Xử lý rác thải nhựa: “Siêu giun” có thể là giải pháp mới
Xử lý rác thải nhựa: “Siêu giun” có thể là giải pháp mới
Môi trường xung quanh con người đang bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng và một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất đó là khủng hoảng rác thải nhựa.
“Phần còn lại của thế giới (thiên nhiên) có thể tiếp tục sống mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu đi chúng”
Sylvia A.Earle – Nhà hải dương học
Rác thải nhựa là những chất khó phân hủy được trong nhiều môi trường. Phải mất từ chục năm cho đến hàng ngàn năm để nhựa có thể phân hủy (Hình 1). Có những loại nhựa chỉ có thể được phân hủy dưới anh nắng mặt trời. Tuy nhiên, nếu bị chôn vùi dưới đất hoặc đại dương thì chúng có thể tồn tại vô thời hạn. Theo ước tính, có đến 70% chất thải nhân tạo chìm dưới đại dương [1].
Điều đáng chú ý là mặc dù biết rằng rác thải nhựa rất khó để phân hủy nhưng lượng tiêu thụ nhựa của con người chỉ có tăng lên chứ không hề có dấu hiệu giảm xuống. Nhựa xuất hiện trong hầu hết các vật dụng mà con người sử dụng, từ những đồ dùng nhỏ như túi nilon, ống hút, thìa, cốc nhựa, bàn chải đánh răng cho đến những thứ lớn hơn như bàn ghế nhựa, quạt máy cùng nhiều thiết bị điện tử khác.
Ở Việt Nam, theo thống kê của bộ Tài nguyên và môi trường, một gia đình sử dụng 1 kg túi nilon mỗi tháng. Các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, có đến 80 tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường mỗi ngày [2]. Đây là một con số đáng báo động. Không chỉ ở Việt Nam, theo báo cáo của Liên hợp quốc, cứ mỗi phút có một triệu chai nhựa được tiêu thụ trên toàn thế giới; mỗi năm có đến 8 triệu tấn nhựa được thải vào đại dương, trong đó 40% nhựa là các sản phẩm một lần sử dụng. Trong đại dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng các sản phẩm nhựa như bao tay, khẩu trang, gói bọc thực phẩm, áo phẫu thuật, bơm kim tiêm… tăng lên đáng kể [3].
Đến nay, theo thống kê của các tổ chức như WHO (World Health Organization – tổ -chức y tế thế giới), EPA (U.S. Environmental Protection Agency – Tổ chức vảo vệ môi sinh Hoa Kỳ), trên thế giới có khoảng 6,3 tỷ tấn rác thải nhựa. Trong đó, chỉ 9% rác thải nhựa được tái chế; 12% rác thải nhựa được đốt; còn lại có đến 79% lượng rác thải nhựa tồn tại trong môi trường tự nhiên bao gồm đại dương [4].
Rác thải nhựa có tác hại lớn không chỉ tới tự nhiên, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sức khỏe của con người. Chúng ta đã không còn xa lạ gì với hình ảnh rác thải từ túi nhựa đến vỏ chai, thùng các tông trôi nổi trên biển hoặc trên các sông hồ. Không ít loài sinh vật biển đáng thương đã phải chịu hậu quả do rác thải nhân tạo. Cá chết do ô nhiễm nguồn nước, nhiều sinh vật biển bị mắc phải rác nhựa như vỏ chai nhựa nên chúng bị siết nghẹt và có hình thù quái dị. Ở Việt Nam, có lẽ người dân đã quá quen thuộc với hình ảnh dòng sông Tô Lịch bị ô nhiễm đến đen ngòm và bốc mùi mỗi khi trời quá nóng hoặc có gió thổi qua. Rác thải nhựa không chỉ gây mất thẩm mỹ môi trường sống mà còn gây hại với các loài sinh vật sống ở đó và con người cũng không ngoại lệ.
Từ lâu các nhà khoa học đã phát hiện ra rác thải nhựa có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Do rác thải nhựa có thời gian phân hủy rất dài từ hàng chục đến hàng nghìn năm, chúng phân rã thành các mảnh nhựa siêu nhỏ, các hạt vi nhựa (microplastic). Những hạt vi nhựa này sẽ theo nguồn nước, không khí và thực phẩm đi vào cơ thể người gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như bệnh về hô hấp, bệnh về thần kinh…[5]. Bên cạnh đó, việc xử lý rác thải nhựa bằng cách đốt cũng gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho con người như khó thở, rối loạn tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư [6].
Bàn về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, một trong những giải pháp hay được mọi người nhắc tới nhất đó là tái chế. Tuy nhiên, có một thực tế chỉ có khoảng 9% rác thải nhựa trong khoảng 63 tỷ tấn nhựa được tái chế. Nguyên nhân là do rác thải nhựa rất khó tái chế. Thêm vào đó, sản phẩm sau tái chế chất lượng cũng không tốt, giá trị không cao.
Trong thời gian qua, các nhà khoa học đến từ Trường đại học University of Queensland (Úc) đã phát hiện và nghiên cứu một loại “siêu giun” (Hình 2). Đây là sinh vật Zophobas mario có khả năng ăn và tiêu hóa Polystiren (nhựa dẻo) nhờ một loại enzym vi khuẩn trong ruột của chúng [7]. Từ đó, các nhà nghiên cứu đã dùng phương pháp megagenomics để tìm ra một số enzym được mã hóa có khả năng phân hủy nhựa. Họ muốn ứng dụng điều này trong các nhà máy để phân hủy nhựa và tái chế nhựa thành các hợp chất khác có giá trị cao như nhựa sinh học. Điều đó có ý nghĩa lớn trong việc giảm thiểu nhựa tồn đọng và không thể phân hủy được trong môi trường.
Trong khi chờ đợi các giải pháp mới được áp dụng thì cần hành động thiết thực để giảm thiểu lượng rác thải nhựa bị trực tiếp thải ra môi trường. Cụ thể hơn, cần đầu tư phát triển mạnh nghiên cứu [8] để có thể nhanh chóng ứng dụng enzym phân hủy nhựa vào việc tái chế rác thải nhựa, góp phần làm giảm thời gian tái chế và tăng số lượng nhựa được tái chế. Bên cạnh đó, cần xây dựng văn hóa môi trường gắn với đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục ý thức cho người dân về tác hại của rác thải nhựa [9,10]. Mỗi người cần được biết về mức độ báo động của rác thải nhựa trong môi trường mà họ đang sống và sự nguy hiểm của chất thải nhựa đến sức khỏe con người để trong mỗi người hình thành ý thức và thói quen cho mình trong sinh hoạt, giảm tối đa việc sử dụng các sản phẩm bằng nhựa, đặc biệt là các đồ dùng nhựa có thời gian sử dụng ngắn hạn; thay vào đó, nên sử dụng các đồ dùng bằng giấy, gỗ hoặc thủy tinh, những sản phẩm có thời gian sử dụng cao hơn để thay thế. Đối với các công ty, doanh nghiệp, nhà hàng…, thì nên chủ động sử dụng cốc giấy, túi giấy, ống hút sinh học, túi và găng tay sinh học phân hủy hoàn toàn.
Tóm lại, con người cần môi trường, cần hệ sinh thái để sinh tồn vì vậy mỗi người cần biết trân trọng và bảo vệ môi trường. Vì một hành tinh xanh, vì nguồn đất, nước và không khí trong lành cho nên mỗi hành động dù nhỏ để bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải nhựa cũng sẽ tạo ra giá trị to lớn cho hôm nay và mai sau.
Tài liệu tham khảo:
[1] Nguyễn Luận. Mất bao lâu để rác thải nhựa có thể phân hủy? Kinh Tế Môi Trường 2019. https://kinhtemoitruong.vn/mat-bao-lau-de-rac-thai-nhua-co-the-phan-huy-8971.html (accessed July 11, 2022).
[2] An Phat holding. Thực trạng rác thải nhựa ở Việt Nam – những con số đáng báo động. Anphatholding 2020. https://anphatholdings.com/hoat-dong-moi-truong/thuc-trang-rac-thai-nhua-o-viet-nam.html (accessed July 7, 2020).
[3] TCMT. Tổng cục Môi trường và Công ty TNHH Nestlé Việt Nam hợp tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Tổng Cục Môi Trường Việt Nam 2021. http://vea.gov.vn/detail?$id=1642 (accessed July 8, 2022).
[4] An Phat holding. Thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa đang ở mức báo động. Anphatholding 2020. https://anphatholdings.com/hoat-dong-moi-truong/thuc-trang-o-nhiem-rac-thai-nhua-dang-o-muc-bao-dong.html (accessed July 8, 2020).
[5] Damian Carrington. Microplastics found in human blood for first time. Guard 2022. https://www.theguardian.com/environment/2022/mar/24/microplastics-found-in-human-blood-for-first-time (accessed July 16, 2022).
[6] Nguyễn Thị Ngoan. Tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và đời sống. Bệnh Viện Đa Khoa Đồng Tháp 2020. https://bvdkdt.dongthap.gov.vn/web/bvdk/chi-tiet-bai-viet/-/asset_publisher/1mOzUrGkrdAE/content/id/3912610?plidlayout=6331 (accessed July 8, 2022).
[7] University Of Queensland. Scientists Discover “Superworms” Capable of Munching Through Plastic Waste. Scitechdaily 2022. https://doi.org/10.1099/mgen.0.000842.
[8] Vuong QH. The (ir)rational consideration of the cost of science in transition economies. Nat Hum Behav 2018;2:5. https://doi.org/10.1038/s41562-017-0281-4.
[9] Khuc Q Van. Khucc tower: from cultural values to practical solutions. Work Pap 2021.
[10] Vuong Q. The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Econ Bus Lett 2021;10:284–90. https://doi.org/10.17811/ebl.10.3.2021.284-290.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị