Xuôi ngược kênh xáng Xà No khám phá đời sống cư dân xứ ngàn và nghe kể chuyện huyền thoại con đường lúa gạo miệt Hậu Giang

(Xây dựng) – UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành Công văn số 2015/UBND-NCTH về việc lập phương án khai thác Tàu du lịch trên tuyến kênh xáng Xà No. Theo Công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất chủ trương thuê đơn vị tư vấn lập phương án khai thác Tàu du lịch trên tuyến kênh xáng Xà No theo đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang, du lịch trên tàu tuyến kênh xáng Xà No đi làng khóm Cầu Đúc – Khu căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, khu nghỉ chân, ẩm thực, mua quà lưu niệm tại thành phố Vị Thanh là sản phẩm du lịch làm điểm nhấn trong giai đoạn 2021 – 2025 vươn tầm khu vực và cả nước của tỉnh Hậu Giang.

xuoi nguoc kenh xang xa no kham pha doi song cu dan xu ngan va nghe ke chuyen huyen thoai con duong lua gao miet hau giang
Kênh xáng Xà No đoạn qua thành phố Vị Thanh.

Du khách về miệt Hậu Giang mà không du thuyền xuôi ngược kênh xáng Xà No để trải nghiệm khám phá đời sống cư dân xứ ngàn và nghe kể chuyện huyền thoại con đường lúa gạo miệt Hậu Giang thì thật nuối tiếc.

Kênh xáng Xà No có chiều dài 39km, rộng 60m, dưới đáy 40m, bắt nguồn từ sông Cần Thơ (Vàm Xáng, Phong Điền) đến Cái Tư (một nhánh sông Cái Lớn) ăn thông tới vịnh Thái Lan. Trải qua biến thiên thời cuộc, kênh xáng Xà No hơn trăm năm tuổi vẫn đang xuôi dòng chảy ra biển lớn, huyền thoại con đường lúa gạo miệt Hậu Giang.

Theo nhà văn Sơn Nam, trong sách “Lịch sử khẩn hoang Nam bộ” thì kênh xáng Xà No có một lịch sử khá lâu đời và hấp dẫn. Con kênh này được đào do sáng kiến của hai đại điền chủ người Pháp là Duval và Guéry. Năm 1900, hai nhân vật này đã vận động toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cho đào kênh Xà No để tạo thuận tiện cho việc làm ăn của họ. Nhà văn Sơn Nam cho biết, Xà No bắt đầu từ tên gọi Srock Snor tức là xóm cây điên điển. Còn theo những người lớn tuổi ở địa phương cho biết tên gọi Xà No được đọc trại từ tên của người Pháp chỉ huy xáng múc con kênh này là Saint-Tanoir.

Theo sử sách, vào cuối thế kỷ XIX, Pháp sau khi ổn định bộ máy cai trị ở Nam Kỳ đã sớm nhận ra tiềm năng to lớn với vai trò vựa lúa Đông Dương của miệt Hậu Giang. Họ đã tiến hành các đợt khảo sát, lập kế hoạch khai thác vùng đất ngập nước, nhiễm phèn, nhiễm mặn này. Một trong những kế hoạch khai phá lớn mang tính mở đường là đào kênh, lập chợ phố, đắp lộ xe. Kênh xáng Xà No ra đời trong việc thực thi kế hoạch đó, “là công trình lớn lao đầu tiên của Nam Kỳ về đường thủy, có thể so sánh với việc thiết lập đường xe lửa Sài Gòn, Mỹ Tho về đường bộ. Kỹ thuật Tây phương đã biểu diễn với tất cả sức mạnh và hiệu năng”.

xuoi nguoc kenh xang xa no kham pha doi song cu dan xu ngan va nghe ke chuyen huyen thoai con duong lua gao miet hau giang
Ông Stiermann Martin, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng RiceField Logde lái ca nô khảo sát tuyến du lịch kênh xáng Xà No.

Để đào kênh xáng Xà No, đại điền chủ người Pháp đã sử dụng 4 chiếc xáng, mỗi chiếc mạnh 350 mã lực, mỗi gàu múc 375 lít, thổi bùn xa đến 60m. Xáng hoạt động vận hành bằng hơi nước qua nồi sốt-de đốt bằng củi. Người ta kể lại rằng, lúc xáng thổi bùn lên bờ, có rất nhiều người dân chạy theo dùng thúng hứng, lược bùn để kiếm vàng, nhưng chỉ gặp… xương người và xương thú! Hồi ấy, phí tổn công trình trên 3,6 triệu quan Pháp. Buổi lễ khánh thành kênh Xà No có cả Toàn quyền Đông Dương tới dự và có tổ chức tiệc dạ vũ linh đình.

Kênh xáng Xà No hoàn thành, công trình dẫn thủy nhập điền đã khai thông, vùng đất hoang hóa phèn chua nước mặn miệt Hậu Giang đã trở thành những cánh đồng cò bay thẳng cảnh, lúa gạo phì nhiêu. Kênh xáng Xà No không chỉ tiêu thoát nước cho khoảng 40.000ha thuộc miệt Hậu Giang, mà còn phục vụ cho người dân đến khai hoang, sản xuất và sinh sống. Người dân khắp nơi kéo về xứ ngàn để định cư lập nghiệp (gọi xứ ngàn là trên trục xương sống của kênh xáng cứ cách 500m xẻ một kênh nhỏ; cách 1.000m đào con kênh lớn hơn, các trục kênh mang tên ngàn, bắt đầu Một Ngàn, Hai Ngàn… đến Mười Bốn Ngàn). Đây là trục kênh rất quan trọng cho việc hình thành các tụ điểm giao lưu kinh tế, văn hóa – xã hội và tạo nên huyết mạch giao thương lúa gạo. Từ đó, dọc hai bên bờ kênh xáng Xà No hình thành các đồn điền, các cụm chế biến, xay xát lúa gạo ở chợ Cái Răng (Cần Thơ), phía đầu kênh xáng Xà No dọc dài kênh xáng đến chợ Bảy Ngàn (Hậu Giang). Ngành công nghiệp xay xát lúa gạo, hoạt động giao thương trở nên sôi động. Theo số liệu năm 1899, Nam Kỳ chỉ xuất cảng được 500.000 tấn lúa gạo. Thế nhưng khi có kênh xáng Xà No, miệt Hậu Giang đã đóng góp tới 0,9 triệu tấn gạo trong tổng số 1,3 triệu tấn gạo xuất cảng năm 1908 của toàn Nam Kỳ, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới thời bấy giờ.

Hôm nay, du thuyền xuôi ngược trên kênh xáng Xà No chắc hẳn du khách sẽ cảm thấy nhiều thú vị. Từ sông Cần Thơ xuôi theo dòng kênh xáng Xà No đến Hậu Giang sẽ được nghe kể về dòng sông huyền thoại con đường lúa gạo miệt Hậu Giang. Khi người Pháp chiếm lục tỉnh Nam Kỳ, đã lập nhiều đồn điền lúa gạo. Ở miệt Hậu Giang, họ đã đào kênh dẫn thủy nhập điền và đào kênh vận chuyển lúa gạo. Một trong những con kênh đào vận chuyển lúa gạo nổi tiếng của đầu thế kỷ ở miệt Hậu Giang là kênh xáng Xà No.

Du khách sẽ được bồng bềnh trên sông nước khám phá đời sống cư dân xứ ngàn, để tìm hiểu vì sao có tên gọi Một Ngàn, Bốn Ngàn, Bảy Ngàn, Mười Bốn Ngàn Rưỡi, hay các địa danh Ba Ngàn Rưỡi, Bốn Ngàn Rưỡi… Du khách có dịp trải nghiệm khám phá chợ chồm hổm. Gọi chợ chồm hổm vì đây là chợ quê không có sạp, kệ trưng bày hàng hóa để bán mà đa số là “cây nhà lá vườn”, do nông dân làm ra, bắt được con cá, con tôm, trồng được trái mướp, trái bầu, trái bí, dưa leo, hái được mớ rau vườn… rồi đem ra đây tụ họp bán những thứ nông sản của mình nhóm lại như chợ, những người buôn bán chỉ ngồi chồm hổm nên người ta gọi chợ chồm hổm là vậy. Chợ chồm hổm thường nhóm chợ từ sáng sớm đến trưa nắng lên là tan chợ.

xuoi nguoc kenh xang xa no kham pha doi song cu dan xu ngan va nghe ke chuyen huyen thoai con duong lua gao miet hau giang
Công viên bên bờ kênh xáng Xà No.

Xuôi theo dòng kênh xáng Xà No sẽ đến thành phố Vị Thanh bên dòng kênh xáng thơ mộng, nơi đã từng nổi tiếng trung tâm tỉnh lỵ Chương Thiện (bà Trần Lệ Xuân vợ của Ngô Đình Nhu, đệ nhất phu nhân đã lấy tên cha Trần Văn Chương đặt tên cho tỉnh Chương Thiện), là cửa ngõ U Minh, hòng thực hiện kế hoạch bình định Chương Thiện, “nhổ cỏ U Minh”- Trung ương cục miền Nam. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị phá sản hoàn toàn. 75 lượt tiểu đoàn địch trên chiến trường Chương Thiện đã bị đánh bại. Hôm nay, đến Vị Thanh du khách có dịp dừng chân tham quan những chiến tích tại Khu di tích lịch sử chiến thắng Chương Thiện, di tích quốc gia đặc biệt, bên dòng kênh xáng Xà No nhộn nhịp tàu ghe xuôi ngược.

Xuôi về gần cuối dòng kênh xáng Xà No du khách được trải nghiệm với xứ khóm Cầu Đúc. Ðến Hậu Giang chưa đến vùng khóm Cầu Ðúc xem như chưa biết Hậu Giang, có du khách đã nói như vậy! Hậu Giang được thiên nhiên ban tặng vùng khóm Cầu Ðúc – đặc sản nổi tiếng của miệt vườn sông nước miền Tây. Theo những lão nông, khóm Cầu Ðúc đã có mặt tại Hỏa Tiến – Vị Thanh từ thập niên 30 của thế kỷ XX. Ban đầu chỉ có một vài hộ trồng nhưng sau đó thấy khóm ngon, dễ trồng nên người dân địa phương nhân giống trồng dọc theo bờ sông Cái Lớn. Lúc bấy giờ, xã Hỏa Tiến có một cây cầu đúc xi măng do Pháp xây dựng bắc qua sông Cái Lớn. Hàng ngày, bà con mang khóm ra bán dưới chân cầu, thương lái từ khắp nơi đến cũng tập kết tại đó. Lâu ngày thành một cái chợ nhỏ và cái tên khóm Cầu Ðúc cũng ra đời từ đó. Dẫu “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh” nhưng khóm Cầu Ðúc vẫn tồn tại đến nay hơn 90 năm nay. Năm 2006, khóm Cầu Ðúc đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa “Khóm Cầu Ðúc Hậu Giang”. Hiện nay, Hậu Giang có hơn 2.500ha khóm, với sản lượng hơn 36.000 tấn.

Khóm Cầu Ðúc thuộc giống Queen (nữ hoàng) nổi tiếng là đặc sản của Hậu Giang. Theo nhiều du khách, do đặc thù của thổ nhưỡng đất phèn tơi xốp nên khóm ở khu vực này trái to, cùi nhỏ, xơ thưa, ít nước, ăn giòn và vị ngọt thanh, ít rát lưỡi. Khóm gọt vỏ xong có màu vàng rất bắt mắt, hương vị ngọt thơm và ăn rất ngon miệng. Ðặc biệt, trái khóm Cầu Ðúc có thể để khoảng 10 – 15 ngày mà không hư.

Du khách tham quan trải nghiệm khóm Cầu Ðúc sẽ tận mắt thấy những cánh đồng khóm bạt ngàn ngay hàng thẳng lối, rất đẹp. Từ lâu nay, khóm Cầu Ðúc là điểm đến du lịch sinh thái cộng đồng Hậu Giang. Du khách có thể tham quan khám phá tìm hiểu cách trồng và thu hoạch khóm Cầu Ðúc. Hấp dẫn hơn là thưởng thức hương vị khóm Cầu Ðúc với nhiều món ngon, lạ như: bánh xèo củ hủ khóm, gà hấp khóm, la gu khóm, canh chua khóm với cá lóc, hay khóm kho với cá he, ba rọi xào khóm, sườn heo xào chua ngọt với khóm. Hay ăn khóm tươi, uống nước ép khóm… sẽ sảng khoái, đầy năng lượng.

xuoi nguoc kenh xang xa no kham pha doi song cu dan xu ngan va nghe ke chuyen huyen thoai con duong lua gao miet hau giang
Khóm Cầu Đúc.

Ông Stiermann Martin, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng RiceField Logde (xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ), từng cầm lái lái ca nô đưa khách dạo tour chợ nổi Phong Điền – chợ nổi Cái Răng – kênh xáng Xà No rất thích thú với tour này, cho rằng: “Kênh xáng Xà No rất lớn, đẹp, nổi tiếng, nhiều tàu lớn đi lại, nhiều người biết qua Internet nhưng chưa biết trong lĩnh vực du lịch. Với những điều kiện tự nhiên sông nước, kinh tế nông nghiệp, thương mại, văn hóa, lịch sử, con người thân thiện và những dự định làm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng của chính quyền tỉnh Hậu Giang, tiềm năng làm du lịch dọc tuyến kênh xáng Xà No là rất lớn”.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích