Xử phạt khi không phân loại rác thải sinh hoạt
Theo quy định hiện hành, tức Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, không có quy định về mức phạt đối với cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt. Có lẽ vì thế mà thói quen xả rác vừa bãi, bỏ rác lẫn lộn chưa qua phân loại đang trở thành mối nguy cho công tác bảo vệ môi trường cũng như lãng phí tài nguyên.
Vì thế, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Nghị định 55/2021/NĐ-CP) có hiệu lực vào ngày 25/8 tới đây, với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định được đánh giá là chế tài mạnh, đủ để ngăn chặn hành vi vi phạm, hạn chế tối đa những hệ lụy nói trên.
Việc bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt, Nghị định được đánh giá là “nặng ký” để ngăn chặn hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, theo khoản 7 của Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Điều này đồng nghĩa với việc kể từ ngày 25/8 (ngày Nghị định 45/2022 có hiệu lực) cho đến hết ngày 31/12/2024, tuỳ thuộc vào tình hình, đặc điểm của từng tỉnh, TP mà sẽ có lộ trình triển khai phù hợp trong thực hiện và áp dụng chế tài liên quan đến vấn đề phân loại rác tại nguồn.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với cá nhân là 1 tỷ đồng, đối với tổ chức là 2 tỷ đồng.
Cùng một loại hành vi vi phạm, tổ chức bị xử phạt với mức phạt tiền gấp hai lần cá nhân. Đối tượng vi phạm còn bị tước quyền sử dụng có thời hạn đối với giấy phép môi trường; giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; giấy phép tiếp cận nguồn gene; giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gene; quyết định công nhận phòng thí nghiệm nghiên cứu sinh vật biến đổi gene; quyết định công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gene hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cá nhân, tổ chức vi phạm cũng bị tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; tịch thu sản phẩm có giá trị sau khi tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.
Khi pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng hoàn thiện, quy định chi tiết các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, những khó khăn trong phân loại rác tại nguồn sớm có phương án giải quyết. Các hộ gia đình, cá nhân tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, không vì lợi ích trước mắt mà để lại hậu quả nặng nề cho xã hội trong công cuộc bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định cụ thể mức xử phạt đối với vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.
Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký, kiểm kê, báo cáo và quản lý thông tin về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y theo quy định; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sai quy định và gây ô nhiễm môi trường.
Đối với hành vi không thực hiện việc đánh giá và kiểm soát hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo quy định bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng.
Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép và gây ô nhiễm môi trường.
Đối với hành vi nhập khẩu hóa chất, vật liệu chứa hóa chất nguy hại không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng.
Tạ Nhị