Xử lý ô nhiễm sông Nhuệ: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

 

Hà Nội sẽ nạo vét 30,8km sông Nhuệ, kéo dài từ xã Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm đến đường Vành đai 4 (giai đoạn 1).
Hà Nội sẽ nạo vét 30,8km sông Nhuệ, kéo dài từ xã Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm đến đường Vành đai 4 (giai đoạn 1).

Sông Nhuệ có nhiệm vụ quan trọng trong tiêu thoát nước lũ và góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở Hà Nội và các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, con sông này bị ô nhiễm nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, sức khỏe của người dân ở các địa phương trong lưu vực.

 

Theo đánh giá của Ủy ban Bảo vệ Môi trường lưu vực sông (BVMT LVS) Nhuệ – Đáy, thời gian qua, chất lượng nước lưu vực sông (LVS) vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Môi trường nước LVS Nhuệ tại các đoạn sông chảy qua khu vực đô thị, khu vực có các hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục bị ô nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Chất lượng nước sông Nhuệ luôn ở mức thấp, nhiều đoạn sông nước đã bị ô nhiễm nặng, điển hình là đoạn sông Nhuệ qua địa phận thành phố Hà Nội.

 

Nguyên nhân của thực trạng này được Ủy ban BVMT LVS chỉ ra là do thiếu các giải pháp công trình liên quan thu gom, xử lý nước thải, công nghệ xử lý thải. Một số điểm nóng về ô nhiễm môi trường vẫn còn tồn tại trong nhiều năm qua như khu vực cuối nguồn sông Nhuệ. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại khu vực nội thành và ô nhiễm do nước thải công nghiệp, từ các làng nghề vẫn diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý, nước thải sinh hoạt thải ra sông Nhuệ chiếm tỷ lệ trên 65% tổng lưu lượng nước thải ra sông Nhuệ, phần lớn không được xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận và đi vào sông.

 

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm tại sông Nhuệ, vừa qua thành phố Hà Nội đã triển khai xử lý ô nhiễm nguồn nước, vận hành có hiệu quả đối với trạm bơm tiêu nước vào sông Nhuệ, điều tiết nước nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Trong đó, thành phố đã vận hành các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung đã hoàn thành (Hồ Tây, 15.000 m3/ngày – đêm; Cầu Ngà, 20.000 m3/ngày – đêm; hồ Bảy Mẫu,13.300 m3/ngày – đêm…). Các trạm xử lý nước thải khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trạm xử lý phân tán nước thải sinh hoạt phát sinh từ các khu đô thị; quản lý, tiếp nhận dữ liệu 6 trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục, trong đó có 1 trạm quan trắc chất lượng nước sông Nhuệ.

 

Thành phố cũng đã yêu cầu các đơn vị chức năng duy tu duy trì nạo vét trên toàn bộ hệ thống sông mương tiêu thoát nước thải, trong năm 2020 đã được nạo vét với tổng khối lượng 55.809 m3.

 

Về phía các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ cũng đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường trên lưu vực sông này, tập trung vào vấn đề môi trường nổi cộm như: xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt; cải thiện giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, chất thải rắn công nghiệp…

 

Hiện nay, 5/5 địa phương (Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định) đã lập và phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xử lý ô nhiễm trên sông Nhuệ vẫn còn nhiều bất cập.

 

Nhằm hướng tới quản lý nước bền vững, hiệu quả, giải quyết ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố Hà Nội vừa giao các đơn vị chức năng lập báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư dự án nạo vét trục chính sông Nhuệ từ xã Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm đến đường Vành đai 4, thành phố Hà Nội (giai đoạn 1).

 

Cụ thể, sẽ nạo vét trục chính sông Nhuệ sẽ diễn ra trên địa phận của 6 quận, huyện với tổng chiều dài khoảng 30,8 km, bao gồm: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Thanh Oai và Thường Tín. Bên cạnh đó, dự án lần này cũng sẽ củng cố các đoạn bờ sông Nhuệ, kè chống sạt lở những đoạn xung yếu, cải tạo nâng cấp các cống đã xuống cấp dọc sông Nhuệ…

 

Mục tiêu của dự án cải tạo sông Nhuệ lần này là bảo đảm nhiệm vụ tưới cho 61.629 ha và tiêu cho 107.530 ha của thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam theo quy hoạch.

 

Bên cạnh đó, nâng cấp trục chính sông Nhuệ kết hợp với làm đường giao thông cải thiện môi trường gắn với chỉnh trang sông Nhuệ từ Liên Mạc đến cống Hà Đông. Xây dựng các trạm bơm tiêu nước từ các tuyến kênh mương tiêu thoát nước vào sông Nhuệ; vận hành thường xuyên đối với các nhà máy xử lý nước thải hiện có trên địa bàn thành phố, các trạm bơm tiêu nước vào sông Nhuệ, sông Đáy, sông Châu Giang. Đầu tư, vận hành hệ thống quan trắc chất lượng nước mặt tự động trên sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch.

 

Các cơ quan chức năng của thành phố tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Qua đó, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép vào môi trường.

 

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất đề án “phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật kết hợp quy hoạch kiến trúc cảnh quan 4 con sông nội đô (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét) giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”.  Theo đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên, dự án này được kỳ vọng sẽ sớm góp phần xử lý ô nhiễm tại lưu vực sông Nhuệ.

 

 

Xem link!

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích