Ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Bản Tuyên ngôn đã thể hiện mạnh mẽ ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.” Trải qua 76 năm, Tuyên ngôn Độc lập vẫn mang tính thời sự sâu sắc cả trên bình diện trong nước và quốc tế.
Quyền con người gắn liền với quyền dân tộc
Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu, phản ánh đầy đủ nhất, sâu sắc nhất quan điểm triết học, quan điểm chính trị và cả quan điểm nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó chứa đựng cả những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc.
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.” CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH |
Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791.
Từ việc đề cập đến quyền của con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã khéo léo phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ về quyền của các dân tộc. “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.”
Đông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945. (Ảnh: TTXVN) |
Người đã đi từ khái niệm con người sang khái niệm dân tộc một cách tổng quát và đầy thuyết phục, khẳng định quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc.
Nghiên cứu về Tuyên ngôn Độc lập, Giáo sư Shingo Shibata (Nhật Bản) cho biết “cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình.”
Bởi vậy, có thể nói Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 không chỉ là tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn là tuyên ngôn về quyền con người, quyền của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Và việc nâng tầm quyền con người lên thành quyền dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một cống hiến về nguyên lý lý luận của Người vào kho tàng tư tưởng nhân quyền của nhân loại.
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”
Quyền độc lập dân tộc, quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc là những giá trị cơ bản nhất của nhân quyền. Nhưng dưới chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam, những quyền đó bị tước bỏ và chà đạp. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án đanh thép tội ác của thực dân Pháp “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.”
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
“Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do, dân chủ nào… Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước, thương nòi. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của nhân dân trong những bể máu… Về kinh tế, chúng bóc lột công nhân, nông dân đến tận xương tủy… Chúng cướp không ruộng đất, rừng mỏ, nguyên liệu… Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho nhân dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng…”
Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam đã đứng lên đánh đuổi thực dân, phong kiến và đế quốc, giành lại độc lập, tự do và quyền con người. Như vậy, nhân quyền ở Việt Nam không phải là giá trị do ai ban phát mà là kết quả của cuộc đấu tranh trường kỳ của nhân dân Việt Nam.
Cuộc đấu tranh đó đã làm cho “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.”
Với hệ thống lập luận chặt chẽ, sắc bén, lời lẽ đanh thép, đầy sức thuyết phục gói gọn trong hơn 1.000 chữ, Tuyên ngôn Độc lập là một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, đặt cơ sở cho việc thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam với mục tiêu Độc lập-Tự do-Hạnh phúc. |
Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam” đồng thời nhấn mạnh, “các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.”
Kết thúc bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”
Với hệ thống lập luận chặt chẽ, sắc bén, lời lẽ đanh thép, đầy sức thuyết phục gói gọn trong hơn 1.000 chữ, Tuyên ngôn Độc lập là một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, đặt cơ sở cho việc thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam với mục tiêu Độc lập-Tự do-Hạnh phúc; soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt sau phiên họp đầu tiên, sáng 3/9/1945. (Ảnh: TTXVN) |
Mãi trường tồn với thời gian
76 năm đã trôi qua, nhưng những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập về quyền con người, quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do, vẫn vẹn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đặc biệt, những giá trị về quyền con người do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng trong Tuyên ngôn Độc lập là những giá trị bất hủ. Từ đó đến nay, nhân dân Việt Nam đã không ngừng phấn đấu cho quyền con người và đạt được nhiều kết quả tích cực, rất quan trọng.
76 năm đã qua, tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, chân lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn luôn ngời sáng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất, bảo vệ và thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và luật. Với những thành tựu về việc bảo đảm quyền con người (cả trên lĩnh vực đối nội và đối ngoại), Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016).
76 năm đã trôi qua, nhưng những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập về quyền con người, quyền dân tộc vẫn vẹn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. |
Kể từ ngày bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời đến nay, vị thế đất nước đã có nhiều đổi thay, lời thề lịch sử “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” luôn rọi sáng mọi trái tim, khối óc của người Việt Nam yêu nước trên mọi vùng, miền của Tổ quốc và định cư ở nước ngoài.
Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn của toàn dân tộc, giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, giành được những thành tựu to lớn trong đấu tranh thống nhất đất nước, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, sau gần 35 năm tiến hành đổi mới, nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7%/năm, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên; tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa và công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực; Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam dần được cải thiện, hiện đang thuộc nhóm trung bình cao và đứng thứ 118/189 quốc gia (năm 2019); mức sống chung của người dân từng bước được nâng lên.
Trên khắp phố, phường của Thủ đô Hà Nội được trang hoàng rực rỡ cờ, hoa, băng rôn, ápphích…chào mừng Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN) |
Cùng với đó, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia trên thế giới; gia nhập và tích cực xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN; tham gia có hiệu quả các liên kết kinh tế khu vực và quốc tế trên nhiều cấp độ.
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện./.
Nguồn: Báo xây dựng