. Duy trì chế độ trực các chòi canh lửa tại các điểm cao để chủ động phát hiện lửa rừng trong mùa khô hanh”.

Tuy ngành chức năng và chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra các vụ cháy rừng… Nguyên nhân chủ yếu là do người dân đốt nương, đốt bãi chăn thả gây cháy lan vào rừng. Xuất phát từ các vụ cháy rừng xẩy ra trên địa bàn thời gian qua cho thấy ý thức của người dân vận còn hạn chế, chưa nhận thức được hậu quả của việc đốt nương trong thời tiết khô hanh kéo dài.

Để chủ động PCCCR, giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy và đặc biệt là phải có biện pháp dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.

Ngành kiểm lâm tăng cường cán bộ kiểm lâm xuống các vùng trọng điểm về cháy rừng để tham mưu với cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện công tác PCCCR kiểm tra, rà soát kỹ các phương án PCCCR cấp huyện, cấp xã và từng chủ rừng trên địa bàn; xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để bố trí các nguồn lực phù hợp theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng và cháy lớn; đặc biệt sau khi có cháy rừng xảy ra phải kịp thời chỉ đạo điều tra, xác định và làm rõ nguyên nhân, mức độ rừng bị thiệt hại và truy tìm đối tượng gây ra cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích