Xuất khẩu cà phê vượt mốc 4 tỷ USD: Cơ hội tăng tốc
Giá cà phê đang neo ở mức cao nhất trong 5 tháng qua
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 6 – 12/11, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, giá cà phê tăng lần lượt 2,11% với Arabica hợp đồng tháng 12/2023 và 2,07% với Robusta hợp đồng tháng 1/2024. Đây là mức giá cao nhất 5 tháng qua.
Nguồn cung thắt chặt trong ngắn hạn kéo theo tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở hàng hoá liên lục địa (ICE) thấp nhất trong hơn 24 năm đã hỗ trợ giá tăng. Trái lại, triển vọng nguồn cung cà phê vụ mới tại Việt Nam lại góp phần làm dịu giá.
Đáng chú ý, tuần trước, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đã giảm 57.774 bao loại 60kg, mức sụt giảm kỷ lục trong một tuần, đưa tổng số cà phê đang lưu trữ hiện tại về 302.235 bao. Đây là mức tồn kho đạt chuẩn thấp nhất từng ghi nhận kể từ giữa tháng 4/1999.
Thời gian qua cà phê tại Việt Nam diễn ra ổn định làm tăng kỳ vọng nguồn cung vụ mới sớm ra thị trường. Điều này làm giảm bớt lo ngại về mức xuất khẩu thấp trước đó và góp phần ổn định tồn kho trên Sở ICE-EU đang dao động quanh 40.000 tấn.
Trên thị trường nội địa, giá cà phê đi ngang, ổn định ở mức khá cao. Hiện giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên khoảng 58.100 đồng/kg, giá mua cao nhất là 58.300 đồng/kg. Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam dự báo, niên vụ cà phê 2023 – 2024 sẽ thu hoạch muộn hơn niên vụ trước. Một số địa phương như: Gia Lai, Kon Tum, Sơn La đã thu hoạch cà phê sớm hơn vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 và sẽ thu hoạch rộ vào cuối tháng 12/2023.
Thông tin trên Lao Động, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho rằng, giá xuất khẩu cà phê tăng kéo theo giá cà phê trong nước tăng theo. Dự kiến, lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,72 triệu tấn với giá trị hơn 4,2 tỷ USD, kỷ lục mới trong xuất khẩu cà phê nhiều năm qua.
Xuất khẩu niên vụ 2022/2023 vượt mốc 4 tỷ USD
Mới đây, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã tổ chức hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2022 – 2023 với tinh thần phấn khởi. Kết thúc niên vụ 2022 – 2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn (khoảng hơn 27,7 triệu bao, 60 kg/bao), giảm 4,5% so với niên vụ 2021 – 2022. Tuy nhiên, kim ngạch thu về vẫn tăng 3,4% lên mức 4,08 tỷ USD nhờ giá tăng cao. Đây là mức kim ngạch cao kỷ lục trong các niên vụ từ trước đến nay, giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam đạt 2.451 USD/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước.
Chỉ tính riêng về xuất khẩu cà phê nhân thì 10 doanh nghiệp dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống trong niên vụ cà phê 2022 – 2023 là: Intimex Tp.HCM, Vĩnh Hiệp, Simexco Daklak, Intimex Mỹ Phước, Louis Dreyfus Việt Nam, NKG Việt Nam, Phúc Sinh, Tuấn Lộc Commodities, Giao dịch Hàng hóa Tây Nguyên và Olam Việt Nam. Xét về xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan trong niên vụ cà phê 2022 – 2023 thì 10 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu tính theo kim ngạch có thể kể đến là: Outspan Việt Nam, Cà phê Ngon, Nestlé Việt Nam, Tập đoàn Trung Nguyên, Tata Coffee Việt Nam, URC Việt Nam, Lựa chọn đỉnh, Instanta Việt Nam, Iguacu Việt Nam và Sucafina Việt Nam.
Đặc biệt, niên vụ 2022 – 2023, Đức đang dẫn đầu với gần 219.000 tấn, Ý đứng thứ 2 với hơn 156.000 tấn, Mỹ thứ 3 với hơn 143.000 tấn, Nhật Bản thứ 4 với gần 112.000 tấn, Nga thứ 5 với gần 107.000 tấn, Tây Ban Nha thứ 6 với hơn 100.000 tấn, Bỉ thứ 7 với 73.000 tấn, Algeria thứ 8 với hơn 64.000 tấn, Mexico thứ 9 và Trung Quốc thứ 10 với hơn 44.000 tấn.
Giá cà phê Robusta của Việt Nam tăng cao chủ yếu là do sản lượng giảm mạnh. Sau nhiều năm ngụp lặn ở vùng giá đáy, nông dân đã chán nản không chăm sóc và chuyển sang trồng các loại cây có giá trị cao hơn như sầu riêng và các loại cây ăn trái khác. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tổng diện tích cà phê cả nước khoảng 710.000 ha, trong đó đang cho thu hoạch: 653.000 ha, sản lượng 1,845 triệu tấn với năng suất 2,82 tấn/ha. Diện tích, sản lượng thu hẹp, tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới thấp nhất qua các năm, nhiều yếu tố cung cầu khiến giá cà phê được đẩy lên cao ngất.
Để phát triển cà phê bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cần phải có chương trình hành động cụ thể và sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp.
Ngoài những thị trường tiềm năng trên thế giới, một tín hiệu lạc quan khác là tiêu thụ cà phê nội địa đã có những bước phát triển mạnh trong trong những năm qua. Trong giai đoạn 2015 – 2020 tốc độ phát triển bình quân 3,94%/năm. Tổng số lượng cà phê tiêu thụ nội địa từ 158.000 tấn năm 2015 lên 220.000 tấn năm 2022. Tiêu thụ bình quân đầu người tăng từ 1,7kg năm 2015 lên 2,2kg năm 2022. Dự báo tiêu thụ nội địa giai đoạn 2025 – 2030 với tốc độ tăng bình quân khoảng 6,6%/năm. Đến năm 2025 tiêu thụ nội địa đạt 270.000 – 300.000 tấn/năm.Theo báo cáo thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam do iPOS thực hiện), đến hết năm 2022 Việt Nam có 338.600 nhà hàng/quán cà phê, giai đoạn 2016 – 2022 với tốc độ tăng hàng năm (CAGR) khoảng 2%, so với 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19) thị trường đã có thêm 18.000 nhà hàng/quán cà phê mới. Như vậy, ngành cà phê xuất khẩu có thêm những điều kiện để giữ vững vị thế và chủ động cung cầu để mang về giá trị cao nhất, thông tin trên báo Thanh Niên.
Giá cà phê ngày 13/11/2023 tại thị trường thế giới
Theo Công Thương, kết thúc phiên giao dịch ngày cuối tuần trước ngày 10/11, trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 1/2024 giảm 9 USD/tấn, ở mức 2.421 USD/tấn, giao tháng 3/2024 giảm 11 USD/tấn, ở mức 2.375 USD/tấn. Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2023 giảm 4,3 cent/lb, ở mức 174,5 cent/lb, giao tháng 3/2024 giảm 3,65 cent/lb, ở mức 170,55 cent/lb. Tính chung trong tuần qua, giá cà phê Robusta giao tháng 1/2024 tăng 49 USD/tấn; giá cà phê Arabica giao tháng 12/2023 tăng 3,6 cent/lb.
Theo Người Đưa Tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu