Yên Bái: 430 cơ sở vi phạm không bảo đảm an toàn thực phẩm
Yên Bái: 430 cơ sở vi phạm không bảo đảm an toàn thực phẩm
Theo các lực lượng chức năng của tỉnh Yên Bái trong 6 tháng đầu năm, qua thanh tra, kiểm tra trên 3.400 cơ sở, các cơ quan chức năng đã phát hiện 430 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm.
Theo đó, 6 tháng đầu năm, qua thanh tra, kiểm tra trên 3.400 cơ sở, các cơ quan chức năng đã phát hiện 430 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó có 113 cơ sở bị xử lý phạt với số tiền trên 423 triệu đồng; 45 cơ sở bị tiêu hủy 760 loại sản phẩm; 317 cơ sở vi phạm bị nhắc nhở.
Các lực lượng chức năng của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai các hoạt động kiểm tra liên ngành trong các đợt cao điểm, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm.
Các hành vi chủ yếu là vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, không bảo đảm an toàn trong bảo quản thực phẩm, không đăng ký kiểm dịch vận chuyển động vật thuộc diện phải kiểm dịch ra khỏi địa bàn cấp tỉnh…
Các đoàn kiểm tra, thanh tra đã tuyên truyền nhắc nhở chủ cơ sở yêu cầu khắc phục ngay những tồn tại và yêu cầu cơ sở tiêu hủy tại chỗ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng.
Cùng với việc xử phạt hành chính, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã kiên quyết xử lý tiêu hủy đối với sản phẩm không đảm bảo an toàn.
Vệ sinh an toàn thực phẩm được hiểu là tất cả điều kiện, biện pháp cần thiết từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, vận chuyển cũng như sử dụng nhằm bảo đảm cho thực phẩm sạch sẽ, an toàn, không gây hại cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm như: kiểm tra giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm cho các sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh; giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, đặc biệt chỉ đạo các trung tâm y tế tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm và việc tăng cường triển khai công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Người dân đã biết cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị