Xử lý vi phạm tại dự thảo Thông tư quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm
Theo đó, việc ban hành Thông tư nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, giúp cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ, thống nhất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường…
Nội dung kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất
Dự thảo Thông tư nêu rõ, về nội dung kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất, thứ nhất là kiểm tra thông tin sản phẩm gồm: Kiểm tra tính chính xác của việc thể hiện nội dung, thông tin quảng cáo trên nhãn (nếu có) của sản phẩm; Kiểm tra các nội dung thể hiện mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, các nội dung thể hiện trên nhãn sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật và đối chiếu với tài liệu kèm theo; Kiểm tra việc thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, việc thể hiện dấu hợp quy (đối với sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận và công bố hợp quy), dấu hợp chuẩn (đối với sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn).
Thứ hai, kiểm tra các điều kiện sản xuất ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bao gồm: Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất và các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất, bao gồm: Kiểm tra hồ sơ chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy (đối với các sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận và công bố hợp quy); hồ sơ công bố hợp chuẩn (đối với các sản phẩm, hàng hóa công bố hợp chuẩn); hồ sơ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn (đối với sản phẩm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng); Trường hợp trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng có quy định liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất thì kiểm tra việc thực hiện các quy định này trong quá trình sản xuất; Kiểm tra việc thực hiện các biện pháp khác của quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất do cơ quan có thẩm quyền quy định.
Kiểm tra việc thực hiện và kết quả đánh giá sự phù hợp của quá trình sản xuất.
Kiểm tra hoạt động kiểm soát quá trình sản xuất của cơ sở sản xuất liên quan đến việc tạo thành sản phẩm và duy trì sự đảm bảo chất lượng bao gồm: Kiểm tra hồ sơ kỹ thuật của sản phẩm (tài liệu thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm); Kiểm tra toàn bộ hoặc một trong các giai đoạn của quá trình sản xuất (từ đầu vào, qua các giai đoạn trung gian cho đến khi hình thành sản phẩm bao gồm cả quá trình bao gói, xếp dỡ, lưu kho và vận chuyển sản phẩm); Kiểm soát trang thiết bị công nghệ và trang thiết bị đo lường, kiểm tra, thử nghiệm;
Kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu (theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, việc sử dụng nguyên liệu bị cấm, nguyên vật liệu quá hạn sử dụng); Kiểm tra hồ sơ năng lực của người có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; Các nội dung kỹ thuật cần thiết khác.
Trong trường hợp cần thiết, cơ quan kiểm tra có thể sử dụng chuyên gia thực hiện việc đánh giá theo các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Chuyên gia đánh giá phải độc lập, khách quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá của mình.
Thứ ba là kiểm tra danh mục phương tiện đo, biện pháp kiểm soát về đo lường và chu kỳ kiểm định phương tiện đo nhóm 2 sử dụng trong quá trình sản xuất.
Thứ tư là thử nghiệm mẫu để kiểm tra sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra
Về xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra, thứ nhất, đối với các vi phạm chưa có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính, đoàn kiểm tra ghi rõ trong biên bản kiểm tra và yêu cầu người đại diện theo pháp luật của cơ sở được kiểm tra thực hiện hành động khắc phục. Sau khi khắc phục xong phải báo cáo bằng văn bản kèm theo bằng chứng khắc phục về cơ quan kiểm tra. Hết thời hạn đã ghi trong Biên bản kiểm tra, nếu đại diện theo pháp luật của cơ sở được kiểm tra không thực hiện hành động khắc phục và gửi báo cáo theo yêu cầu của đoàn kiểm tra thì cơ quan kiểm tra xem xét việc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về tên, địa chỉ nơi sản xuất, tên hàng hóa và hành vi vi phạm.
Thứ hai, trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất nếu phát hiện vi phạm hành chính, đoàn kiểm tra xử lý như sau: Đoàn kiểm tra lập Biên bản vi phạm hành chính theo Mẫu MBB01- Biên bản vi phạm hành chính quy định tại Phụ lục một số mẫu trong xử phạt vi phạm hành chính (Kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ) đồng thời, yêu cầu người đại diện theo pháp luật cơ sở sản xuất tạm dừng đưa sản phẩm hàng hóa lưu thông ra thị trường; Đoàn kiểm tra báo cáo Thủ trưởng cơ quan kiểm tra kết quả kiểm tra, trong vòng 02 ngày làm việc kể từ thời điểm phát hiện vi phạm xem xét, quyết định ra Thông báo tạm dừng đưa sản phẩm hàng hóa ra lưu thông đối với sản phẩm hàng hóa vi phạm (theo Mẫu số 11. TBTDHHLT – phần Phụ lục kèm theo Thông tư).
Đoàn kiểm tra lập hồ sơ để người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Mẫu QĐ02 – Quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Phụ lục một số mẫu trong xử phạt vị phạm hành chính (Kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ). Trường hợp vượt thẩm quyền của cơ quan kiểm tra thì cơ quan kiểm tra chuyển hồ sơ, kiến nghị người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt theo quy định pháp luật.
Trường hợp vi phạm về nhãn hàng hóa, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính cơ sở được kiểm tra phải áp dụng các biện khắc phục hậu quả. Tùy từng trường hợp vi phạm, cơ quan kiểm tra/đoàn kiểm tra xem xét đề nghị hành động khắc phục, đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả đối với hàng hóa vi phạm bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Việc xem xét, quyết định biện pháp khắc phục hậu quả do cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định pháp luật.
Thứ ba, trường hợp kết quả thử nghiệm hoặc có bằng chứng khẳng định sản phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đe dọa đến sự an toàn của người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường thì xử lý như sau:
Lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về chất lượng; Lập biên bản niêm phong (theo Mẫu 7.BBNP – phần Phụ lục kèm theo Thông tư) và niêm phong lô sản phẩm không phù hợp tại nơi sản xuất, kho hàng (theo Mẫu 8.TNPSP – phần Phụ lục kèm theo Thông tư) đồng thời đề nghị Thủ trưởng Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa ra thông báo tạm đình chỉ sản xuất, lưu thông sản phẩm không phù hợp (theo Mẫu 6.TBĐCSX- phần Phụ lục kèm theo Thông tư), yêu cầu cơ sở sản xuất thông báo cho các bên liên quan thu hồi, xử lý, khắc phục sản phẩm không phù hợp đã được đưa ra thị trường.
Cơ sở sản xuất chỉ được tiếp tục sản xuất sau khi đã thực hiện khắc phục, chấp hành việc xử lý, đồng thời báo cáo bằng văn bản cho cơ quan kiểm tra để cơ quan kiểm tra tiến hành tái kiểm tra: Trường hợp kết quả kiểm tra, thử nghiệm phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, cơ quan kiểm tra ra thông báo sản phẩm được tiếp tục sản xuất, lưu thông (theo Mẫu 9.TBTTSX – phần Phụ lục kèm theo Thông tư); Trường hợp kết quả kiểm tra, thử nghiệm không phù hợp, người sản xuất có văn bản đề xuất biện pháp khắc phục tiếp theo đối với sản phẩm hàng hóa vi phạm và phải được sự chấp thuận của cơ quan kiểm tra theo quy định pháp luật.
Trường hợp người sản xuất thực hiện việc tiêu huỷ hàng hoá vi phạm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người sản xuất phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan về việc tiêu huỷ hàng hoá vi phạm.
Trường hợp cơ sở sản xuất nghi ngờ kết quả thử nghiệm mẫu, trong 01 ngày làm việc sau khi có thông báo kết quả thử nghiệm mẫu không đạt có công văn gửi cơ quan kiểm tra xem xét việc thử nghiệm mẫu lưu tại cơ sở được kiểm tra:
Trường hợp mẫu lưu còn nguyên niêm phong, nguyên trạng cơ quan kiểm tra sẽ mã hóa lại mẫu (theo Mẫu 12 – BBMHM Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư) và gửi thử nghiệm ở một tổ chức thử nghiệm khác đã được cơ quan có thẩm quyền chỉ định. Kết quả thử nghiệm mẫu lưu là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng về sự phù hợp/không phù hợp của hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
Trường hợp mẫu lưu không còn nguyên niêm phong, nguyên trạng hoặc tem niêm phong bị bong, rách… hoặc có bằng chứng về sự can thiệp đối với mẫu lưu hoặc điều kiện lưu mẫu không đảm bảo thì không thử nghiệm mẫu lưu, cơ quan kiểm tra căn cứ kết quả thử nghiệm lần đầu để kết luận về sự phù hợp/không phù hợp của hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Các chi phí liên quan đến thử nghiệm, khắc phục, tái chế, thử nghiệm lại mẫu lưu do người sản xuất chi trả.
Thứ tư, tùy thuộc vào mức độ, phạm vi ảnh hưởng, hậu quả của lô hàng không phù hợp về chất lượng, cơ quan kiểm tra có trách nhiệm công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
Thứ năm, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính chuyển người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: Quyết định kiểm tra, Biên bản kiểm tra, Biên bản vi phạm hành chính, Biên bản niêm phong, Thông báo tạm dừng lưu thông, Công văn của cơ quan kiểm tra đề nghị người có thẩm quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục xử phạt theo quy định của pháp luật hoặc biên bản giao nhận hồ sơ và các tài liệu khác có liên quan.
Người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm xem xét, xử phạt theo quy định pháp luật và thông báo cho cơ quan kiểm tra biết kết quả xử phạt để theo dõi, tổng hợp.
Cuối cùng, trong quá trình kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.
Mai Phương