Xử phạt doanh nghiệp kinh doanh phân bón gây hại cho cây trồng tại Bình Dương
Tiêu hủy lượng lớn phân bón kém chất lượng, gây hại cho cây trồng
Mới đây, Đội quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương) đã phối hợp các đơn vị tổ chức tiêu hủy 43 tấn phân bón là tang vật vi phạm kiểm tra hành chính khi đội phối hợp kiểm tra hành chính đối với kho hàng số 1 của Công ty Cổ phần Thương mại nông nghiệp Vàng (TP. Thuận An), có trụ sở chính tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Thương mại nông nghiệp Vàng với tổng số tiền 247.500.000 đồng cho 4 hành vi: Không thể hiện đủ tên biển hiệu tên cơ sở sản xuất theo đúng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; buôn bán phân bón không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; nhập khẩu vận chuyển, lưu giữ buôn bán hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Ngoài ra, công ty cũng phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm việc buộc tháo dỡ biển hiệu không đúng quy định và ghi nhãn phụ đúng quy định cho 179.000kg phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc.
Số phân bón nhập lậu, không rõ nguồn gốc chuẩn bị đem đi tiêu hủy
Đáng chú ý, công ty còn phải tiêu hủy 43.500kg phân bón gây hại cho cây trồng và môi trường, không bảo đảm an toàn sử dụng, bao gồm các loại phân bón từ Israel và Trung Quốc. Việc tiêu hủy lô hàng phân bón hơn 43 tấn hàng hóa này được xem là một trong những biện pháp mạnh mẽ nhằm bảo vệ cây trồng, môi trường và đảm bảo an toàn sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, nhằm nâng cao quản lý chất lượng hàng hóa trong thời gian tới Cục sẽ chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý.
Qua đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường quản lý địa bàn, nắm bắt thông tin thị trường, thu thập, thẩm tra xác minh thông tin các đối tượng nghi ngờ có dấu hiệu buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm trong sản xuất, kinh doanh.
Nguy hại từ phân bón giả, không đạt chuẩn chất lượng
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mỗi năm nông dân tiêu thụ trên 10 triệu tấn phân bón từ hơn 1.000 cơ sở sản xuất. Trong đó, 30-50% là phân bón giả, kém chất lượng. Từ số liệu trên cho thấy, phân bón giả, kém chất lượng đã hoang phí biết bao tiền bạc, mồ hôi của người nông dân đổ xuống ruộng, biết bao gia đình không thể vượt qua cảnh nghèo túng, bao nhiêu diện tích đất đai cằn cỗi thêm mỗi mùa vụ.
Không chỉ thiệt hại về tiền, theo các chuyên gia nông nghiệp, phân bón giả, kém chất lượng còn làm cho đất không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng đến 2-3 năm sau sẽ hư tổn và khó phục hồi. Phân bón giả, kém chất lượng thường sử dụng những hóa chất, nguyên liệu không phải chất dinh dưỡng để sản xuất. Do vậy sẽ đưa vào đất chất độc hại làm thoái hóa đất, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
Cũng theo các chuyên gia, người nông dân rất khó phân biệt được phân bón giả, kém chất lượng khi căn cứ trên bao bì, nhãn mác vì chỉ nhìn cảm quan thì phân bón giả, kém chất lượng cũng có đầy đủ logo thương hiệu, hàm lượng các chất đầy đủ. Chỉ khi sử dụng phân bón sau vài tháng, đánh giá hiệu quả sử dụng, người dân mới có thể biết hàng giả, hàng thật.
Phân bón giả, kém chất lượng luôn là nỗi lo của nông dân cũng như cả những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trên thực tế, nhiều đại lý vì cái lợi trước mắt đã mua sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng với giá thành thấp, sau đó bán với giá cao để kiếm lợi, bất chấp thiệt hại, hậu quả người nông dân phải trực tiếp gánh chịu.
Bảo Linh