Xuất khẩu gạo năm 2024: Dù khó khăn nhưng vẫn hướng tới kim ngạch 5 tỷ USD

6 tháng đầu năm 2024, cả nước thu hoạch 3,48 triệu hecta lúa

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2024, cả nước thu hoạch 3,48 triệu hecta lúa, tăng 0,5% so cùng kỳ năm 2023; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1,6%. Sản lượng lúa gạo tăng là tiền đề cho gạo đạt lượng lớn xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu gạo thế giới đang tăng cao. Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo cả nước đạt 2,98 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng nhưng tăng tới 32% về giá trị.

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, các thị trường lớn như: Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.

Trao đổi với Hà Nội Mới Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nửa đầu năm nay, gạo là mặt hàng đứng thứ năm về kim ngạch xuất khẩu trong ngành Nông nghiệp (sau gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, rau quả, cà phê), đồng thời cũng là một trong những mặt hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… Trong đó, thị trường Philippines chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Tiêu dùng & Dư luận - Xuất khẩu gạo năm 2024: Dù khó khăn nhưng vẫn hướng tới kim ngạch 5 tỷ USD
Ảnh minh hoạ

Mặt hàng lúa gạo sẽ đối diện với thách thức

Mặc dù nhiều thuận lợi, song các chuyên gia dự báo, nửa cuối năm, mặt hàng lúa gạo sẽ đối diện với thách thức khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, hạn mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng là khó khăn mà ngành lúa gạo cần có giải pháp để duy trì tăng trưởng.

Nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh từ đầu năm đến nay do giá xuất khẩu gạo tăng. Điều thúc đẩy giá gạo tăng là vì Ấn Độ có lệnh cấm xuất khẩu gạo do sản xuất lúa gạo năm nay của quốc gia này đối diện nhiều khó khăn. Hiện, Ấn Độ chiếm tới 40% sản lượng gạo toàn cầu.

Đáng chú ý mặt bằng giá gạo xuất khẩu đã tăng kể từ ngày 20/7/2023, khi Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng 5% tấm để đảm bảo an ninh lương thực và bình ổn giá gạo nội địa. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện tại cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 60 USD/tấn; còn sản lượng xuất khẩu tăng mạnh ngay từ đầu năm và đạt con số cao kỷ lục. Chính vì vậy, hiện nay nhiều người lo lắng nếu Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thì hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với Thanh Niên GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, phân tích: Dù có kho dự trữ khá lớn, nhưng Ấn Độ là nước đông dân nhất thế giới với trên 1,4 tỷ người nên áp lực về an ninh lương thực rất lớn. Một yếu tố khác là sản lượng lúa mì và khoai tây của nước này vừa qua cũng không được tốt do thời tiết bất lợi. Chính vì vậy, nếu Ấn Độ có ý định khôi phục chính sách xuất khẩu gạo bình thường như trước đây thì nhiều khả năng phải chờ đến khi đợt thu hoạch vụ kharif kết thúc. Kharif là vụ lúa lớn nhất trong năm ở Ấn Độ và thường kết thúc vào khoảng tháng 10 – 11.

Nếu Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ khiến nguồn cung trên thị trường thế giới tăng nên giá sẽ giảm. Tuy nhiên, trong trường hợp đó khả năng họ sẽ xả kho dự trữ và bán gạo cho các thị trường truyền thống như châu Phi, Trung Đông, nên không ảnh hưởng nhiều đến các thị trường truyền thống của Việt Nam.

“Nếu Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ khiến nguồn cung trên thị trường thế giới tăng nên giá sẽ giảm. Tuy nhiên, trong trường hợp đó khả năng họ sẽ xả kho dự trữ và bán gạo cho các thị trường truyền thống như châu Phi, Trung Đông, nên không ảnh hưởng nhiều đến các thị trường truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là giai đoạn nhạy cảm, chúng ta cũng không nên chủ quan. Tôi vừa có chuyến công tác từ Indonesia trở về, ở đó họ đang có nhu cầu lớn về gạo. Với dân số lên đến 280 triệu người, nhu cầu tiêu thụ gạo của Indonesia rất cao. Chúng ta cần chăm sóc tốt thị trường này và các thị trường truyền thống như Philippines hay Malaysia, và xây dựng tinh thần hợp tác lâu dài với các thị trường nhiều tiềm năng này”, GS Bùi Chí Bửu nhận định.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ tác động mạnh mẽ đến các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Theo đó, giá và lượng gạo Việt xuất khẩu sẽ chịu tác động nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần chủ động giải pháp khi thị trường Ấn Độ xuất khẩu trở lại. Ngoài ra, sản xuất lúa gạo trong nước cũng đối diện hạn mặn xâm nhập…

Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT đang yêu cầu các tỉnh có diện tích xâm nhập mặn thống kê để có phương án sản xuất; chỉ đạo Cục Trồng trọt ban hành tiêu chuẩn về nguồn đất và nguồn nước, tránh xảy ra tình trạng nhiễm mặn.

Về thị trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chuỗi xuất khẩu lúa gạo chất lượng, như vậy mới duy trì được giá xuất khẩu cao khi Ấn Độ gỡ lệnh cấm.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát Huỳnh Thị Bích Huyền cho biết, Công ty đang liên kết các hợp tác xã, hộ dân tập trung vào nhóm lúa gạo chất lượng cao nhằm bảo đảm việc xuất khẩu thuận lợi. Thời điểm này là cơ hội lớn cho lúa gạo Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến giá xuất khẩu với những mặt hàng gạo chất lượng cao. Đây là phân khúc phải hướng tới nhằm tạo sự bền vững cho ngành hàng này.

Bộ NN&PTNT thông tin, từ nay đến cuối năm, Bộ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát kế hoạch để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2-3-2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả; thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.

“Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị đánh giá về tình hình sản xuất lúa gạo trong nước và xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm; cùng các bộ, ngành lắng nghe khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu để có những đề xuất, giải pháp kịp thời. Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu hecta, sản lượng trên 43 triệu tấn, bảo đảm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, giá trị đạt 5 tỷ USD…”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Giá gạo trên thị trường thế giới đang hạ nhiệt?

Tính đến cuối tháng 6, giá gạo trên thị trường thế giới đang hạ nhiệt. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo thời gian gần đây có xu hướng giảm, hiện gạo 5% tấm của Việt Nam là 569 USD/tấn, Thái Lan là 597 USD/tấn và Pakistan là 581 USD/tấn. Cập nhật của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cũng cho thấy trong 1 tháng qua, giá gạo giảm khoảng 50 USD/tấn.

 Theo Người Đưa Tin

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích