Xử lý triệt để tình trạng đe doạ đòi nợ cho vay qua App

Nhiều nạn nhân vay tiền qua App tìm đến tòa soạn Báo Lao Động để nhờ giúp đỡ. Ảnh: HC
Nhiều nạn nhân vay tiền qua App tìm đến tòa soạn Báo Lao Động để nhờ giúp đỡ. Ảnh: HC

Nhiều người dù không vay tiền qua App, nhưng vẫn bị các đối tượng đòi nợ đe dọa và uy hiếp để trả nợ thay cho người vay. Thậm chí, một số doanh nhân bỗng dưng bị đòi nợ vay tiền qua App dù không vay một đồng nào. Các đối tượng đòi nợ đã khủng bố doanh nhân nhằm gây áp lực để trả nợ thay cho nhân viên hoặc người quen.

Doanh nhân bỗng dưng bị đòi nợ dù không vay

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ – Giám đốc Công ty Cổ phần L&A (TP. Dĩ An, Bình Dương) – những ngày qua liên tục bị đối tượng gọi điện uy hiếp để trả nợ thay cho… nhân viên. Ngoài việc gọi điện thoại liên tục để khủng bố, gây sức ép, đối tượng đòi nợ còn lấy hình ảnh gia đình bà Lệ để cắt ghép đăng lên các trang mạng xã hội, nhằm hạ uy tín của bà Lệ đối với đối tác của công ty.

Qua xác minh, bà Lệ được biết, công ty có nhân viên tên V.T.M.T (hiện đã nghỉ việc) có vay tiền qua app DoctorĐồng của Công ty TNHH MTV Tư vấn Tài Chính LGC, trụ sở tại Phường Đa Kao (Q 1). Tuy nhiên, do các đối tượng không liên lạc được với chị T, nên quay sang đòi nợ bà Lệ, vì cho rằng bà làm giám đốc nên có tiền để trả thay.

“Họ đã lạm dụng thương hiệu của L&A, nhãn hiệu của công ty và các quản lý công ty để đăng trong poster đòi nợ của họ. Nếu họ quả thực có cho một nhân viên của công ty vay tiền đi nữa, thì việc đòi nợ bằng cách khủng bố điện thoại chúng tôi mấy chục cuộc mỗi ngày, hay lạm dụng hình ảnh và uy tín trên mạng xã hội như thế là sai trái, vì chúng tôi không có liên quan đến việc vay mượn cá nhân này” – bà Lệ chia sẻ.

Theo bà Lệ, mặc dù đã giải thích việc vay mượn này là của cá nhân chị T, không liên quan đến bản thân bà hay công ty, nhưng trong các cuộc trao đổi giải thích phải, trái này, đều không được bên cho vay lắng nghe và tiếp thu. Ngược lại, họ ngang nhiên thách thức, gây sức ép buộc bà phải trả thay cho nhân viên.

“Họ bảo rằng sẽ quậy để chúng tôi mệt mỏi hết chịu nổi, đến khi thu hồi được tiền của nhân viên công ty vay mới thôi. Hiện chúng tôi đang làm việc với cơ quan công an để giải quyết vụ việc. Mong rằng cơ quan công an và chính quyền sẽ có biện pháp chấn chỉnh cách đòi nợ kiểu bất chấp pháp luật của các công ty cho vay qua App này” – bà Lệ nói.

Cũng lâm vào cảnh tương tự, anh Nguyễn Thanh Quang – Tổng Giám đốc một hệ thống thẩm mỹ viện có tiếng ở TPHCM – bỗng dưng một ngày bị các đối tượng đòi nợ vay qua App gọi điện đòi nợ, dù không vay mượn đồng nào. Qua tìm hiểu và xác minh, anh Quang biết được, các đối tượng đòi nợ gây sức ép để anh trả nợ thay cho một người bạn mình, cũng với lý do tương tự “đã là giám đốc thì có nhiều tiền nên phải trả nợ thay cho bạn”. Rất bức xúc, anh Quang đã giải thích và yêu cầu người đòi nợ nên đòi trực tiếp người vay, chứ không được đòi anh. Nhưng mọi sự giải thích của anh đều không được quan tâm.

Giải ngân, thu lãi suất cao rồi dùng mọi thủ đoạn để thu hồi nợ

Báo Lao Động từng đăng loạt bài điều tra “Vay tiền qua App”, trong đó vạch trần những chiêu trò hoạt động cho vay nặng lãi của các đối tượng cho vay này. Nhiều nạn nhân, dính vào vay tiền qua App đã lâm nợ chồng chất vì lãi suất và phí các loại quá cao nên mất khả năng trả nợ, thậm chí có nạn nhân phải tự tử để giải thoát. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều App vận hành đều áp dụng mức lãi suất theo thỏa thuận không vượt quá 20%/năm (tương đương 1,666%/tháng). Tuy nhiên, các khoản phí dịch vụ và phí phạt thì thu ở mức “cắt cổ”, có khi lên đến 50% số tiền vay. Điều đáng nói, hoạt động kinh doanh của nhiều App đang rất bí ẩn, cơ quan chức năng không quản lý hết được, dẫn đến thất thu thuế và lũng đoạn thị trường tài chính.

Ông Đỗ Minh Hải – Giám đốc Công ty TNHH ATM Online Việt Nam (đơn vị vận hành App ATM Online) xác nhận, hiện nhiều App cho vay được giải ngân theo phương thức tín chấp, nhưng trên hợp đồng giao dịch thì được giải ngân theo phương thức thế chấp. Người vay phải cung cấp chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, nơi ở, nơi làm việc, mức thu nhập và chụp hình gửi cho App, sau đó sẽ được giải ngân nhanh nhất trong vòng 2 giờ.

“Nhiều App dễ dàng giải ngân mà không qua sàng lọc kỹ để chọn khách hàng. Điều đáng lo ngại là có nhiều App vận hành nhưng không đăng ký kinh doanh, không đóng thuế và hoạt động tự phát dưới dạng tín dụng đen mà cơ quan chức năng không quản lý được” – ông Hải cho biết.

Bà Natalia Kovalenko – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lendtop (đơn vị vận hành app oneclickmoney.vn và moneycat.vn) – cho biết, hiện ở Việt Nam chủ yếu có 2 loại hình app cho vay. Một là nhóm các App cho vay với ít đầu tư công nghệ, chỉ cần có người vay tiền liên tục, không quan tâm liệu người vay có thể trả được nợ hay không. Hai là nhóm App cho vay khác sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến từ người dùng để giảm thiểu rủi ro cho bên đơn vị cho vay. Khi đó, các App này sẽ tập trung vào việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện khuôn mặt để phân tích khả năng được duyệt vay và khả năng hoàn trả khoản vay của khách hàng.

Tuy nhiên, tại Việt Nam các công ty áp dụng công nghệ này trên thị trường không nhiều vì chi phí bỏ ra để nghiên cứu lớn. Cơ quan chức năng tại Việt Nam cần chú ý đến yếu tố công nghệ này, để buộc các doanh nghiệp vận hành App phải áp dụng theo, nhằm tạo một môi trường kinh doanh có quản lý của nhà nước.

Theo Huân Cao – Nam Dương/laodong.vn

https://laodong.vn/xa-hoi/xu-ly-triet-de-tinh-trang-de-doa-doi-no-cho-vay-qua-app-976259.ldo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích