Xuất khẩu tôm quý III/2021 sẽ chậm lại do tình hình dịch Covid – 19?
Dịch Covid – 19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam khiến Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam phải áp dụng Chỉ thị 16, việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động xuất khẩu thủy sản cũng tác động.
Tuy nhiên, khi dịch được khống chế thành công, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trở lại do nhu cầu thị trường thế giới ở mức cao và sản phẩm của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhất định với những ưu đãi về thuế từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết hiện nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu cao do bị thiếu hụt nguồn cung từ Việt Nam trong thời gian giãn cách.
Dù có những trở ngại, song đường đi cho con tôm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn khá rộng, bởi hàng năm việc xuất khẩu tôm của Việt Nam thường tăng mạnh từ giữa quý III và sang quý IV.
VASEP dự báo, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, giá tôm nguyên liệu sẽ phục hồi. Theo dự báo của một chuyên gia ngành tôm, các nước cung ứng tôm chế biến sâu cũng đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn do Covid – 19 (như Thái Lan, Indonesia) nên sắp tới tôm chế biến sâu sẽ tăng giá khá tốt.
Để đảm bảo được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm trong những tháng tiếp theo, việc đảm bảo ổn định hoạt động nuôi tôm là rất cần thiết.
“Vấn đề hiện nay là các tỉnh ven biển ĐBSCL có giải pháp mở rộng “vùng xanh” an toàn để tăng diện tích nuôi tôm; tăng thêm các nhà máy sản xuất “3 tại chỗ”; tạo điều kiện thuận lợi trong thu hoạch, mua bán, vận chuyển tôm từ ao nuôi đến nhà máy nhanh hơn, mà vẫn đảm bảo quy định phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, ngành tôm cũng như ngành thủy sản nói chung cần đảm bảo việc tiêm vắc xin cho 100% công nhân”, VASEP nhận định.
Về sản lượng tôm các loại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo quý III sẽ tăng mặc dù dịch Covid- 19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam.
Tuy nhiên, bước sang quý IV, VASEP cho rằng tình hình đi lại khó khăn giữa các địa phương, nên hoạt động thả nuôi vụ hai có xu hướng trầm lắng do đó có thể thiếu nguyên liệu tôm trầm trọng và giá tiêu thụ sẽ tăng khá mạnh, nhất là tôm cỡ lớn.
Sản lượng tôm các loại của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 392 nghìn tấn. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước giảm so với đầu năm 2021 do nhu cầu dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh, nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá tôm sú tăng 28 – 30% so với cùng kỳ năm 2020, giá tôm thẻ tăng 18 – 20%.
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tôm nửa đầu năm 2021 đạt 191 nghìn tấn, trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù Việt Nam và nhiều quốc gia bị tác động bởi dịch Covid – 19, nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt khi nhu cầu nhập khẩu tôm của nhiều thị trường trên thế giới tăng, đặc biệt ở những thị trường lớn.
Bên cạnh đó, lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA cũng là yếu tố hỗ trợ xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Theo cam kết từ các hiệp định, một số chủng loại tôm của Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trường này được hưởng ưu đãi về thuế theo lộ trình đã cam kết.
Xem bài: Xuất khẩu tôm quý III/2021 sẽ chậm lại do tình hình dịch Covid – 19?
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu