Xuất bản điện tử: Cuộc cách mạng công nghệ

Trong thời đại công nghệ 4.0, xuất bản điện tử đã tạo ra những tiện ích vượt trội so với xuất bản truyền thống, nhưng lĩnh vực này ở Việt Nam được nhận định còn nhiều thách thức và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Sự ra đời của ebook (sách điện tử), nhất là các thiết bị, phần mềm hỗ trợ đọc, trao đổi, mua bán sách trực tuyến đã tạo ra cuộc cách mạng thật sự trong giới xuất bản. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, gọn nhẹ, độc giả đã có thể có những trải nghiệm như đọc một cuốn sách giấy, lật giở từng trang. Hình ảnh, audio, video được tích hợp vào ebook trên tương tác thời gian thực nên rất trực quan, sống động.

 Xuất bản điện tử ở Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng chưa phát triển như kỳ vọng.

Có thị trường hơn 90 triệu dân, với tỷ lệ người sử dụng thiết bị công nghệ tương đối cao, xuất bản điện tử là hướng phát triển được kỳ vọng góp phần đưa ngành xuất bản nước ta vươn lên tầm cao mới. Thực tế cho thấy, hiện nước ta có 59 nhà xuất bản (NXB), nhưng chỉ có một số ít NXB và một số nhà sách lớn như Tiki, Vinabook, Phương Nam book, Thái Hà books, First News… đang theo đuổi xuất bản điện tử.

Mục tiêu chuyển đổi số ngành xuất bản đòi hỏi các đơn vị làm sách phải nhanh chóng thích nghi và thay đổi phương thức sản xuất. Khi ứng dụng công nghệ trong hoạt động xuất bản, một cuốn sách có thể trở thành ebook, audio book hay multimedia.

Ngay từ khi bắt tay thực hiện xuất bản điện tử, giới làm sách đã nhìn nhận được những vấn đề cần giải quyết trong khâu bảo mật, nguồn nhân lực cũng như trang thiết bị phục vụ quá trình số hóa các xuất bản phẩm.

Các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản cho rằng, các NXB cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện và năng lực để chuyển dần sang xuất bản số, đồng thời tích cực tìm kiếm những đề tài đúng với “hơi thở” của thời đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người đọc. Đặc biệt, các đơn vị cần tăng cường năng lực ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Bản thân mỗi cá nhân hoạt động trong ngành xuất bản cần có sự chủ động, tích cực nâng cao trình độ, tăng cường tri thức, nâng cao khả năng thích nghi, dám đối mặt với thách thức. Ngoài ra, cần chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh các xuất bản phẩm điện tử lậu (ebook, audio book…).

Có thể thấy, điểm khác biệt lớn nhất của xuất bản điện tử là sử dụng công nghệ thông tin vào việc tạo ra các ấn phẩm, giảm bớt được công đoạn in ấn như trong hoạt động xuất bản truyền thống. Điều này cũng tạo ra tính tiện lợi của sách trong việc tiếp cận độc giả.

Bên cạnh đó, các xuất bản phẩm điện tử còn giúp khâu vận chuyển sách diễn ra nhanh gọn hơn, dễ đưa sách đến trường học hay tới vùng, miền xa xôi.

Hoài Thương (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích