Xuất khẩu hàng hóa chính ngạch: Cần đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng
Mua bán tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro
Hiện nay, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng hoạt động thương mại khu vực biên giới luôn diễn ra sôi động và phát huy hiệu quả. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cặp cửa khẩu chiếm tỷ trọng lớn đã đảm bảo tốt cho việc tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là nhóm hàng nông, lâm thủy sản có sự tăng trưởng nhanh.
Tuy nhiên, hoạt động giao thương vẫn chủ yếu diễn ra bằng loại hình giao dịch tự do, mua bán trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác của Việt Nam và Trung Quốc (mua bán trao đổi hàng hóa cư dân biên giới theo loại hình tiểu ngạch), chỉ có ít doanh nghiệp, tư thương ký kết Hợp đồng ngoại thương. Việc mua bán hàng hóa tự do, không có hợp đồng dẫn đến nhiều rủi ro, tiềm ẩn thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân.
Thực tế cho thấy, do mua bán tiểu ngạch nên nhiều doanh nghiệp, tư thương Việt Nam đã gặp rủi ro trong giao dịch mua bán trao đổi hàng hóa như: rủi ro trong thanh toán, chậm giao nhận hàng, bị ép giá sản phẩm; bị trừ tiền, trả lại hàng do mẫu mã, chất lượng không bảo đảm, không đáp ứng đúng yêu cầu… Trong số doanh nghiệp, tư thương xuất nhập khẩu nông sản, trái cây thì có tới 90% doanh nghiệp, tư thương có thói quen giao dịch tự do “thuận mua, vừa bán”, tại chợ biên giới mà không thực hiện ký kết hợp đồng với đối tác Trung Quốc.
Thể hiện rõ nhất là thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lực lượng chức năng Trung Quốc siết chặt quản lý xuất nhập khẩu để phòng, chống dịch Covid-19 nên đã ưu tiên xuất nhập khẩu với những lô hàng có hợp đồng. Đồng nghĩa với đó, các doanh nghiệp, chủ hàng không có hợp đồng phải chờ nhiều ngày mới đến lượt xuất hàng dẫn đến tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Đã có một số trường hợp do hàng hóa giảm chất lượng, không tiêu thụ được ở chợ biên giới đã phải chở hàng quay đầu bán tháo tại nội địa.
Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch
Theo ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, mặc dù kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản sang Trung Quốc thời gian qua vẫn tăng mạnh, song quá trình giao thương hiện cũng đang đối mặt không ít khó khăn, vướng mắc khi phía Trung Quốc kiểm hóa 100% lô hàng trái cây của Việt Nam nên thời gian thông quan hàng hóa lâu hơn so với các loại trái cây của nước khác.
Ngoài ra, Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi nhiều hoa quả có nhu cầu xuất khẩu và cũng là thế mạnh của Việt Nam nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng như chanh leo, sầu riêng, na… chưa thuộc danh mục được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Vì vậy, ông Quỳnh kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cần đẩy nhanh việc đàm phán, hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Hiện nay, việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang hình thức chính ngạch đang được Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp rốt ráo thực hiện, hướng đến hoạt động xuất khẩu bền vững, đồng thời tạo thuận lợi cho việc thông quan, tránh tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hóa và phương tiện, đặc biệt tại cửa khẩu khu vực biên giới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trường hợp vì lý do khách quan chưa thể chuyển ngay sang xuất khẩu chính ngạch, các thương nhân, doanh nghiệp chỉ vận chuyển hàng lên biên giới khi đã có thỏa thuận với khách mua hàng về địa chỉ tiêu thụ… Đối với nông sản, cần phối hợp với bên mua để phân loại, đóng gói, sử dụng bao bì, nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngay tại khâu sản xuất, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng để giúp đẩy nhanh tiến độ thông quan.
Thanh Tùng