Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam có nhiều dư địa tăng trưởng trong năm 2024
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong năm 2023 đạt 644,13 nghìn tấn, trị giá 3,64 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với năm 2022. Tính riêng tháng 12/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt trên 63 nghìn tấn, trị giá 343,35 triệu USD, giảm 1,7% về lượng và giảm 2,6% về trị giá so với tháng 11/2023, nhưng tăng 34,5% về lượng và tăng 27,7% về trị giá so với tháng 12/2022.
Về diễn biến giá trong năm 2023, số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại cho thấy, tháng 12/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.445 USD/tấn, giảm 0,9% so với tháng 11/2023 và giảm 5% so với tháng 12/2022. Tính chung cả năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.657 USD/tấn, giảm 4,7% so với năm 2022.
Về thị trường, năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang tất cả các thị trường chủ lực tăng so với năm 2022. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, trong năm 2023, xuất khẩu điều sang thị Hoa Kỳ đạt 885 triệu USD, tăng 5% so với năm 2022 và chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Trong đó, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc ghi nhận đột phá, với kim ngạch 683 triệu USD, tăng 55% so với năm 2022 và chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều cả nước.
Cùng đó, xuất khẩu hạt điều sang Hà Lan trong năm 2023 đạt 353 triệu USD, tăng 19% so với năm 2022 và chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều cả nước. Ngoài ra, lượng hạt điều xuất khẩu tăng mạnh tới các thị trường: Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (tăng 72,3%); Trung Quốc (tăng 49,8%); Ả rập Xê út (tăng 46,3%); Anh (tăng 24,1%) …
Còn trong khối ASEAN, Việt Nam xuất khẩu hạt điều sang 3 thị trường, gồm Thái Lan, Philippines và Singapore với tổng 14.993 tấn, đạt 76,8 triệu USD, tăng lần lượt 24,9% về lượng và 9,4% về trị giá so với năm 2022. Cụ thể, Thái Lan là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 10.123 tấn, đạt 52,9 triệu USD, tăng 24% về lượng và 8,8% về trị giá. Tiếp đến là Philippines đạt 3.662 tấn với 16,5 triệu USD, tăng lần lượt 36,3% và 19,5%; Singapore với 1.208 tấn, đạt 7,4 triệu USD, tăng 4,8% về lượng và giảm 5,1% về trị giá.
Thêm vào đó, yếu tố thời điểm cũng đã thúc đẩy xuất khẩu hạt điều của Việt Nam. Hiện nay, các thị trường Mỹ, châu Âu diễn ra nhiều lễ hội và nhu cầu phục vụ ăn uống nên đã tiêu thụ lượng lớn thực phẩm; lượng tồn kho giảm nên nhu cầu nhập khẩu dự trữ phục vụ cho khách hàng những tháng tiếp theo mạnh hơn.
Dự báo năm 2024, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngành điều Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu. Hiện giá hạt điều đang ở mức thấp sẽ giúp thúc đẩy hoạt động tiêu thụ mặt hàng có lợi cho sức khỏe này, trong khi năng suất và sản lượng thu hoạch khá ổn định.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cùng với xu thế phát triển và nhu cầu tiêu dùng tăng cao là xu hướng dịch chuyển sang sản xuất xanh theo xu thế toàn cầu để có thể đáp ứng những yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội… Nhiều thị trường chủ lực của hạt điều Việt Nam như châu Âu, Hoa Kỳ đều ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm. Từ đó, đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp ngành điều cần gia tăng áp dụng và cải tiến công nghệ vào sản xuất và chế biến để tăng khả năng cạnh tranh và khai thác hiệu quả các cơ hội thị trường./.
Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu