Xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi
Thu 1,43 tỷ USD từ xuất khẩu gạo
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2024 xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 99,7% về lượng và tăng 90% kim ngạch so với tháng 2/2024, đạt trên 1,12 triệu tấn, tương đương 709,6 triệu USD.
Luỹ kế 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch so với 3 tháng năm 2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD. Giá trung bình 653,9 USD/tấn, tăng 23,6%.
Philippines là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt trong 3 tháng đầu năm 2024, đạt trên 1,01 triệu tấn, tương đương gần 649 triệu USD, chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước,
Giá xuất khẩu sang thị trường này đạt 641,7 USD/tấn, tăng 27,3% so với 3 tháng năm 2023.
Xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2 thị trường, tăng mạnh 199,7% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% với 445.326 tấn, tương đương 285,06 triệu USD Giá xuất khẩu đạt 640 USD/tấn.
Tiếp theo, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% kim ngạch, đạt 98.917 tấn, tương đương 61,55 triệu USD, giá trung bình 622,3 USD/tấn.
Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 5 USD/tấn. Theo đó, gạo 5% tấm xuất khẩu với giá 577 USD/tấn; gạo 25% tấm xuất khẩu với giá 558 USD/tấn; gạo 25% tấm chào hàng với giá 478 USD/tấn.
Gạo 5% tấm là loại gạo xuất khẩu phổ cập nhất. Loại gạo này của Việt Nam đang thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan 4 USD/tấn và thấp hơn gạo Pakistan 24 USD/tấn.
Lý giải việc giá gạo xuất khẩu giảm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng giá gạo Việt Nam hạ nhiệt trong giai đoạn theo đúng quy luật tự nhiên do các nước sản xuất đều bước vào vụ thu hoạch chính, nhu cầu nhập khẩu không còn quá cao như thời gian trước. Đặc biệt, nước ta cũng đang trong đợt thu hoạch vụ Đông Xuân, lượng lúa gạo bổ sung ra thị trường dồi dào, đương nhiên sẽ kéo giá trong nước và xuất khẩu giảm.
Đối với thị trường trong nước, hiện giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 11.200 – 11.300 đồng/kg. Tại Cần Thơ và An Giang, hiện nông dân bắt đầu bán lúa Hè Thu non.
Việt Nam là nhà cung ứng gạo lớn nhất vào thị trường Singapore
Theo số liệu thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore, quý I/ 2024, tổng giá trị nhập khẩu gạo từ thế giới của Singapore đạt gần 112,9 triệu SGD, tăng 23,86% so với cùng kỳ.
Theo đó, tổng lượng nhập khẩu 9 loại gạo chính của thị trường nay gồm: (HS10062010, HS10062090, HS10063030, HS10063040, HS10063091, HS10063099 và HS10064090, HS10063050, HS10063070), ước tính đạt khoảng 110.636 tấn, tăng 6,15% so với cùng kỳ năm 2023.
Về cơ cấu thị phần của các mặt hàng gạo, gạo tẻ trắng chiếm thị phần lớn nhất (25,09%), tiếp đến là gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (chiếm 21,82%), gạo đồ (chiếm 19,75%), gạo trắng hom mali (chiếm 16,43%)…
Quý I/2024 đánh dấu sự vươn lên của Việt Nam, lần đầu tiên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore, chiếm 32,03% thị phần, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt sang Singapore đạt cao hơn so với Ấn Độ (6,96%) và Thái Lan (8,28%).
Cộng gộp cả Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ là 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu chiếm 91,21% thị phần gạo tại Singapore.
Theo thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp của Singapore, xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Singapore trong 3 tháng qua đạt kim ngạch 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ 2023.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng thành công danh mục sản phẩm xuất khẩu sang các mặt hàng khác như gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ.
Cụ thể, bên cạnh mặt hàng thế mạnh truyền thống của Việt Nam là gạo tẻ trắng, 2 nhóm hàng khác là gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ cũng vươn lên chiếm lĩnh phần lớn thị phần tại Singapore, lần lượt đạt 80,08% và 73,33%, là nhân tố chính đưa Việt Nam vượt qua Thái Lan và Ấn Độ trở thành quốc gia chiếm thị phần gạo lớn nhất tại Singapore.
Hiện, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản đang là những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trên thị trường gạo Singapore.
Cơ quan Thương vụ cho hay, việc Ấn Độ (nước đang chiếm lĩnh thị phần gạo tẻ trắng, loại gạo Việt Nam có thế mạnh) ban hành lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo ngoài basmati từ ngày 20/7/2023, đã được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt để gia tăng thị phần và giá trị kim ngạch xuất khẩu sang Singapore.
Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường có tiêu chuẩn cao này đang diễn ra khá thuận lợi nhờ năng lực cung ứng, đáp ứng được sản lượng và chất lượng, cùng đó là sự hậu thuẫn về mặt xúc tiến thương mại do Thương vụ Việt Nam tại Singapore hỗ trợ và lưu ý những thông tin cần thiết.
Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu