Xuất khẩu cà phê hướng đến mục tiêu kim ngạch 4 tỷ USD năm 2023
Giá cà phê tăng cao
Theo Công an Nhân dân, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 của nước ta ước đạt 90.000 tấn. Lũy kế xuất khẩu cà phê trong 8 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam ước tính vào khoảng 1,2 triệu tấn, giảm 4,9% so với tổng lượng cà phê đã xuất khẩu trong cùng kỳ năm trước. Dự báo, xuất khẩu cà phê năm nay có thể đạt 4 tỷ USD.
Mặc dù lượng suy yếu, song giá cà phê xuất khẩu, đặc biệt là cà phê Robusta – chủng loại cà phê chủ lực của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh thời gian qua. Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) thông tin, kết thúc phiên giao dịch sáng 30/8 (giờ Việt Nam), giá cà phê Robusta cũng ghi nhận mức tăng 0,49% trong phiên hôm qua, đưa giá hiện tại lên mức 2.449 USD/tấn.
Đặc biệt, giá xuất khẩu cà phê trung bình 7 tháng đầu năm nay đạt 2.828 USD/tấn, tăng hơn 500 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao kỷ lục thời gian qua. Theo Hiệp hội Cà phê-Cacao Việt Nam, giá cà phê tăng liên tục là do cung không đủ cầu. Dự báo sản lượng cà phê năm nay giảm đến 10-15%/năm do thời tiết không thuận lợi. Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện.
Theo báo Công thương, đến nay, mặt hàng cà phê Việt Nam đã có mặt ở 37 thị trường chủ yếu, trong đó có 27 thị trường đạt trên 10 triệu USD, đặc biệt có 8 thị trường đạt trên 100 triệu USD.
Để đạt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê Việt, theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với các giải pháp tổng thể.
Phát triển bền vững ngành hàng cà phê xuất khẩu
Theo báo Công thương, cùng với xuất khẩu, nhiều vùng trọng điểm sản xuất cà phê cũng đang hướng tới phát triển bền vững thị trường tiêu thụ nội địa. Thời gian qua, sự xuất hiện của nhiều thương hiệu cà phê Việt và chuỗi cung ứng quốc tế đến từ các công ty trong ngành cà phê đã khiến tiêu thụ nội địa tăng khá.
Điển hình như Đắk Lắk, năm 2022, tỉnh có trên 250 cơ sở chế biến cà phê; trong đó có 235 cơ sở chế biến cà phê bột, cà phê hạt rang và 15 cơ sở chế biến cà phê hòa tan. Như vậy, tỉnh Đắk Lắk có ít nhất 250 nhãn hiệu cà phê chế biến cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đắk Lắk cũng đang khuyến khích doanh nghiệp cà phê nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, mở mang thị trường nội địa làm nền tảng để xây dựng thương hiệu quốc gia.close
Phát triển cà phê đặc sản với mục tiêu xây dựng thương hiệu, từ đó khẳng định vị thế ngành cà phê Việt Nam đang nhận được sự quan tâm, thúc đẩy từ phía Nhà nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt “Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu đến năm 2025 diện tích cà phê đặc sản của nước ta là 2% tổng diện tích, tương đương sản lượng ở mức 5.000 tấn và sẽ tăng lên tương ứng 3% và 11.000 tấn trong năm 2030.
Mới đây, Lễ khởi động triển khai xây lắp hợp phần 5 “Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại vùng Tây Nguyên” vừa được diễn ra tại tỉnh Gia Lai.
Hợp phần 5 của dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại vùng Tây Nguyên gồm: Xây dựng đường giao thông nông thôn loại A,B có tổng chiều dài khoảng 27,43km kết nối vùng nguyên liệu. Trong đó, tỉnh Gia Lai đầu tư xây dựng 6 tuyến đường, tổng chiều dài 12,43 km, tỉnh Đắk Lắk đầu tư xây dựng 5 tuyến với tổng chiều dài 15 km. Xây dựng mới 3 nhà kho chứa cà phê cho 3 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, tổng diện tích hơn 1000m2. Xây dựng mới 2 nhà kho kết hợp nhà trưng bày sản phẩm cà phê cho hợp tác xã tại tỉnh Gia Lai – Đắk Lắk với diện tích 158 m2/nhà. Tổng mức đầu tư hợp phần 5 khoảng 80 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án đầu tư nhằm hình thành vùng sản xuất nguyên liệu cà phê quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk; phát triển và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi giá trị cà phê; đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu cà phê phục vụ chế biến và xuất khẩu; tăng thu nhập góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương.
Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm thì công tác xây dựng thương hiệu phải được chú trọng và quan tâm hơn nữa, trong đó các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng thương hiệu của riêng mình. Các doanh nghiệp cần khảo sát nhu cầu của thị trường về các lĩnh vực gồm thị phần – thị hiếu – chất lượng – giá cả, từ đó xác định tỷ trọng chế biến các loại sản phẩm phù hợp (bao nhiêu % sản phẩm sơ chế; % sản phẩm tinh chế) để định hướng phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình.
Về công tác xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam cần chú trọng tuyển dụng và đào tạo cán bộ có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn; chủ động tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do các Bộ, ngành, Hiệp hội tổ chức; tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế ở cả trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm bạn hàng.
Theo Người Đưa Tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu