Ý nghĩa đo lường mức Sigma trong tăng năng suất

Đây là hệ thống phương pháp quản lý chất lượng, bao gồm các phương pháp thống kê, tạo ra một nền tảng kiến thức đặc biệt cho những người quản lý trong tổ chức. Mỗi dự án của một tổ chức áp dụng 6 Sigma theo các bước xác định và phải định lượng ra được các mục tiêu, ví dụ: giảm thời gian sản xuất, mức độ thỏa mãn của khách hàng, giảm chất thải gây ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất và/hoặc nâng mức lợi nhuận. Mức Sigma đo năng lực quá trình như đã đề cập ở phần trước, mức Sigma cho ta thấy được năng lực quá trình. Mức Sigma càng cao thì số khuyết tật càng ít, điều đó tương đương với chi phí sản xuất càng thấp và lợi nhuận càng cao. 

6 Sigma giúp nhận diện và loại bỏ nguyên nhân gây lỗi, khuyết tật và giảm thiểu tối đa sự dao động trong sản xuất và kinh doanh.

Khi tính mức Sigma sẽ cho thấy các ý nghĩa sau:

Bắt đầu từ khách hàng: Khi xác định mức Sigma, bước đầu tiên là cần làm rõ yêu cầu của khách hàng và chuyển được các yêu cầu này thành quy định chất lượng cụ thể. Hệ thống Sigma giúp công ty thiết lập hệ thống đo lường quá trình xác định và thực hiện yêu cầu của khách hàng. 

Công ty có một hệ thống đo lường giám sát nhất quán: Với việc tập trung vào các khuyết tật và cơ hội xảy ra khuyết tật, đo lường mức Sigma có thể được sử dụng để đo lường và so sánh sự khác nhau giữa các quá trình trong toàn bộ công ty – hoặc giữa các công ty với nhau. Một khi công ty đã xác định được yêu cầu của khách hàng một cách rõ ràng, công ty có thể xác định định nghĩa “khuyết tật” và đo lường gần như toàn bộ hoạt động hay quá trình kinh doanh.

Dưới đây là một vài ví dụ về khuyết tật: Lỗi ấn loát văn bản; Thời gian giữ cuộc gọi quá lâu ở trung tâm chăm sóc khách hàng; Giao hàng chậm; Các chuyến vận chuyển không hoàn thành; Sai lỗi về nguyên liệu; Ngừng máy vì thiếu năng lượng; Sai lỗi về hệ thống; Thiếu các linh kiện thay thế; Các sửa chữa sau khi bán hàng; Thêm chi phí vì kết quả kiểm tra thiếu nhất quán.

Liên kết tất cả hoạt động cơ sở theo một mục tiêu lớn: 6 Sigma hướng toàn bộ công ty tập trung vào việc thực hiện mục tiêu cuối cùng là đạt được mức độ chất lượng với chỉ số DPMO là 99,9997%. Tiếp cận biện pháp đo lường 6 Sigma – tức là công ty đầu tư và nỗ lực trong việc tạo ra một “ngôn ngữ đo lường” chung trong toàn bộ hoạt động của công ty.

Ý nghĩa đo lường mức Sigma trong tăng năng suất

6 Sigma không phải giá trị dùng để so sánh mà là một phương pháp, cách tiếp cận để vươn tới chất lượng cao nhất cho khách hàng.

Để làm sáng tỏ khái niệm và ý nghĩa của mức Sigma, chúng ta tham khảo ví dụ về một cửa hàng giao bánh Pizza: Một khách hàng lớn của cửa hàng đòi hỏi phải giao bánh còn nóng tại địa điểm của khách hàng vào lúc 12 giờ, được phép dao động trong khoảng từ 11 giờ 45 phút tới 12 giờ 15 phút. Nếu cửa hàng giao hàng sớm hơn khoảng thời gian này thì sẽ phải chờ đợi vì không có ai tiếp nhận và vì quá sớm nên bánh sẽ bị nguội và ngược lại, nếu giao sau thời gian này cũng quá giờ ăn của khách nên cả hai trường hợp, sớm và muộn đều bị giảm giá 50%.

Như vậy có thể nói, nếu cửa hàng giao hàng ngoài khoảng thời gian cho phép 11 giờ 45 phút đến 12 giờ 15 phút thì đều coi là lỗi giao hàng. Giả sử cửa hàng đạt hiệu suất 70% tức là cứ 100 đợt giao hàng sẽ có 70 lần đạt yêu cầu, tương ứng với quá trình giao hàng đạt 2 Sigma. Nếu hiệu suất là 93%, quá trình giao hàng ở mức 3 Sigma. Nếu cố gắng có nhiều cải tiến bố trí hợp lý hóa nhân lực và phương tiện vận chuyển và đạt hiệu suất tới 99,4% thì quá trình giao hàng ở mức 4 Sigma. Nếu cửa hàng muốn đạt mức độ là 6 Sigma, cửa hàng phải đạt hiệu suất là 99,9997%.

Ở đây, mức Sigma chỉ có ý nghĩa nếu tính theo một yêu cầu cụ thể của khách hàng. Giả sử cửa hàng đang làm rất tốt ở mức độ 6 Sigma theo yêu cầu của khách hàng là giao hàng trong khoảng 11 giờ 45 phút – 12 giờ 15 phút, nếu khách hàng thay đổi yêu cầu mới là phải giao trong khoảng 11 giờ 55 – 12 giờ 5 phút thì rõ ràng quá trình giao hàng của cửa hàng không còn ở mức 6 Sigma nữa. Điều này có nghĩa là, mức sigma được tính dựa trên yêu cầu của khách hàng, nếu yêu cầu của khách hàng thay đổi, khả năng cung cấp của quá trình không thay đổi thì mức Sigma sẽ bị thay đổi.

Như vậy, con số mức Sigma là giá trị tương đối và cũng không sử dụng để so sánh mức chất lượng của hai tổ chức khác nhau với lĩnh vực khác nhau, khách hàng khác nhau và mục tiêu khác nhau. Có thể hiểu 6 Sigma không phải một giá trị dùng để so sánh mà là một phương pháp, một cách tiếp cận để vươn tới chất lượng cao nhất cho khách hàng.

Nam Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích