Xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ tiếp đà khởi sắc

Kỷ lục xuất khẩu

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 492.387 tấn, trị giá đạt gần 339 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam đạt 8,131 triệu tấn, trị giá gần 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

1
Xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ tiếp đà khởi sắc.

Việc Ấn Độ ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo để ổn định thị trường trong nước và nguồn cung tại một số quốc gia bị sụt giảm do El Nino đã thúc đẩy nhu cầu và giá gạo tăng cao trong thời gian qua. Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi từ diễn biến này của thị trường.

Chỉ tính riêng trong tháng 11 năm 2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 667 USD/tấn, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ trước đến nay và cao hơn cả mức giá 665 USD/tấn đối với gạo trắng 5% tấm đang được chào bán trên thị trường.

Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khối lượng nhập khẩu trong 11 tháng năm 2023 đạt 2,87 triệu tấn, kim ngạch 1,57 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 37,6% về lượng và 36,3% về kim ngạch. Indonesia vươn lên vị trí thứ hai về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam do Chính phủ Indonesia tăng cường nhập khẩu nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc.

Đánh giá về kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo đã có tác động lớn đến thị trường gạo thế giới. “Ấn Độ chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới vì vậy việc Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu gạo được coi là cơ hội của các nước và Việt Nam đã biến cơ hội đó thành tiền để nâng cao thu nhập cho nông dân”, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, ngoài nhu cầu của thị trường gạo tăng cao, việc chỉ đạo linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành đã góp phần thành công cho gia tăng giá trị xuất khẩu. “Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay đã trở thành định hướng quan trọng để ngành chức năng và các địa phương tập trung sản xuất và điều tiết”, ông Cường nhấn mạnh.

Nhiều cơ hội

Phân tích tình hình thị trường xuất khẩu gạo năm 2024, lãnh đạo Cục Chất lượng – Chế biến và Phát triển thị trường cho biết sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Hơn nữa, lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn nên đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu của các nước sẽ biến động. Một số quốc gia sẽ giảm nhập như Brazil, Ai Cập, Ghana…, nhưng một số nước, trong đó có bạn hàng lớn của Việt Nam là Indonesia, lại dự báo tăng nhập khoảng 600.000 tấn, hay như Philippines – một đối tác quan trọng khác của Việt Nam – ngay trong năm 2023 này ước nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn gạo, trong đó: 90% khối lượng nhập là từ Việt Nam; 4,5% từ Thái Lan (126.560 tấn); 4,3% từ Myanmar (120.538 tấn), còn lại đến từ Pakistan, Ấn Độ, Campuchia.

Đánh giá về tình hình cung cầu gạo trong thời gian tới, ông Subramanian đến từ Công ty SSRESOURCE MEDIA (Singapore), cho rằng xét về nguồn cung, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo trong năm 2024 sẽ mang đến những lợi thế nhất định cho lúa gạo Việt Nam.

2
Năm 2024, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo.

Ông Renzo Moro, đại diện Đại sứ quán Italy tại Việt Nam, cho biết quy mô thị trường gạo Italy dự kiến sẽ tăng từ 2,23 tỷ USD năm 2023 lên 2,83 tỷ USD vào năm 2028. Italy là nước sản xuất gạo hàng đầu ở châu Âu, chiếm khoảng 5% tổng sản lượng gạo của khối. Tuy nhiên, tiêu thụ gạo của Italy đã tăng đều đặn trong vài năm qua, do đó Italy phải tăng cường nhập khẩu gạo từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo, GS. Võ Tòng Xuân nhấn mạnh: vấn đề biến đổi khí hậu và ảnh hưởng El Nino trong năm 2024 cùng với việc hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ góp phần làm thị trường khó đoán định hơn. Hiện nay, giá gạo ngày càng tăng, đây là cơ hội của ngành hàng lúa gạo Việt Nam, khi chúng ta đang ngày có càng nhiều giống lúa ngắn ngày, chất lượng và năng suất cao. Thời gian qua, nhiều công trình thủy lợi lớn được đầu tư xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long, đã giúp ngành lúa gạo có thể đối phó với tình hình biến đổi khí hậu.

Hướng đến mục tiêu xuất khẩu 8 triệu tấn gạo

Năm 2024, “thừa thắng xông lên”. Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo. Mặc dù dự báo thị trường khó đoán định nhưng theo đánh giá, ngành lúa gạo trong năm 2024 sẽ tiếp tục khả quan.

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, giá gạo năm 2024 sẽ tăng hoặc giảm phụ thuộc vào 2 yếu tố chính. Đó là chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ bởi bất cứ động thái nào của Ấn Độ về chính sách xuất khẩu lúa gạo sẽ tác động ngay tới thị trường thế giới và biến đổi khí hậu El Nino. Lãnh đạo Cục Trồng trọt kỳ vọng kỳ vọng lượng gạo xuất khẩu sẽ tương đương năm 2023 nhưng giá cả còn phụ thuộc năng lực của chính các doanh nghiệp trong đàm phán, nắm bắt cơ hội thị trường. Tuy nhiên, đơn vị này cũng khẳng định nếu giá gạo có giảm như năm 2021 – 2022 thì vẫn bảo đảm nông dân có lợi.

Bên cạnh đó, một số tổ chức tài chính thế giới dự báo giá lúa gạo 2024 vẫn ở mức độ cao nhưng khó được như năm 2023.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu năm 2024 gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha lúa, đảm bảo sản lượng trên 43 triệu tấn thóc, đảm bảo đủ an ninh lương thực trong mọi tình huống, hoàn cảnh; đồng thời xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo.

Đến hiện tại, GS. Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ khẳng định, gạo của Việt Nam có thể bán được giá 600 – 700 USD/tấn, thậm chí hơn giá của Thái Lan vì giống lúa mới. “Gạo ngắn ngày của Thái Lan không thơm như gạo của mình. Đây không hẳn là do Ấn Độ, Thái Lan bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, mà là do gạo Việt Nam khởi sắc lên nhờ giống mới – còn Thái Lan, Ấn Độ không có. Do đó, giá sẽ tiếp tục cao. Đặc biệt, trong khi các đối thủ sản xuất gạo của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu thì Việt Nam vẫn bố trí vùng lúa cao sản 3-4 vụ nhờ biết sống chung với biến đổi khí hậu” – GS Võ Tòng Xuân dự báo.

Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích