Xuất khẩu khởi sắc, ngành rau quả tiếp tục tăng mạnh

Về xuất khẩu, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy chỉ trong 15 ngày đầu tháng 7, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 16 tỷ USD. Trong đó, có tới 4 nhóm hàng vượt mốc 1 tỷ USD trở lên, bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hàng dệt may.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 7 này đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm ước đạt hơn 207 tỷ USD, đánh dấu mức tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam đánh giá, sự phục hồi dần dần của nhu cầu bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đã được hiện thực hóa kể từ cuối năm 2023 và đang có tác động tích cực mạnh mẽ đến lĩnh vực sản xuất. Thương mại toàn cầu đang thực sự tăng tốc nên lượng đơn hàng sẽ đổ về Việt Nam nhiều.

Nhập khẩu cũng đạt được những con số ấn tượng khi tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái, cán mốc gần 200 tỷ USD tính từ đầu năm tới giữa tháng 7. Phía Hải quan cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Đây là tín hiệu cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tích cực hơn nữa trong thời gian tới.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc doanh nghiệp đang tăng cường hoạt động sản xuất và mua hàng khi nhận thấy số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên. Và quan trọng nhất, họ cũng bắt đầu tăng số lượng nhân viên để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Những thông tin này đang cho thấy sự phục hồi tích cực đối với nền kinh tế, mức tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng thể hiện rõ sức mua của các thị trường đang tăng lên, đây là cơ hội để doanh nghiệp tiếp tục gia tăng sản xuất để đáp ứng đơn hàng từ nay tới cuối năm.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 377 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm ngoái.

Xuất khẩu khởi sắc, ngành rau quả tiếp tục tăng mạnh.

Bối cảnh thị trường lớn, nhất là các quốc gia lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… đẩy mạnh thu mua đã giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt hơn 3,8 tỷ USD trong 7 tháng. Dựa trên thông tin từ phía Hải quan và tính toán từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, con số xuất khẩu của ngành rau quả tăng trên 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp trong ngành cho biết, sầu riêng, chuối và thanh long là những sản phẩm chính đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm nay.

Xét theo thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất rau quả từ nước ta, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ. Sầu riêng vẫn là loại quả được thị trường yêu thích nhất.

Tây Nguyên là vùng trồng sầu riêng lớn nhất cả nước, khi khu vực này bước vào vụ thu hoạch rộ sẽ thúc đẩy kim ngạch của những tháng sắp tới tăng mạnh. Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt giá trị cao nhất vào thời điểm tháng 9 và 10, với giá trị gần nửa tỉ đô la mỗi tháng.

Theo dự báo từ phía đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam, trong những tháng sắp tới xuất khẩu sầu riêng nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng mạnh giúp ngành rau quả hoàn thành mục tiêu từ 6,5 – 7 tỷ USD.

Hiện tại, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất đàm phán kỹ thuật và đang trong tiến trình ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh từ nước ta sang thị trường hơn 1 tỷ dân này. Tiếp sau Trung Quốc, các thị trường nhập khẩu rau quả nhiều nhất từ Việt Nam phải kể đến là Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Điểm đặc biệt là trong top 5 còn có sự góp mặt của Thái Lan – một đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc.

Để duy trì và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, Hiệp hội Rau quả Việt Nam khuyến nghị doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu để giữ vững uy tín.

Nam Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích