Xuất khẩu chặng về đích: Hóa giải thách thức để giữ tăng trưởng cao
Việc giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, giá cước vận tải… vẫn ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu nói chung trong đó có hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Vận chuyển hàng hóa qua cảng Cái Lân. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+) |
Cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục duy trì xuất siêu cao trong 9 tháng vừa qua. Song khó khăn đã xuất hiện khi một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn đã có dấu hiệu chững lại và điều chỉnh thời gian sản xuất vì đơn hàng giảm mạnh.
Do vậy, việc nhận diện những thách thức để đưa ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu là một yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp trong những tháng còn lại của năm 2022.
Đơn hàng chững lại
Theo số liệu của Bộ Công Thương, qua 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đã đạt con số khoảng 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 17,3% còn nhập khẩu tăng 13%, đưa xuất siêu lên mức 6,52 tỷ USD.
Tuy nhiên, tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ đạt khoảng 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước.
Nguyên nhân được Bộ Công Thương chỉ ra là do sự hồi phục chậm về kinh tế tại một số quốc gia có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam ảnh hưởng đến tốc độ lưu chuyển hàng hóa, trong đó việc thắt chặt chi tiêu của các nước này kéo theo nhiều sản phẩm hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu bị giảm.
Đã có tình trạng đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh ở nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu… những tháng gần đây và dự báo khó khăn về thiếu đơn hàng có thể còn kéo dài đến hết đầu năm tới.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm cho hay, mức tăng trưởng GDP của những thị trường lớn mà Việt Nam xuất khẩu như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… không đạt như dự kiến, đặc biệt tình hình lạm phát cao đã tác động mạnh đến cuộc sống của người dân khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, tác động đến đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may trong nước.
Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam trong 9 tháng vừa qua, xuất khẩu rau quả Việt Nam chỉ đạt 2,45 tỷ USD, giảm trên 11% so với cùng kỳ.
“Ở thời điểm hiện tại, dù 9 tháng đầu năm nay xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU… đều tăng mạnh, có thị trường tăng tới 100%, tuy nhiên thị trường Trung Quốc giảm mạnh, kéo theo kim ngạch cả năm có thể giảm so với năm 2021,” ông nói.
Trong khi đó, sự gián đoạn nguồn cung, giá cước vận tải gia tăng đã làm giảm sức mạnh phục hồi của thương mại hàng hóa. Giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu (xăng dầu, khí đốt, lương thực) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tiếp tục tăng cao, một số mặt hàng chạm các mốc kỷ lục đã ảnh hưởng đến phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, cho biết giá nguyên-nhiên vật liệu vẫn đang ở mức cao trong khi nhiều mặt hàng phải nhập khẩu đã tác động vào chi phí phí sản xuất của doanh nghiệp. Từ đó đẩy giá thành sản phẩm lên cao và điều này đã tạo nên tạo áp lực lạm phát của nền kinh tế.
Đặc biệt, việc thiếu lao động tại một số doanh nghiệp sau đại dịch cũng là một thách thức lớn được đặt ra, trong bối cảnh nhiều ngành hàng cần tăng tốc đẩy mạnh sản xuất trong quý cuối năm này.
“Nhiều doanh nghiệp cũng rất khó khăn trong việc tuyển dụng cũng như là mời công nhân trở lại làm việc. Việc duy trì nguồn nhân lực trong bối cảnh xuất khẩu gia tăng như trong thời gian vừa qua thì đây là một thách thức đối với các doanh nghiệp…,” ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nói.
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu cũng chỉ ra những thách thức khác liên quan đến dịch bệnh, việc gián đoạn chuỗi cung ứng dự báo sẽ còn tiếp diễn làm giảm đà phục hồi các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư.
Cùng với đó là việc giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, giá cước vận tải… vẫn ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế và thương mại toàn cầu của các quốc gia trong đó có hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Đẩy mạnh quản trị rủi ro
Với một nền kinh tế có độ mở lớn (tới hơn 200% GDP) như Việt Nam, những tác động từ bên ngoài cũng như từ chính nội tại của nền kinh tế sẽ là lực cản rất lớn đến việc hoàn thành các mục tiêu chung.
Chỉ ra thực tế này, theo tiến sỹ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đối với một số thị trường đặc biệt là thị trường châu Âu hay là thị trường Mỹ, họ đưa ra những hàng rào kỹ thuật rất lớn và nhiều doanh nghiệp khó có thể thích ứng ngay được với những tiêu chuẩn như vậy.
“Trong những trường hợp thế này thì đòi hỏi cần có sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ trong việc làm thế nào để chúng ta cùng với doanh nghiệp tìm hiểu thị trường và thỏa thuận, đàm phán với các nước đối tác để chúng ta có được những bảo vệ tốt nhất cho doanh nghiệp trong nước…,” vị chuyên gia này cho hay.
– Khu vực doanh nghiệp FDI vẫn giữ mức xuất siêu cao:
Còn theo Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, xét trong tổng thể nền kinh tế, việc đồng USD tăng giá mạnh đem lại cơ hội cho xuất khẩu, bởi có tới hơn 70% các hợp đồng xuất khẩu của chúng ta ký kết bằng đồng USD. Như vậy, giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế theo ông chính là phải giữ ổn định được tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đồng đô la Mỹ.
“Nếu chúng ta giữ ổn định được đồng Việt Nam so với đô la Mỹ thì đã giữ được ổn định được hơn 70% các hợp đồng xuất nhập khẩu. Về tổng thể chúng ta có lợi về mặt xuất khẩu tính chung của cả nền kinh tế,” chuyên gia này phân tích.
Đặc biệt, thách thức từ các biện pháp phòng vệ thương mại mà nhiều nước áp đặt cho hàng hoá xuất khẩu, trong đó có các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ; kể cả những nguy cơ rủi ro đến từ việc lừa đảo… đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin để lường trước và có phương án ứng phó kịp thời, nhất là trong giai đoạn cuối năm khi mà hoạt động xuất nhập khẩu được gia tăng, đẩy mạnh hơn./.
Nguồn: Báo xây dựng