Xử phạt nhà sản xuất động cơ Cummins do gian lận khí thải dòng xe bán tải Ram
Theo đó, Cummins đã lắp đặt thiết bị gian lận khí thải lên động cơ ô tô nhằm mục đích vượt qua quy định giới hạn khí thải tại Mỹ, tạo điều kiện cho việc đưa các mẫu xe này ra thị trường. Đây được coi là mức phạt dân sự lớn nhất trong lịch sử dựa trên Đạo luật không khí sạch (Clean Air Act), chỉ xếp sau vụ bê bối “Dieselgate” của Volkswagen với mức phạt lên tới 14,7 tỷ USD (tương đương 360.223 tỷ đồng).
Cummins bị phạt gàn 2 tỷ USD vì gian lận khí thải dòng xe bán tải Ram. (Ảnh minh họa)
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp Mỹ, thiết bị gian lận được Cummins lắp đặt có khả năng can thiệp vào các biện pháp kiểm soát khí thải trên động cơ. Khi xe thử nghiệm, thiết bị sẽ điều chỉnh để giảm lượng khí thải nhằm đáp ứng quy định, nhưng khi xe đã ra thị trường, không có sự can thiệp nào, dẫn đến việc động cơ thải ra lượng khí nitơ-oxit (NOx) lớn hơn nhiều so với khi thử nghiệm.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ – ông Merrick Garland đã chỉ trích Cummins về việc tạo ra hàng nghìn tấn khí thải NOx vượt quy định và nhấn mạnh rằng Cummins phải chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc khắc phục bê bối này. Theo kế hoạch, Cummins sẽ hợp tác với Ram và các đại lý để triển khai chương trình thu hồi trên diện rộng, loại bỏ thiết bị gian lận khí thải khỏi tất cả các xe Ram từ năm 2013 đến 2019.
Việc sửa chữa được cho là đơn giản, chỉ đòi hỏi cập nhật phần mềm và hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, Cummins phải xử lý 85% số xe bị ảnh hưởng trong vòng 3 năm và cung cấp bảo hành mở rộng cho hệ thống khí thải của những chiếc xe đã được sửa chữa.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), gần 1 triệu chiếc xe bán tải Ram dòng Heavy Duty hạng nặng từ năm 2013 đến 2023 đã bị ảnh hưởng. Các cuộc thử nghiệm tại Michigan của EPA phát hiện ra thiết bị gian lận này và EPA đang yêu cầu Cummins nộp thêm phạt để khắc phục hậu quả do lượng khí thải NOx dư thừa.
Tại California, Cummins sẽ thanh toán một khoản phạt “hơn 175 triệu USD” để tài trợ các dự án giảm thiểu NOx. Trên toàn quốc, Cummins dự kiến sẽ khắc phục bê bối này thông qua các dự án giảm phát thải và hợp tác với đơn vị đường sắt. Điều vẫn còn nhiều bất đồng, đặc biệt là về ảnh hưởng của việc sửa chữa đến hiệu suất và tiết kiệm năng lượng của các xe liên quan.
Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Hàn Quốc, khi ba hãng xe Đức – Mercedes-Benz, BMW và Audi – bị phạt vì cùng một lý do gian lận khí thải. Theo KFTC, Mercedes-Benz, BMW, Audi và Volkswagen đã cấu kết với nhau nhằm giảm bớt sự cạnh tranh và hạn chế lựa chọn của người tiêu dùng. Với hành động này, Mercedes-Benz và chi nhánh của hãng tại Hàn Quốc bị phạt 20,7 tỷ won, BMW bị phạt 15,7 tỷ won và Audi bị phạt 6 tỷ won. Riêng Volkswagen không phải nộp phạt vì doanh thu của hãng này không liên quan đến vấn đề trên.
Tuy nhiên tại quê nhà Đức, vào giữa năm 2023 cựu Giám đốc điều hành cấp cao (CEO) công ty sản xuất ôtô Audi AG (thương hiệu trực thuộc Volkswagen) – ông Rupert Stadler đã bị tòa án Munich tuyên án 1 năm 9 tháng tù hưởng án treo và phải nộp phạt 1,1 triệu euro (1,2 triệu USD) với tội danh gian lận và lừa dối trong vụ bê bối khí thải động cơ diesel.
Ngành công nghiệp ôtô đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ cộng đồng và cơ quan quản lý, đồng thời phải tìm kiếm giải pháp bền vững để đảm bảo sự phát triển trong tương lai.
Duy Trinh (t/h)